Cảng Đình Vũ. Ảnh: TRẦN HẢI |
Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với khủng hoảng và lạm phát làm giảm sức mua thì việc mở rộng khai thác thị trường mới sẽ là hướng đi hợp lý cho các ngành hàng nông sản để vừa tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, vừa đưa nông sản Việt Nam "phủ sóng" rộng khắp toàn cầu.
Hướng đến thị trường và sản phẩm tiềm năng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chile là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước khi được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile (VCFTA) và Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Năm 2023, Chile là một trong số ít các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam duy trì được sự tăng trưởng cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này hiện mới đạt gần 16 triệu USD. Chile đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 trong số 109 thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Chile còn khá nhiều do mức sống của người dân nước này đang ngày càng được nâng cao; thậm chí năm 2023, trong bối cạnh lạm phát tại các nước tăng cao thì lạm phát tại Chile lại ở mức thấp. Bên cạnh đó, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... cho nên đây là một thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng với sản phẩm cá ngừ thì thị trường Nga đang có nhiều tiềm năng nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEUFTA). Trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đang được miễn thuế khi xuất khẩu sang Nga theo thỏa thuận trong VN- EAEUFTA, thì các sản phẩm của Trung Quốc và Thái Lan đang phải chịu thuế 3,8%. Tuy nhiên, hiện nay thị trường Nga cũng chưa được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khai thác hết "tốc lực" khi mới chỉ là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 cho thị trường này, vẫn đứng sau Trung Quốc và Thái Lan.
Ðối với thị trường Ấn Ðộ, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Ðộ (AIFTA) cũng mang lại một số lợi thế cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Ðộ Bùi Trung Thướng cho biết: Ấn Ðộ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng 84,9% xuất khẩu của Việt Nam đến Nam Á. Các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Ðộ trong năm 2023 là: cao su đạt 186,7 triệu USD, giảm 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 121,9 triệu USD, tăng 287,7%; chè 83,2 triệu USD, giảm 21,6%; hạt tiêu 62,4 triệu USD, giảm 13,8%; cà-phê 61,2 triệu USD, tăng 6,6%... Tuy nhiên, so với nhu cầu của thị trường đông dân nhất thế giới, khoảng 1,5 tỷ dân, thì dư địa để nông nghiệp Việt Nam khai thác vẫn rất lớn, nhất là trong điều kiện các tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu vào Ấn Ðộ chưa cao và toàn diện như nhiều thị trường khác.
Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 12 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Anh và Việt Nam. Ngoài các nước châu Á thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các quốc gia còn lại vẫn rất hạn chế. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 43% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Tuy nhiên hiện nay, nông nghiệp Việt Nam cũng chưa tận dụng được nhiều ưu thế tại thị trường này do Canada có xu hướng đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ nên đã ảnh hưởng đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như trái cây và thủy sản. Ðối với thị trường Mexico, Peru, chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam mặt hàng thủy sản thì năm 2023 cũng đều ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mexico giảm 25,1%, từ 128 triệu USD năm 2022 xuống 95,8 triệu USD năm 2023; xuất khẩu sang Peru đạt 10,9 triệu USD, giảm 22,9%.
Tập trung tuyên truyền về các FTA
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Ðiển, kiêm nhiệm Ðan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Hiện nay, khu vực thị trường Bắc Âu vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam khai thác để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA. Nguyên nhân một phần do đây là khu vực thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt hơn so với các thị trường khác, thậm chí một số yêu cầu còn cao hơn các yêu cầu chung của EU. Mặt khác, công tác tuyên truyền về nhu cầu, thói quen tiêu dùng, điều kiện chất lượng nông sản, thực phẩm của các thị trường này đến doanh nghiệp thời gian qua cũng chưa nhiều. Do đó, muốn khai thác đồng đều các thị trường có FTA thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và xúc tiến thương mại tại từng quốc gia.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đầu tháng 5 năm nay, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội về kế hoạch tuyên truyền hiệp định thương mại tự do năm 2024. Theo đó, sẽ tập trung vào các chủ đề như: Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA; Thông tin thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA; Nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp tại thị trường FTA; Hướng dẫn các cam kết trong các FTA; Tham gia chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI; Ðào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA; Tận dụng nguồn nhập khẩu để gia tăng tỷ lệ tận dụng FTA; Phổ biến, hướng dẫn các FTA mới ký kết, phê duyệt hoặc phê chuẩn. Trong đó, hầu hết các mặt hàng nông sản đều có các chương trình tuyên truyền riêng như: Cập nhật các chỉ tiêu, thông tin rào cản kỹ thuật mới, rào cản về thuế quan từ các nước đối với ngành thủy sản; Hướng dẫn tiếp cận, phát triển thị trường bền vững theo các FTA đối với mặt hàng hoa quả tươi và hoa quả chế biến; Ðịnh hướng cơ hội từ EVFTA với các doanh nghiệp chế biến dừa tỉnh Bến Tre; Hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận sản phẩm Halal xuất khẩu, tập trung vào các thị trường đã có FTA với Việt Nam là Ấn Ðộ, Malaysia, Indonesia, Brunei và thị trường đang đàm phán FTA là UAE.
Ðại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, Bộ Công thương đang tiếp tục triển khai và vận hành Cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do (FTAP), tập trung xây dựng và phát triển để FTAP trở thành một cổng giao diện trực tuyến duy nhất, trong đó có đầy đủ các nội dung mà doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu như: quy định về yêu cầu mặt hàng; quy tắc xuất xứ; thông tin thị trường; các cam kết phi truyền thống như lao động, môi trường; câu chuyện thực tế của doanh nghiệp; các khóa đào tạo trực tuyến... nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Ngày 11/1/2023, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 48/QÐ-BCT về việc thành lập Tổ công tác xây dựng Bộ chỉ số đánh giá tình hình thực thi FTA tại các địa phương (FTA Index). Theo đó sẽ có kết quả xếp hạng các tỉnh, thành phố về thực thi FTA. Năm 2023, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các thành viên của Tổ công tác FTA Index xây dựng và thông qua bộ tiêu chí, điều kiện đối với đơn vị được lựa chọn triển khai FTA Index. Dự kiến, năm 2024, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các thành viên Tổ công tác FTA Index và các đơn vị liên quan lựa chọn đơn vị thực hiện FTA Index theo đúng quy trình, thủ tục đấu thầu hiện hành.
(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương)
----------------------------------