Những ngày đó nào có xa xôi gì, mới chỉ hơn 10 năm về trước mà như một cái chớp mắt. Gia đình anh Đặng Quang Tiệp là người Kinh nhưng lại sinh sống giữa xứ Mường ở khu Đồng Than của xã Kiệt Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Vốn nhanh nhạy trước những cái mới, năm 2009, sau khi đi thăm các vùng cây ăn quả có múi ở những tỉnh nổi tiếng như Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, anh đã quyết định mua một ít giống về trồng thử.
Một góc đồi quýt, cam của anh Đặng Quang Tiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đó cũng là thời kỳ huy hoàng của cây cam, cây quýt, giúp làm giàu cho không biết bao nhiêu gia đình. Trong khi đó những đồi keo, đồi bồ đề ở quê anh trồng 6 - 7 năm nhưng cũng chỉ cho thu được khoảng 30 triệu đồng/ha, chưa kể gió bão hay sâu bệnh tàn phá là coi như mất trắng bao công sức, tiền bạc.
Đến năm 2012, anh Tiệp quyết định dành tất số tiền trước đây đi kéo dây điện thuê, lắp đặt công trình thuê rồi cầm cả sổ đỏ của nhà để vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng trồng 1.200 gốc quýt Thái, 1.000 gốc cam V1 lòng vàng. Dù đã cất nhà ra ở riêng nhưng anh vẫn bị bố mẹ, người thân phản đối kịch liệt. Họ bảo: “Nếu mày trồng được cây quýt trên đồi, thu được một quả thì tao sẽ ăn cả lá, cả rễ của cái cây đấy”.
Dân làng cũng cười cợt chuyện anh trồng quýt, trồng cam trên đồi, kể cả người hàng xóm vốn là một kỹ sư nông nghiệp vì ở đây chưa từng ai trồng cây có múi mà chỉ toàn trồng keo, bồ đề. Nhưng mọi sự phản đối, coi thường ấy đối với anh cũng chỉ như nước chảy, mây trôi, không mảy may khiến anh nản chí mà mỗi năm lại còn mở rộng thêm diện tích.
Để chăm sóc cho đồi cây ăn quả, anh còn cầu kỳ mua phân trâu về ủ hoai mục rồi bón. Cây trồng nhờ thế mà phát triển tốt tươi, nhưng không ngờ đến năm thứ ba thì chúng mắc bệnh vàng lá, thối rễ hết lượt. Đã thế, khi bị bệnh vàng lá, thối rễ cây rất yếu liền bị nhện đỏ đồng loạt tấn công. Một số bạn bè đến thăm, thấy tình trạng đồi cây như thế đều lắc đầu, khuyên anh chặt bỏ.
Mùa cam chín. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Không hề buông xuôi, anh kiên trì điều trị bằng cách tưới thuốc ra rễ và sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để ngăn chặn tuyến trùng và nấm bệnh gây bệnh vàng lá, hại rễ. Sớm sớm, chiều chiều một mình anh cùng với bình thuốc trên lưng leo đồi, trèo dốc đi phun vì lúc này ngay cả vợ anh cũng đã không còn niềm tin với cây cam, cây quýt nữa.
Không phụ công người, sang đến năm thứ năm thì đồi cây bắt đầu phục hồi. Vụ đó anh bán cam, quýt thu được 600 triệu đồng. Số tiền lớn đó khiến cho dân trong xóm không ngớt xôn xao bàn tán.
Tin tưởng vào hướng đi mới, anh tiếp tục phủ xanh ngọn đồi bằng các giống cam V2, quýt Thái chín sớm, quýt Thái chín muộn, chanh bốn mùa. Hiện diện tích cam, quýt của anh đã lên tới hơn 7ha, sản lượng năm 2023 được 50 tấn, doanh thu 1,5 tỉ đồng, trong đó chi phí hết 700 triệu đồng. Vườn cam, quýt của anh chủ yếu được bón phân chuồng tự ủ, phân hữu cơ trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bẫy dính, chế phẩm xua đuổi sâu bọ.
Vườn cây không dùng thuốc trừ cỏ mà anh dùng máy để phát, quét vôi vào gốc cây để phòng ngừa nấm, giúp cho đất đỡ bị chai, đỡ hỏng rễ cây, đỡ hại sức khỏe người lao động. Chất lượng quả quýt, quả cam nhờ thế ngon, ngọt, giòn hơn, có mùi thơm rất đặc trưng, giá bán cam trung bình được 20 - 25.000đ/kg, quýt 40.000đ/kg.
Chuẩn bị xuất hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau khi anh Tiệp trồng cam, quýt trên đồi Đồng Rỏi được chừng 2 năm thì trong vùng lác đác có người học làm theo, địa phương có, nơi khác đến mua đất cũng có. Còn những hộ vẫn trung thành với việc trồng keo, bồ đề thì với chu kỳ 6 - 7 năm đến nay họ cũng chỉ thu được 40 - 50 triệu đồng/ha, khó có thể vươn lên làm giàu được.
