Nước lũ dâng cao đã nhấn chìm toàn bộ trang trại gà hơn 80.000 con của gia đình ông Đoàn, ước tính thiệt hại cả hơn chục tỷ đồng.
Chỉ sau một đêm nước dâng, hàng vạn con gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn (khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã bị cuốn trôi.
Chia sẻ với phóng viên, sáng sớm ngày 10/9, sau khi kiểm tra thấy nước sông Hồng tràn vào trong nền đất gia đình ông đã huy động tất cả nhân lực, vật lực với 8 xe ô tô đến để cứu hộ. Nhưng khi đoàn xe đến nước lũ lên quá nhanh và không thể tiếp cận được đành phải quay đầu, gia đình đã phải chuyển sang phương án bắt gà thủ công từ tầng thấp lên tầng cao với hi vọng nước không lên quá cao.
Tuy nhiên, đợt lũ này dâng lên tận nóc chuồng khiến tình hình không thể cứu vãn. Cùng với hàng vạn con gà, những tài sản khác tại trang trại như máy phát điện, quạt gió,… cũng bị hư hỏng.
Trang trại với quy mô hơn 80.000 con gà đã bị mất trắng sau một trận lũ.
Xác gà chất đầy, trứng gà rơi vãi đầy trong chuồng không thể thu do mưa lũ.
Ông Hoàng Ngọc Đoàn cho biết, trang trại của gia đình ông có tổng cộng hơn 80.000 con gà. Do nhà ông nuôi gà ở khu vực bãi cách sông Hồng khoảng 2km nên khi nước lên, khu chăn nuôi nhà ông bị ngập hết toàn bộ.
“Mưa lũ lớn, nước sông Hồng dâng quá nhanh, có thời điểm chỉ sau 1 giờ nước đã cao thêm khoảng 15cm, khiến gia đình tôi trở tay không kịp, toàn bộ trang trại đã bị ngập sâu từ hôm 10/9. Chỉ sau một trận lũ, toàn bộ số gà đang trong độ đẻ trứng và xuất chuồng phần lớn chết sạch, kéo theo bao tâm huyết, tiền bạc của gia đình đổ sông đổ bể”, ông Đoàn chia sẻ.
Xác gà chết và thức ăn chăn nuôi ngổn ngang sau khi nước rút trên lối đi vào trang trại.
Được biết, trong ngày 11/9, nhờ sự kêu gọi và ủng hộ của người dân địa phương, mọi người đã chung tay “giải cứu” số gà còn sống với giá 50.000 đồng/con. Nhiều người còn đứng chờ cả tiếng đồng hồ nhưng không mua được.
Do nước lũ lên cao trang trại bị ngập sâu, đường lớn lại cách khu chăn nuôi hơn 1km nên việc đưa thuyền vào trại vận chuyển gà ra ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi chuyến thuyền chở ra ngoài được số lượng ít khiến gia đình chỉ bán gỡ gạc được khoảng 2.000 con, đưa khoảng 7.000 con gà hậu bị (gà con) lên bờ an toàn. Số còn lại, gia đình ông Đoàn chấp nhận mất trắng do nước lũ.
Người dân xếp hàng chờ mua gà của ông Đoàn bán chạy lũ vào ngày 11/9.
“Thời điểm đó, mượn ngược mượn xuôi chỉ được 3 chiếc thuyền chuyển gà qua dòng nước lũ, mỗi chuyến chỉ chuyển được 20-30 con gà nên chuyến nào đưa ra được bán hết ngay chuyến đó. Vừa thương tình, vừa muốn mua gà với giá rẻ nên nhiều người chạy đến để ủng hộ khi thấy thuyền vừa ra đến đầu đường”, ông Đoàn nói.
Theo ông, những con gà này đều là giống gà siêu trứng, được nuôi từ 6-7 tháng trước, đang bắt đầu cho thu hoạch trứng. Mỗi con nặng từ 2-3 kg. Nếu không xảy ra lũ lụt giá bán hiện tại đang là 150 nghìn/con; lượng trứng duy trì trong ngày từ 70.000 – 75.000 quả thu về khoảng hơn 100 triệu đồng/ngày chưa trừ chi phí.
Ông Đoàn cho biết tính riêng tiền gà, gia đình ông thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền thức ăn với khoảng 140 tấn cám bị mốc, trang thiết bị điện bị ngập nước… thiệt hại lên tới 14 tỷ đồng.
“Gia đình tôi làm trang trại cũng đã 14 năm nay, nhưng chưa có một trận lũ nào như thế này cả. Đây là lần gia đình bị thiệt hại nặng nhất, đợt cúm H5N1 cũng không mất nhiều tiền như thế. Tích cóp bao nhiêu năm, toàn bộ của cải giờ mất hết, tôi rơi vào cảnh trắng tay, ôm nợ ngân hàng. Hiện tại gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu một tháng”, ông Đoàn đau xót nói.
Ông Hoàng Ngọc Đoàn – chủ trang trại cho biết, nuôi gà đã 14 năm, chưa năm nào ông gặp thiệt hại nặng như lần này.
Trước khi xảy ra trận lũ lần này, trang trại của ông Đoàn có quy mô rộng khoảng 2,6 ha, với 7 dãy chuồng mỗi chuồng duy trì khoảng 10.000-13.000 con gà đẻ trứng và hơn 10.000 gà hậu bị. Cơ sở đã được chứng nhận chăn nuôi VietGap vào năm 2018, tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân. Sau khi xảy ra vụ việc toàn bộ công nhân đã phải nghỉ làm, rơi vào cảnh thất nghiệp.
Ông Đoàn cho biết thêm: “Sau khi khắc phục hậu quả do cơn lũ lụt gây ra, gia đình tôi có nguyện vọng được tiếp tục chăn nuôi trên cơ sở vật chất đã đầu tư để thu hồi vốn và có nguồn trả nợ ngân hàng cũng như tạo điều kiện duy trì công ăn việc làm cho anh em công nhân. Tha thiết mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình ổn định để tái sản xuất”.
Chính quyền địa phương huy động phương tiện, máy móc và nhân lực xuống hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Theo ghi nhận, trong sáng ngày 14/9, sau khi nước đã rút hết phương tiện có thể di chuyển ra vào bãi chăn nuôi, chính quyền địa phương đã đến khảo sát thiệt hại, tính toán phương án xử lý, huy động máy xúc, hàng chục nhân lực giúp gia đình tiêu số lượng gà bị chết. Dự kiến, trong ngày hôm nay toàn bộ số gà bị chết sẽ được chôn cất, xử lý theo đúng quy trình tránh gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh.
Theo Cổng thông tin điện tử huyện Đông Anh, tính đến hết ngày 11/9, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị ngập là 1.066/1.191ha, trong đó có 501ha hoa màu, 453ha cây ăn quả, 112 ha cây quất cảnh và đào cảnh. Tổng diện tích khu dân cư bị ngập là 41/201ha.
Thời gian tới, huyện tập trung khắc phục kịp thời, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão, lũ gây ra, chủ động triển khai các giải pháp sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân và các hoạt động sản xuất trên địa bàn.