Kiến Thức Trồng Trọt

Trồng dưa lưới thủy canh ứng dụng công nghệ số

Thứ sáu, 19/07/2024 16:36 lượt xem: 93

BẾN TRE Mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng công nghệ số của anh Đỗ Văn Ro cho lợi nhuận 200 triệu đồng mỗi năm trên diện tích 500m2.

Anh Đỗ Văn Ro - giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có 2 vườn trồng dưa lưới. Vốn là thạc sĩ kinh tế nông nghiệp, anh không ngừng tìm tòi các giải pháp chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian.

Đầu năm 2023, anh Ro quyết định đầu tư nhà màng, hệ thống bồn chứa, ống thủy canh để bắt đầu nghiên cứu trồng dưa lưới thủy canh.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ số của anh Đỗ Văn Ro được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là sáng kiến hiệu quả. Ảnh: Kiều Trang.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ số của anh Đỗ Văn Ro được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là sáng kiến hiệu quả. Ảnh: Kiều Trang.

Theo anh Ro, để dưa lưới phát triển tốt, việc cung cấp dinh dưỡng trong quá trình canh tác phải tuân theo nguyên tắc, tạo môi trường sống cho cây tương tự như môi trường đất. Kỹ thuật quản lý và sử dụng dinh dưỡng rất quan trọng, nếu phân bón không được pha trộn đúng tiêu chuẩn, sẽ gây ra hiện tượng kết tủa, mất dinh dưỡng.

Để pha trộn các loại phân với nhau một cách chính xác, anh Ro đã ứng dụng pha chế dung dịch thủy canh HydroBuddy v1.50 của nhà khoa học người Tây Ban Nha Daniel Fernadez thiết lập.

Thời gian đầu, sản phẩm dinh dưỡng được tạo ra chưa phù hợp với điều kiện cây trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới. Sau thời gian cải tiến, điều chỉnh tỷ lệ phân bón, anh Ro đã thành công phối trộn dung dịch dinh dưỡng phù hợp với khí hậu và yêu cầu của cây dưa lưới ở vùng Nam Bộ và tỉnh Bến Tre.

Việc áp dụng chuyển đổi công nghệ số đã giúp anh Ro dễ dàng theo dõi, điều chỉnh sự sinh trưởng của cây theo từng giai đoạn chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet. Theo đó, thiết bị sẽ tự động chuyển đổi hàm lượng dinh dưỡng (nồng độ EC), độ pH và nhiệt độ trong nước thành các thông số cụ thể. 

Thương lái đến thu hoạch dưa lưới của anh Ro. Ảnh: Kiều Trang.

Thương lái đến thu hoạch dưa lưới của anh Ro. Ảnh: Kiều Trang.

Đầu năm 2024, mô hình trồng dưa lưới của anh Ro được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là sáng kiến hiệu quả. Với diện tích 500m2 trồng 1.500 gốc dưa lưới, mỗi năm anh Ro thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng nếu giá bán dưa khoảng 40.000 đồng/kg. 

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, anh Ro đã trồng được 2 vụ dưa lưới, tuy trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nhưng năng suất vườn dưa lưới không bị ảnh hưởng. Dưa được trồng trong môi trường thủy canh, lượng nước được tuần hoàn tái sử dụng, hạn chế thất thoát qua đất, tiết kiệm nước 2 đến 3 lần so với phương pháp truyền thống. 

Anh Ro bày tỏ, việc trồng dưa lưới thủy canh mang lại năng suất cao, có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đầu ra cho trái dưa lưới thương phẩm còn gặp nhiều khó khăn do quy mô còn khá nhỏ. Do đó, anh mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân có nhu cầu, từ đó hình thành nên vùng liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Võ Nhất Duy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành NN-PTNT tỉnh Bến Tre đánh giá, việc ứng dụng chuyển đổi số vào canh tác dưa lưới giúp kiểm soát, điều chỉnh chính xác hàm lượng dinh dưỡng, độ pH và nhiệt độ nước cung cấp cho cây trồng. Từ đó, giảm chi phí chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn. 

Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật số góp phần chuyển đổi hiệu quả từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Kiều Trang.

Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật số góp phần chuyển đổi hiệu quả từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Kiều Trang.

Ngoài mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ số, tỉnh Bến Tre đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, quy trình công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Đồng thời, địa phương triển khai các chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng trọng điểm. Từ đó, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đến nay, các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh Bến Tre đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để nâng cao vai trò và hiệu quả chuyển đổi số, cần sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành. Đặc biệt, bà con nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học công nghệ.

Kiều Trang - Hồ Thảo

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện