Tại hội thảo “Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập TPP” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ chiều ngày 2-12, ông Vọng của Đại học RMIT cho biết, nếu như năm 2012-2013, Trung Quốc mua trên 65% tổng khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, thì đến năm 2014 tỷ lệ này chỉ còn 53%. “Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm xuống chỉ còn 47%”, ông Vọng cho biết.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy khối lượng gạo xuất khẩu 11 thángđầu năm 2015 của cả nước đạt trên 6,2 triệu tấn với trị giá trên 2,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng chỉ còn chiếm khoảng 34% tỷ trọng toàn ngành.
Lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm, ông Vọng cho rằng do Việt Nam bị cạnh tranh bởi Thái Lan, Campuchia và Pakistan. “Trong tương lai, Myanmar cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc”, ông Vọng nói.
Thực tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từng dẫn một nguồn thống kê về thương mại lúa gạo thế giới cho thấy Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia trong những tháng đầu năm 2015.
“Đặc biệt, trong tháng 3-2015, Trung Quốc đã nhập khẩu 36.000 tấn gạo của Campuchia, chiếm 48% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này,” VFA cho biết.
Về giá gạo, theo ông Vọng, thời gian gần đây giá xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục sụt giảm mạnh. Nếu trong năm2014, giá xuất khẩu bình quân đạt 462 đô la Mỹ/tấn, thì 9 tháng đầu năm 2015 giảm xuống chỉ còn 420,77 đô la Mỹ/tấn. Riêng trong tháng 10-2015, giá xuất khẩu gạo giảm xuống chỉ còn 343,75 đô la Mỹ/tấn.
Ông Vọng của Đại học RMIT dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá vào thời gian tới, trong đó gạo sẽ giảm thêm 7%, tính đến năm 2020.
Trung Chánh (thesaigontimes.vn)