Kiến Thức Trồng Trọt

Giải pháp phát triển bền vững mô hình tôm lúa tại Bạc Liêu

Thứ tư, 28/12/2016 08:00 lượt xem: 86

Trong những năm vừa qua, mô hình sản xuất tôm - lúa đã phát triển mạnh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này được coi là mô hình hiệu quả, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  Bạc Liêu có đường bờ biển khoảng 56 km, kéo dài trên địa bàn TP. Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải. Với đặc điểm hệ thống kênh ngòi chằng chịt, đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau, việc dẫn nước mặn về nội đồng rất thuận tiện. Vì vậy, nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển mạnh trong thời gian vừa qua.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh khoảng 130 ngàn ha, được chia thành hai vùng sinh thái khác nhau: Vùng phía Nam Quốc lộ 1A nuôi chủ yếu tôm tham canh – bán thâm canh và quảng canh cải tiến kết hợp với diện tích trên 86 ngàn ha; Vùng phía Bắc Quốc lộ nuôi chủ yếu quảng canh cải tiến kết hợp, tôm – lúa, tôm càng xanh - lúa và cá nước ngọt.

Hiệu quả kinh tế

Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai về diện tích nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích tôm-lúa đạt gần 30.000ha. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa của tỉnh có từ hơn 30 năm nay nhưng phát triển mạnh từ năm 2001 với 5.851 ha. Diện tích nuôi tôm – lúa tăng tại Bạc Liêu tăng rất nhanh, từ 5.851 ha năm 2011 lên đến gần 30.000ha năm 2016.

Hằng năm, Bạc Liêu nuôi tôm trong ruộng lúa (chủ yếu tôm càng xanh, tôm sú, tôm đất) từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7, sang tháng 8 - 9 kết hợp lúa - tôm. Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp đạt năng suất khá cao. Hình thức nuôi tôm trên đất lúa cho năng suất bình quân 300 - 400 kg/ha, mang lại lợi nhuận khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, vượt trội hơn hẳn so với cây lúa truyền thống.

Ngoài tôm sú, bà con nông dân các huyện trong tỉnh còn thả tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua. Mô hình tôm càng xanh – lúa cho năng suất từ 0.09 – 0.1 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 10 – 15 triệu/ha/năm. Các giống lúa phổ biến là giống Một bụi đỏ, OM5451, OM2017, HS182 cho năng suất từ 4,5 - 6 tấn/ha.

Lợi ích từ mô hình

Quan sát trong nhiều năm cho thấy mô hình sản xuất tôm – lúa luân canh ít ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài ra có một số ưu điểm như giảm dịch bệnh trên cả tôm và lúa, do vậy giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Đặc biệt, giúp người nông dân sản xuất sạch hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra, do ít sử dụng phân bón hóa học và ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất, nên mô hình này được coi là mô hình thân thiện môi trường.

Hơn nữa, lúa được trồng trên diện tích nuôi tôm là một cách để loại bỏ muối từ các cánh đồng lúa trong mùa mưa, do vậy giúp giảm tác hại của xâm nhập mặn và kéo dài thời gian sử dụng đất. Ngoài ra, nuôi tôm sau vụ lúa sẽ giúp nền đáy ao được khoáng hóa, giảm thiểu các chất độc trong ao tôm, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài, cắt mầm bệnh trên tôm, môi trường ao tôm ổn định, nên trong vụ tôm cũng không cần phải sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh, dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận vì thế cũng tăng cao.

Bên cạnh đó, mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi và nông dân đã có kinh nghiệm từ các vụ trước nên họ sẵn sàng học hỏi và tuân theo thời vụ thả nuôi. Ngoài ra, tôm càng xanh lại dễ nuôi, cho năng suất ổn định và nhu cầu tiêu dùng cao.

Ngoài ra, mô hình tôm - lúa là mô hình nuôi trồng thủy sản sinh thái bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tạo thu nhập cho người nông dân cũng như tạo ra các sản phẩm tôm sạch và an toàn.

Các hạn chế

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình sản xuất tôm – lúa tại tỉnh Bạc Liêu còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Trước tiên, mô hình này phụ thuộc lớn vào nguồn cấp nước. Vấn đề về các quy định nguồn nước để đảm bảo sự phát triển hài hòa của mô hình này không được giải quyết thỏa đáng do 2 nguyên nhân: người nông dân không tuân thủ mùa vụ và khó khăn trong việc cấp/thoát nước (cả nước mặn và nước ngọt) cho nuôi trồng thủy sản trên cùng một hệ thống thủy lợi.

Bên cạnh đó, việc thiết kế ao nuôi tôm vẫn chưa hợp lý như diện tích quanh ao nhỏ, bờ ao thấp nên không thể giữ nước, dẫn đến mực nước trong ao thấp, do vậy ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của tôm và làm cho tôm dễ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, sự tiếp cận của người nông dân với khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống. Người nuôi thường thả nuôi tôm vài lần/vụ và nguồn tôm giống thường không rõ ràng. Do vậy, hiệu quả của mô hình còn hạn chế.

Yếu tố môi trường cũng là một bất cập đối với mô hình sản xuất tôm - lúa luân canh. Xu thế nước biển dâng cao, sự xâm nhập mặn sâu hơn, mùa khô kéo dài, nắng nóng hơn, mùa mưa ngắn hơn, lượng mưa ít, cộng với việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong ít nhiều cũng ảnh hưởng đến phát triển bền vững của mô hình sản xuất tôm - lúa.

Việc liên kết và hợp tác giữa người nông dân tham gia mô hình cũng như giữa các bên liên quan còn hạn chế.

Giải pháp phát triển bền vững

Để phát triển mô hình sản xuất tôm – lúa bền vững, cần giải quyết một số giải giáp căn cơ, cụ thể:

Về hệ thống thủy lợi, tỉnh sẽ xây các ô đê bao khép kín xung quanh các tiểu vùng sản xuất cụ thể nhằm ứng phó với hiện tượng nước biển dâng có thể gây ảnh hướng đến thất thoát sản lượng thủy sản. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban điều tiết nước từ tỉnh đến cơ sở trong việc đóng mở các cống, theo dõi diễn biến nguồn nước đảm bảo phục nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, nông dân cần chú trọng khâu cải tạo đồng ruộng chuẩn bị cho vụ nuôi tôm. Tôm giống phải được vèo lại để tôm phát triển tốt mới đưa ra nuôi. Bà con cũng nên dành một diện tích đất làm ao lắng để bổ sung nước trong quá trình nuôi tôm; hạn chế tối đa việc lấy nước bên ngoài vào. Có như vậy tôm nuôi trên đất lúa sẽ giảm thiệt hại và cho năng suất cao.

Về chất lượng con giống, cần có biện pháp quản lý khắc phục tình trạng tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch đang khá phổ biến ở vùng tôm - lúa. Ngoài việc nâng cao năng lực các cơ sở dịch vụ kiểm dịch, tăng cường kiểm soát các cơ quan quản lý về chất lượng tôm giống, việc thay đổi phương thức quản lý chất lượng tôm giống là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần phát triển các giống lúa đặc sản địa phương, lúa chất lượng cao và tôm sạch cho mô hình lúa - tôm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu tạo ra các giống lúa có thể phát triển tốt ở độ mặn trên 5‰; cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất giống thủy sản nhằm chọn tạo các giống thủy sản có sức đề kháng cao với dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về mùa vụ, trong quá trình canh tác mô hình tôm – lúa cần tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo hằng năm của ngành chuyên môn. Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng tháng, quý, năm cho từng tiểu vùng sản xuất cụ thể.

Về kỹ thuật, cần đánh giá khả năng ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất của nguời dân trước biến đổi khí hậu hiện nay, từ đó đề xuất quy trình, cải tiến kỹ thuật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các mô hình nuôi thủy sản. Nâng cấp các công trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với các hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm – lúa, tôm càng xanh – lúa cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra trong thời gian tới. Ngoài ra, cần tuân thủ quy trình kỹ thuật của ngành chuyên môn, như chuẩn bị ao nuôi đảm bảo giữ nước trên mặt trảng tối thiểu 0,4–0,6 m và mương bao 1,2–1,5 m; thả tôm sú giống 1–2 đợt/năm với mật độ 1–3 con/m2, tôm càng xanh 1 đợt/năm với mật độ 2–3 con/m2. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp để mô hình ổn định và bền vững.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của việc canh tác tôm – lúa. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, nhất là quản lý môi trường nước, phòng trị bệnh trên tôm, kỹ thuật canh tác lúa trong mô hình. Xây dựng điểm trình diễn mô hình sản xuất tôm - lúa để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Cần đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng tôm - lúa. Các hợp tác xã với mô hình cánh đồng lớn tôm - lúa sẽ khắc phục được các hạn chế do ảnh hưởng của tập quán sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo hướng GAP, áp dụng kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Tổ chức liên kết giữa nông dân sản xuất tôm - lúa với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư sản xuất, với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả.

Ngoài ra, việc xây thương hiệu tôm - lúa riêng cho “tôm sạch, lúa thơm” để tạo hình ảnh trên thị trường thế giới là hết sức cần thiết. Xây dựng thương hiệu tôm, quảng bá hình ảnh, phát triển thị trường là công việc bền bỉ, có kế hoạch, mục tiêu nhất quán, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước từ các quy định pháp lý đến chính sách, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường.

Triển vọng

Mô hình sản xuất tôm – lúa tỉnh Bạc Liêu đã chứng minh tính hiệu quả và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn và hạn hán. Mô hình này sử dụng ít phân bón và kháng sinh, do vậy đảm bảo sản xuất sạch hơn và bảo vệ môi trường, góp phần giúp cải thiện chất lượng và hình ảnh tôm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.

Giáng Hương

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện