Sự Kiện

Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết sau bão

Chủ nhật, 15/09/2024 20:20 lượt xem: 109

Từ khi bão số 3 đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Với lĩnh vực chăn nuôi, đã có hàng nghìn con gia súc và gia cầm bị chết sau bão.

Chăn nuôi giảm mạnh nguồn cung sau bão

Cùng với công tác ứng phó với mưa lũ, hiện nhiều địa phương cũng đã bắt tay khôi phục hạ tầng, sản xuất nông nghiệp. Với lĩnh vực chăn nuôi, theo thống kê sơ bộ đã có hàng nghìn con gia súc và gia cầm bị chết sau bão. Bên cạnh các tỉnh thiệt hại nặng là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… thì nguồn cung chăn nuôi còn tiếp tục giảm, khi tác động thiên tai chưa dừng lại.

 

Hậu quả cơn bão số 3 rất nặng nề với hạ tầng chăn nuôi. Tại xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng, tất cả các trang trại bị tốc mái đổ tường, để khôi phục địa phương rất cần điện nhưng hiện hàng chục cột điện cũng đổ, để có điện trở lại cũng phải mất 1 – 2 tuần.

Đã 4 ngày nay, trại lợn của anh Lương Văn Đạt (xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng) không có mái. Gặp mưa, sức khỏe đàn vật nuôi yếu dần, nhất là lợn nái. Anh Đạt đang nỗ lực để có thể đảm bảo một số hoạt động tối thiểu duy trì những con còn lại sau thiệt hại quá lớn.

 

“Vịt chết 2.000 con do đổ sập nhà, còn lợn sập hết 2 mái, ngói nó phang vào lợn nái, lợn con gãy chân phải bán loại”, anh Đạt chia sẻ.

Nhiều trang trại chăn nuôi bị tốc mái, hư hỏng sau bão số 3.

60 trại chăn nuôi ở Tân Viên với số lượng cả trăm ngàn con đang ở tình thế nan giải khi số hộ có điện nước mới chỉ gần một nửa. Có tới 5 trại lợn bị tốc mái, hộ anh Nguyễn Bá Lợi đang dùng máy phát điện để duy trì cho 3 chuồng nuôi trong điều kiện “giật gấu vá vai”.

 

Anh Nguyễn Bá Lợi chia sẻ: “Mua vật liệu là cực kỳ khó khăn, từng viên ngói đi góp nhặt từng đại lý nhưng cũng không có. Nếu tạnh ráo còn vớt vát, cứ mưa thế này mất trắng. Điện không có, chưa biết bao giờ có lại, như nhà tôi dùng máy phát điện một ngày tiêu tốn 3 – 4 triệu tiền dầu”.

Ông Lương Xuân Tam – Chủ tịch UBND xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng cho biết: “Trại nào cũng chuẩn bị máy phát điện nhưng bão vào có trang trại cháy cả máy phát vì ngập nước…”.

 

Giải pháp đảm bảo thực phẩm cuối năm

Cục Chăn nuôi hiện đang có các đoàn công tác để cùng các địa phương đánh giá thiệt hại và có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ bà con từng bước khắc phục. Bởi nếu không tình trạng thiếu thực phẩm cho cuối năm là điều có thể nhìn thấy rõ.

Trại gà của ông Ninh Văn Khanh – Chủ trang trại chăn nuôi Tân Viên, An Lão, Hải Phòng chỉ còn nửa tháng nữa là xuất bán. Nhưng cơn bão làm tốc mái đổ tường và ngập nước kéo dài, đến giờ đã có một nửa bị chết, số còn lại đang được ông Khanh nỗ lực cứu.

Sau tình trạng tốc mái, sập tường, thì ngập nước, lũ quét, sạt lở… sẽ còn tiếp tục đe dọa đàn vật nuôi tại các tỉnh phía Bắc. Theo Cục Chăn nuôi, con số thiệt hại đang tăng từng ngày. Vấn đề hiện nay là cần có giải pháp cho hiện trạng của từng trang trại để khắc phục hiệu quả.

 

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khi gà bị ngập thì cần loại bỏ những con ướt nhiễm bệnh, những con giữ được thì nên thay đệm chuồng, tăng tốc độ gió để chuồng khô, cung cấp dinh dưỡng tăng sức đề kháng. Gia cầm có đủ thời gian để vào đàn nhưng cũng sẽ tác động nhất định đến sản phẩm Tết”.

Sau tình trạng tốc mái, sập tường, thì ngập nước, lũ quét, sạt lở… sẽ còn tiếp tục đe dọa đàn vật nuôi tại các tỉnh phía Bắc.

 

Ổn định thị trường thực phẩm thịt

Khi nguồn cung tại các địa phương giảm mạnh thì tại các TP lớn như Hà Nội giải pháp ổn định thị trường đang được đặt ra cho các bên. Thực tế ngay cả trong những ngày mưa lũ cao điểm, tâm lý dự trữ thực phẩm của người dân lên cao thì giá cả các loại thịt vẫn ổn định.

Tại siêu thị Fuji Mart, mặt hàng thịt lợn ở đây vẫn đầy đủ chủng loại. Thịt ba chỉ quế có giá 199.000 đồng/kg; thịt nạc vai có giá 216.000 đồng /kg; sườn có giá 225.000 đồng/kg. Theo đại diện siêu thị, những ngày này lượng khách hàng tới mua sắm tại đây tăng đột biến, gấp 3 lần so với tháng trước. Khách hàng tăng đồng nghĩa với việc chuẩn bị số lượng nguồn hàng tăng theo.

 

“Tâm lý khách hàng sau bão đi mua sắm thì lo lắng không biết có đủ thực phẩm để mua không. Nhưng khi tới siêu thị thì thực phẩm, mặt hàng thịt lợn đầy đủ chủng loại và giá bình ổn, không đổi so với trước “, chị Nguyễn Hải Linh – quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Thực phẩm tươi sống trên kệ hàng một siêu thị. Ảnh: PLO.

Ông Nguyễn Văn Hoàn – Giám đốc siêu thị FujiMart Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết: “Về mặt hàng thịt lợn, một số những nhà cung cấp lớn của siêu thị như CP là họ vẫn đang giao hàng đẩy đủ hàng ngày. Vì trước khi nghe thông tin bão chúng tôi đã lên phương án từ khâu chuẩn bị hàng hóa cho đến khâu vận chuyển, đảm bảo hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân”.

Đại diện các hệ thống bán lẻ cho biết, ngoài việc đảm bảo nguồn cung, giá cả bình ổn thì những ngày này, những chương trình khuyến mại, giảm giá vẫn được áp dụng như trước đây.

 

“Sở Công Thương cũng phối hợp với các Ban ngành, cơ quan chức năng của thành phố giám sát kiểm tra về nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo cho nhu cầu mua sắm của người dân trong điều kiện thiên tai như hiện nay”, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Đại diện Sở Công Thương cũng cho biết, sẽ cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Hải Duyên – Phạm Thành

Nguồn tin: VTV

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện