Kiến Thức Trồng Trọt

Chuyển đổi ở Ninh Thuận: Trồng cây đặc thù, nuôi con đặc sản...

Thứ tư, 25/11/2015 07:50 lượt xem: 1427

Theo những người chuyển từ nho sang táo tại Ninh Thuận, trồng táo không những cho thu nhập từ quả mà còn tận dụng cành lá phục vụ nuôi con đặc sản dê, cừu rất hiệu quả....

Ninh Thuận đang đối diện đợt hạn hán kéo dài, nguồn nước khan hiếm, do đó việc chuyển đổi đất lúa sang trồng những loại cây lâu năm, tiết kiệm nước, hiệu quả cao là điều thiết yếu. Bước đầu, địa phương đã có những mô hình khá phù hợp.  Ninh Thuận là xứ sở những loại cây đặc thù như nho, táo. Tuy nhiên, cây nho đến nay nhiều người dân đã không mở rộng diện tích mà thay vào đó là táo. Theo người dân, trồng táo không những cho thu nhập từ quả mà còn tận dụng cành lá phục vụ nuôi con đặc sản dê, cừu rất hiệu quả. Trồng táo lợi đôi đường Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam được biết đến như là xứ sở nho, táo, bởi người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích thiếu nước sang trồng những loại cây này. Trong đó, đáng chú ý nhất là cây táo được bà con phát triển rất nhanh chóng. Ông Châu Văn Kỳ, Bí thư xã Phước Nam bộc bạch, việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cỏ, rau đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, năm 2010, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/năm, thì nay là 24 triệu đồng/người/năm. Để có được hiệu quả đó, là nhờ vào sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cây trồng đem lại. Đến khu vườn anh Huỳnh Văn Hậu (SN 1988) ở cánh đồng Cây Da Bà, thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, chúng tôi quá ngạc nhiên, khi những rổ táo ngon ngọt được anh đổ cho dê, cừu ăn. Thấy vậy, tôi hỏi: Sao không bán mà cho gia súc ăn lãng phí thế? Anh Hậu cười: Chuyện thường ở nơi đây anh ạ! Không chỉ tôi mà ai cũng vậy, đến mùa thu hoạch, thương lái chọn mua loại 1, loại 2, còn loại 3 nếu giá rẻ quá thì cho dê cừu ăn cũng chẳng sao. ..

Theo anh Hậu, nhà anh chuyển đổi 10 sào (mỗi sào 1.000m2) đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả do thiếu nước sang trồng táo. Mỗi năm cây táo cho thu hoạch hai vụ, năng suất đạt 5 tấn/vụ/sào. Giá bán cao nhất 15.000 đ/kg, thấp nhấp 2.000 đ/kg. Do vậy, vụ nào được mùa được giá thì thu lớn, vụ nào rớt giá thì bán táo loại 1, còn lại thu hái về cho gia súc ăn. Từ ngày chuyển sang trồng táo, để tận dụng nó, anh Hậu chăn nuôi 60 cừu và 50 con dê vỗ béo. Cứ bình quân nuôi dê một năm 2 lứa, trừ chi phí có lãi 50 triệu đồng/lứa; còn cừu 4 lứa/năm, mỗi lứa 30 triệu đồng. “Mỗi ngày cắt cành táo lấy lá 2 lần để cho dê cừu ăn, còn dê cừu ăn không hết bán một bó 40.000 đồng. Tính ra, cây táo cho thu quả là phần chính, nó còn phụ giúp chăn nuôi rất lớn. Do đó, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa, hoa màu sang trồng táo”, anh Hậu cho biết..

Trồng táo phù hợp không, tôi hỏi? Anh Hậu nói ngay: Quá phù hợp vì táo không tiêu tốn nhiều nước. Vào mùa nắng hạn khốc liệt, cứ 4 ngày tưới một lần, cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Ông Đạt Chung Vui, cán bộ nông nghiệp xã Phước Nam cho biết: Hiện trên địa bàn xã đã chuyển đổi được 110 ha đất thiếu nước sang trồng cây đặc thù để phát triển chăn nuôi, trong đó 60% được chuyển đổi trồng táo, 40% trồng nho. Ngày trước trồng nho, phải thuê người cắt tỉa cành tốn tiền, còn nay cành táo nếu chủ vườn không sử dụng thì chủ chăn nuôi đến tận vườn thu mua và cắt tỉa. Mãng cầu chịu nắng hạn Mấy năm trở lại đây vùng đất xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam diện tích đất lúa, hoa màu được chuyển qua trồng mãng cầu (na) tăng vọt. Theo thống kê có hơn 100 hộ dân tham gia trồng với diện tích gần 100 ha. Loại cây ăn quả này không “ngã gục” trước đợt nắng hạn lịch sử kéo dài 10 năm tái diễn vừa qua. Anh Nguyễn Như Minh, thôn 3, xã Nhị Hà trồng 10 sào mãng cầu, cách thức cứ 100 cây/sào. Theo anh Minh, trồng mãng cầu một năm thu hoạch 2 vụ. Vụ đầu chừng tháng 6, vụ thứ 2 cận Tết Nguyên đán. Tại vườn mãng cầu của anh, năng suất đạt 10-13 kg/cây, tính bình quân đạt hơn 1 tấn/sào/vụ. Giá bán thời điểm cao nhất 25.000 đ/kg, thấp nhất 10.000 đ/kg. Trong khi chi phí thuốc BVTV, phân bón hết khoảng 4 triệu đồng, nhưng đặc biệt nhất ở cây mãng cầu tốn rất ít nước, so với các loại cây trồng khác giảm đến 60%.... 

Trong đợt hạn hán vừa qua, tại Nhị Hà ruộng đồng bỏ hoang, cỏ cây chết khô thì cây mãng cầu vẫn đứng vững. “Nắng hạn chỉ ảnh hướng đến năng suất không gây chết đối với mãng cầu. Đặc biệt tại những vùng đất khô cằn đưa cây mãng cầu vào SX rất phù hợp. Nó được xem là cây trồng thích nghi hạn hán tốt nhất”, anh Minh chia sẻ. Để tiết kiệm nguồn nước và tưới hợp lý, anh Minh đầu tư lắp hệ thống tưới phun sương. Toàn bộ diện được lắp ống, mỗi lần bật máy nước phun đến toàn bộ vườn cây. “Cách làm này rất hiệu quả, phần tiết kiệm nước, phần nước được tưới đều cho các cây trong vườn. Mình chỉ bỏ ra một khoản ban đầu, còn sau này đầu tư thêm không đáng kể”, anh Minh bộc bạch. Ông Lưu Ngọc Lễ, Phó phòng NN-PTNT huyện Thuận Nam cho biết: Trên địa bàn có 6 hồ đập, dung tích thiết kế 42 triệu m3, trong đó 2 hồ quy mô vừa là Tân Giang và Sông Biêu. Tuy nhiên thực tế nước chứa các hồ khoảng 20 triệu m3, như vậy không thể SX lúa được, do đó phải chuyển cây trồng cạn để thích ứng hạn hán, sử dụng ít nước tưới so với lúa. Toàn huyện có tổng diện tích trồng lúa khoảng 1.600 ha, trong thời gian qua mới chuyển dần được 20%, hiện đang tiếp tục làm việc các xã tiến tưới chuyển khoảng 50%. “Phòng NN-PTNT huyện đang xây dựng Nghị quyết cho Huyện ủy ban hành, nội dung nghị quyết nói về mục tiêu, quan điểm chuyển đổi là lâu dài”, ông Lễ cho hay...

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện