Vào mùa nước nổi hằng năm, nông dân các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông... tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao để phát triển nghề trồng ấu, rau nhút... nhằm kiếm thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho gia đình lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng hai loại cây này ở tỉnh Đồng Tháp đều có chung nhận xét: Cây ấu và rau nhút rất dễ trồng, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh phá hại... Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ...
Công việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – đúng vào lúc người nông dân đã rảnh rang việc đồng áng! Với 4 công đất ruộng nằm cặp QL 30, mỗi mùa nước nổi hằng năm, vợ chồng anh Lê Văn Lợi ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình đã trồng và bán hàng trăm giạ ấu trái, thu nhập trên dưới 3,5 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình anh còn lời hơn 1,5 triệu đồng. Nói về kỹ thuật trồng, anh Lợi vui vẻ bộc bạch : "... Sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, tôi mướn máy xới trục đất rồi khai nước vào ruộng để cấy ấu giống. Lúc đầu, khi mới cấy ấu cần giữ mặt nước cao từ 2 –3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, nước lũ tràn về mực nước cao bao nhiêu, dây ấu phát triển lên cao bấy nhiêu... Năm nào lũ lớn, nước rút chậm, thời gian thu hoạch ấu kéo dài, năm đó trúng mùa ấu!". Thông thường, từ lúc cấy ấu giống đến khi thu hoạch bán trái là 2 tháng. Kế đó, cứ 1 tuần – 10 ngày, thu hoạch trái 1 lần cho đến khi nước lũ rút... Hái trái ngày trước xong, ngày sau phải phun thuốc trừ sâu và thuốc dưỡng lá cho dây, trái mau lớn... Nếu thực hiện đúng qui trình kỹ thuật và phương pháp chăm sóc ấu sẽ ít bị hao hụt, năng suất ấu trái đạt cao... Bình quân 1 công ấu cho năng suất từ 65 – 75 giạ trái. Nếu trúng lên đến cả trăm giạ ấu; còn thất thì chỉ đạt dưới 50 giạ ấu trái/công. Người dân địa phương thường mua ấu sống đem về nấu chín bán cho bà con quanh vùng hoặc tiêu thụ ở các chợ xã, thị trấn, kiếm lời từ 20.000đ – 30.000đ/giạ ấu, cải thiện được cuộc sống kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho những lao động nghèo lúc nông nhàn ở địa phương.
Cùng với cây ấu, rau nhút cũng được nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp chọn trồng để kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi... Anh Nguyễn Văn Tấn ở xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: "Rau nhút trồng được khoảng 1 tháng thì cho thu hoạch. Gia đình tôi trồng hơn 1 công rau nhút cặp bờ ruộng vào mùa nước nổi, mỗi đợt thu hoạch trên, dưới 150kg, bán giá bình quân 1.000đ/kg, thu nhập được 150.000đ. Sau mỗi đợt cắt rau, tôi thường bón phân urê để kích thích cho rau mau phát triển. Và cứ từ 5 – 7 ngày, tôi cắt rau nhút đem ra chợ bán một lần kiếm cũng được cả trăm ngàn đồng, trang trải cho mọi chi phí trong gia đình...".
Muốn trồng rau nhút đạt hiệu quả cao, trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cao chừng 3 – 5 tấc, rồi chọn phần gốc của rau đem cấy xuống ruộng. Chú ý khi cấy rau nhút xong phải cắm một cây trúc nhỏ kế bên và dùng dây buộc gốc rau nhút vào cây trúc để gió không đẩy cọng rau nhút đi nơi khác. Thông thường, từ 10 – 15 ngày sau khi trồng, rau nhút sẽ phát triển và lan rộng ra khắp cả mặt nước trên ruộng. Tiếp đó khoảng nửa tháng, rau nhút bắt đầu cho thu hoạch... Với hơn 1 công ruộng trồng rau nhút của anh Tấn – mỗi đợt thu hoạch, gia đình anh có khoảng lợi nhuận gần 100 ngàn đồng. Nhờ cần mẫn chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên mỗi mùa nước nổi hằng năm, gia đình anh Tấn đã thu được lợi nhuận 3 –4 triệu đồng từ hơn 1 công rau nhút.
Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ nghề trồng ấu, rau nhút, người trồng còn có cái lợi khác là sau khi thu hoạch ấu, rau xong người trồng thuê máy cày – trục nhận dây ấu, rau nhút xuống đất để làm tăng thêm độ màu mỡ giúp nông dân nhẹ vốn đầu tư mua phân bón trong việc canh tác lúa vụ ĐX.