Phóng viên (PV) : Thưa Phó Tổng cục trưởng, xin ông cho biết quan điểm của Tổng cục Thủy sản trong việc xử lý sai phạm?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Vụ việc được Tổng cục Thủy sản phát hiện ngày 01/4/2015 qua công tác kiểm soát nội bộ và tiếp nhận thông tin tố cáo từ 01 cá nhân thuộc Tổng cục Thủy sản (không phải do truyền thông phát hiện như một số vụ việc gần đây).
Ngày 02/4/2015 Tổng cục Thủy sản báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Quan điểm của Bộ và Tổng cục Thủy sản là khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật; không bao che hành vi vi phạm của cán bộ; kịp thời, sớm đưa ra giải pháp, chỉ đạo việc ngăn chặn, khắc phục hậu quả để không ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
PV : Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý của Tổng cục Thủy sản đối với các cá nhân vi phạm là nhẹ. Đề nghị ông cho biết ý kiến về nhận định này?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Ngay sau khi phát hiện vụ việc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thụ lý, xác minh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.
Xem xét và áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với các công chức, viên chức vi phạm, cụ thể:
- Áp dụng hình thức cách chức Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đối với ông Bùi Đức Quý (nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS);
- Áp dụng hình thức buộc thôi việc đối với ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Hành chính quản trị thuộc Văn phòng Tổng cục;
- Áp dụng hình thức buộc thôi việc đối với 05 viên chức, hình thức cảnh cáo đối với 01 viên chức của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS.
Ngay sau khi thi hành kỷ luật, Đảng ủy Tổng cục Thủy sản và Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất về Đảng là khai trừ Đảng đối với ông Bùi Đức Quý và ông Lê Tuấn Anh.
PV: Thưa ông, việc sửa đổi, ghép Phụ lục văn bản được thực hiện vào thời điểm nào?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Các văn bản gốc được lưu trữ tại Tổng cục Thủy sản là văn bản đúng quy định.
Từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014 Bộ Nông nghiệp và PTNT tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan đến việc này nhằm quản lý chặt chẽ hơn nên trong khoảng thời gian này tồn đọng nhiều hồ sơ. Qua xác minh nhận định thời điểm thực hiện việc ghép, thay đổi phụ lục, làm giả văn bản là từ quý 4 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015, nhưng được các đối tượng ghép phụ lục, làm giả, ban hành trái quy định các văn bản có số phát hành trước tháng 10/2013.
Như vậy, không phải tất cả các sản phẩm đã được Tổng cục Thủy sản cho phép lưu hành trong năm 2013 là trái quy định. Chỉ có các sản phẩm bị ghép vào Phụ lục của một số văn bản có số ban hành năm 2013 là trái quy định.
PV: Thưa ông trong thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 4 năm 2015 có 802 sản phẩm bị đưa vào Danh mục lưu hành trái pháp luật. Vậy, trước và sau thời điểm này có xảy ra tình trạng tương tự hay không?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Trước hết có thể khẳng định chắc chắn sau thời điểm tháng 4/2015 không thể xảy ra tình trạng này vì đã bị TCTS phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời. TCTS đã sửa đổi, bổ sung quy trình và cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bộ NN và PTNT đã thực hiện việc giám sát chặt chẽ hơn việc công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo Thông tư 20/2015/TT-BNNPTNT.
- Trước thời điểm cuối năm 2014 chưa phát hiện tình trạng tương tự, TCTS sẽ tiếp tục tiến hành rà soát việc này.
PV: Khi sự việc xảy ra TCTS đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn, khắc phụ hậu quả như thế nào, thưa ông?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Ngày 17/6/2015 Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 1512/TCTS-VP thông báo thu hồi các văn bản, phụ lục văn bản đã được các công chức, viên chức phát hành trái quy định của pháp luật.Tại Công văn số 1512/TCTS-VP Tổng cục Thủy sản đã: (1) nêu rõ tên các doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi; (2) số văn bản, phụ lục văn bản bị thu hồi; (3) các sản phẩm bị thu hồi trong từng văn bản; (4) khẳng định từ ngày 18/6/2015 sản phẩm có tên nêu tại các văn bản hoặc phần phụ lục bị thu hồi không có hiệu lực lưu hành tại Việt Nam. Công văn này đã được gửi tới Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục quản lý nhà nước về thủy sản và đăng tải rộng rãi trên mạng Internet.
- Ngày 30/6/2015 Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn 1656/TCTS-PCTTr yêu cầu các doanh nghiệp có sản phẩm thu hồi thống kê, báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bị thu hồi.
- Ngày 29/7/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, A86 tổ chức hội nghị với các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương để thông báo về sự việc đã xảy ra; hướng dẫn cách thức kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm bị thu hồi và hướng xử lý trong thời gian tiếp theo nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân cũng như ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
- Ngày 12/8/2015 Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn 2710/TCTS-PCTTr hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với từng nhóm sản phẩm bị thu hồi để doanh nghiệp và địa phương thống nhất thực hiện.
- Tổng cục Thủy sản thông báo công khai số điện thoại và tên cán bộ có trách nhiệm giải đáp thắc mắc và hướng dẫn về cách xử lý đối với các sản phẩm bị thu hồi.
- Tổ chức Đoàn kiểm tra đột xuất (thành phần gồm Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương, A86) tại Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các sản phẩm này tại địa phương.
- Từ những sai sót trên Tổng cục Thủy sản đã chấn chỉnh công tác tiếp nhận hồ sơ, cơ chế giám sát chặt chẽ trong nội bộ Tổng cục Thủy sản; áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình một cửa. Việc trình văn bản để công nhận sản phẩm được lưu hành do Vụ Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS đồng trình. Tại văn bản do lãnh đạo Tổng cục Thủy sản ký đã xác định rõ số lượng sản phẩm, số trang của các phụ lục được ban hành kèm theo văn bản.
PV: Xin ông cho biết việc lưu hành thực tế trên thị trường 802 sản phẩm bị đưa vào Danh mục được phép lưu hành trái quy định?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Theo báo cáo từ các địa phương, trong 802 sản phẩm được đưa vào danh mục được phép lưu hành lưu hành trái pháp luật có:
- 347/802 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành;
- 157/802 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường;
- 210/802 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam;
- 88/802 sản phẩm đến ngày 03/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành (do các công ty có các sản phẩm này không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ). Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục làm rõ thông tin thực tế lưu hành đối với 88 sản phẩm này.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại có 347/802 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành trên thị trường; 367/802 sản phẩm đã bị đưa vào danh mục nhưng chưa được sản xuất, chưa được lưu hành. Có 88/802 sản phẩm đến ngày 03/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành.
PV: Xin ông cho biết hướng xử lý tiếp theo của TCTS?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai: Thời gian tới Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý NTTS địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với vật tư đâu vào trong NTTS (đặc biệt là các sản phẩm đã bị đưa vào lưu hành trái quy định); phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm, triệt để vụ việc theo quy định pháp luật. Đồng thời Tổng cục Thủy sản đã và tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp thi hành công vụ, tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính; tăng cường tính công khai minh bạch, chống tiêu cực trong các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp.
Tổng cục Thủy sản tiếp tục rà soát tổng thể toàn bộ danh mục được phép lưu hành đối với thức ăn thủy sản và chất xử lý cải tạo môi trường trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện triệt để cải cách hành chính; dự kiến sẽ đề xuất với Bộ thay đổi cách quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thông qua danh mục như hiện nay bằng việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gắn với quản lý theo hệ thống và chuỗi giá trị sản phẩm.
Xin trân trọng cám ơn ông!
04/08/2016
FICen
Fistenet
Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.