Người chèo lái con thuyền HTX
Năm 2021, đúng vào thời kỳ dịch Covid-19 hoàng hành nhất, thị trường bị đứt gãy khiến nông sản ế thừa, anh Tiệp đã vận động mọi người thành lập HTX Cây ăn quả và Dược liệu Mường Kịt (HTX Mường Kịt) và đứng lên làm Giám đốc. Anh sử dụng các mạng zalo, facebook quảng bá sản phẩm cam, quýt của HTX Mường Kịt và được Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ trợ giúp trong việc kết nối với khách hàng, nhờ đó có nhiều đầu mối tiêu thụ, vượt qua cơn bĩ cực.
Từ 7 thành viên ban đầu với tổng diện tích sản xuất hơn 10ha, đến nay, HTX đã phát triển lên 12 thành viên thuộc nhiều xã của huyện Tân Sơn như Kiệt Sơn, Thu Cúc, Thạch Kiệt với tổng diện tích sản xuất khoảng 50ha. Không chỉ làm nhiệm vụ cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn cách chăm sóc đúng kỹ thuật cho các thành viên, HTX còn kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Anh Kiều Văn Tài ở khu Chiềng Lớn (xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn) - người đang có 6ha cam Canh, bưởi da xanh và chanh tứ quý chia sẻ, sở dĩ anh muốn tham gia vào HTX là để phát triển cây có múi trên quy mô đồng loạt nhằm dễ tiêu thụ.
Năm 2023, anh Tài thu được 50 tấn quả, bán được 1,5 tỉ đồng, sau khi trừ tất các khoản chi phí vẫn còn lãi khoảng 800 triệu đồng. Năm nay anh mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất theo chuẩn VietGAP, không dùng thuốc trừ cỏ nữa mà phát bằng máy, không dùng thuốc BVTV hóa học nữa mà dùng thuốc BVTV sinh học và dầu khoáng, không dùng thuần phân hóa học nữa phối hợp với phân gà ủ hoai mục và NPK. Cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dù giá bán chỉ ngang với sản phẩm thông thường nhưng được khách hàng đón nhận nhiệt liệt, cung luôn không đủ cầu.
Anh Đặng Quang Tiệp kiểm tra cây quýt Thái. Ảnh: Dương Đình Tường.
Năm 2023, sản phẩm của HTX được huyện Tân Sơn chứng nhận OCOP 3 sao. Vào dịp Tết, quýt của HTX Mường Kịt chỉ đủ cung cấp cho thị trường ở tỉnh Phú Thọ và một số cơ quan, đơn vị ở Hà Nội, còn cam Mường Kịt thì thương lái Nghệ An đến đặt hàng, có bao nhiêu mua bấy nhiêu để chở ngược vào Vinh tiêu thụ.
Anh Tiệp cho biết: “Hướng đi sắp tới của HTX Mường Kịt là thu hút thêm thành viên, mở rộng thêm diện tích sản xuất nhưng không vì thế mà kết nạp thành viên một cách bừa bãi. Vừa qua, một số hộ bên ngoài muốn tham gia vào HTX nhưng kiểm tra thấy quy trình sản xuất không đúng, vẫn dùng nhiều thuốc diệt cỏ, lạm dụng thuốc BVTV hóa học, thậm chí dùng thuốc Tàu nhập lậu, hóa chất để tẩy mã quả, thu hoạch quả không đảm bảo thời gian cách ly, sợ ảnh hưởng đến uy tín nên tôi đã từ chối.
Hiện HTX mới chỉ bớt sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV hóa học thôi mà sinh vật dưới đất đã phát triển tốt, nấm bệnh ít, giun dế nhiều, chứ trước đây khi còn là đồi keo, đồi bồ đề, đất rất khô, nghèo dinh dưỡng, gần như không có giun, dế. Năm 2025, chúng tôi dự định sẽ bỏ hẳn phân hóa học, thuốc BVTV hóa học để sản xuất theo kiểu hữu cơ, xây dựng cam, quýt của HTX Mường Kịt thành thương hiệu đặc sản của huyện Tân Sơn nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung”.
Nói rồi, anh Tiệp trân trọng mời tôi cuối năm nay hãy trở lại Tân Sơn để kiểm chứng chất lượng của quả cam, quả quýt xứ Mường Kịt xem có đúng như lời mọi người nhận xét hay không.
Ngoài các loại cây trồng chủ lực như quýt Thái, cam, chanh tứ mùa, HTX Cây ăn quả và Dược liệu Mường Kịt còn chủ trương phục hồi những loài cây dược liệu bản địa của địa phương và phát triển chúng theo hướng canh tác an toàn, chế biến sâu, gia tăng giá trị.
Dương Đình Tường