Chờ xuất khẩu hồi phục
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, nguyên nhân khiến lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh là do thời tiết thay đổi, mưa đến sớm khi thu hoạch và thời kỳ cà phê phát triển gặp hạn hán nên nhiều vùng không đủ nước tưới đã bị mất trắng. Cùng với đó, ngày công lao động và giá phân bón lên cao, người trồng cà phê giảm lượng phân chăm sóc, nên sản lượng không được như kỳ vọng.
Với tình hình xuất khẩu sụt giảm như vậy, dự báo mới đây của USDA về việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ 2015-2016 sẽ tăng 30% như một liều thuốc tăng lực cho ngành cà phê Việt sau một thời gian xìu xìu về giá.
USDA lý giải rằng hoạt động tưới tiêu hiệu quả của nông dân cùng với việc mưa rơi đúng vào những giai đoạn quan trọng đối với vụ cà phê sẽ giúp sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 7% lên 29,3 triệu bao trong niên vụ2015-2016.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tăng sản lượng cà phê Arabica (cà phê chè). Báo cáo của USDA nhận định diện tích trồng cà phê Arabica tại các khu vực miền Bắc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Theo phán đoán của nhà phân tích Carlos Mera thuộc ngân hàng Rabobank, nếu giá cà phê đi lên, nông dân Việt Nam sẽ có thêm động lực bán số cà phê mà họ đã găm lại từ những niên vụ trước. Ngày 23/11 vừa qua, Rabobank đã nâng dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2015-2016 thêm 1,9 triệu bao, lên 28,4 triệu bao.
Giới kinh doanh cà phê hy vọng vào mức độ hồi phục xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc vào giá cà phê và họ tin tưởng thị trường cà phê thế giới sẽ đi lên trong niên vụ 2015-2016 do thời tiết khô hạn sẽ tác động bất lợi tới sản lượng cà phê của hai nước xuất khẩu cà phê lớn của thế giới là Brazil và Indonesia.
Tuy nhiên, giá cà phê hiện nay được cho là vẫn còn khó khăn trong việc phục hồi do đồng USD tăng giá. Đó là chưa kể tình hình tồn kho cà phê trên thế giới vẫn còn khá lớn. Vì vậy, để tăng lượng xuất khẩu như dự báo của USDA không phải chuyện đơn giản.
Theo dự báo trước đây của giới chuyên gia cà phê trong nước, niên vụ 2015 - 2016, sản lượng cà phê sẽ tiếp tục sụt giảm. Bởi lẽ, các tỉnh Tây Nguyên phải đối mặt với hạn hán, nguồn nước bị thiếu nghiêm trọng, một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa thấp hơn 10 - 30% so với các năm trước. Bên cạnh đó, thời tiết rét bất thường, cây cà phê bị nhiễm “cúm” khi ra hoa, rụng lá hàng loạt.
Chỉ chớp cơ hội khi được giá
Nhìn lại thị trường cà phê ảm đạm trong năm 2015, có một thực trạng đáng lo là các vườn cây cà phê ngày càng già cỗi, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp. Đó là chưa kể thời tiết bất lợi, dịch bệnh đe dọa ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cộng với giá cả phập phù…
Đơn cử như trong niên vụ 2015 - 2016, diện tích cà phê tăng nhanh thiếu bền vững khiến cà phê Tây Nguyên gặp hạn, sản lượng cà phê thấp hơn so với niên vụ trước khoảng 20%. Tại Đắk Lắk, trên 40.000 ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán khiến sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 ước giảm 15 - 20% so với niên vụ trước đó.
Một điểm yếu khác của ngành cà phê là chất lượng cà phê còn hạn chế. Lâu nay, cà phê xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ xuất thô ở dạng nguyên liệu, chưa qua chế biến sâu. Các nước nhập khẩu mua sản phẩm về sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác, sau đó bán ra thị trường với giá cao hơn nhiều.
Cho nên, dù cà phê Việt chiếm đến 20% thị trường thế giới về khối lượng xuất khẩu nhưng xét về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. Đây là điểm yếu lớn nhất của ngành cà phê đến giờ chưa khắc phục được.
Trong một hội nghị bàn về xuất khẩu nông sản gần đây, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, có nói rằng một trong những khó khăn lớn nhất của ngành cà phê thời gian vừa qua là vấn đề tỉ giá. Do tỉ giá của Brazil giảm đến 70%, họ ồ ạt bán hàng ra khiến cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng, không bán được. Do đó, cà phê Việt khi vào vụ mới nhưng tồn kho 400.000 - 500.000 tấn.
Không những vậy, ngành cà phê hiện vẫn còn thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành cũng như thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Hơn nữa, công nghiệp chế biến cà phê trong cả nước còn phân tán, tùy tiện. Đến nay, vẫn còn trên 80% lượng cà phê làm ra được chế biến trong các hộ gia đình với công nghệ đơn giản, phơi khô tự nhiên, xay xát bằng những loại máy không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên chất lượng còn thấp.
Dự báo của USDA cùng với những tồn tại của ngành cà phê Việt vừa là một tín hiệu nhưng cũng vừa là một lưu ý ngành cà phê Việt trong niên vụ tới cần phải biết khắc phục các điểm yếu và nên lựa thời điểm thích hợp nhất để chớp cơ hội xuất khẩu, nhuần nhuyễn trong việc găm hàng chờ giá.
Thế Vinh (Thời báo kinh doanh)