ừ tháng 9/2014 đến 9/2015, đúng một năm Hiệp hội Cá tra Việt Nam thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu theo Nghị định 36, nhận xét chung của ông là gì?
Số lượng hồ sơ đăng ký qua các tuần không có thay đổi nhiều. Số lô hàng thẩm định ở thời gian đầu thực hiện cao, sau đó dần ổn định cho đến nay. Khối lượng đăng ký thời gian đầu thực hiện cũng cao, sau đó giảm dần đến đầu năm 2015 và ổn định đến nay. Từ 1/1 đến 26/9/2015, có 201 doanh nghiệp, đăng ký 16.787 bộ hồ sơ, xác nhận được cấp 16.100 bộ, còn lại hủy. Đăng ký xuất khẩu 21.000 lô hàng, tổng khối lượng 721.200 tấn.
Cơ cấu sản phẩm cá tra đăng ký xuất khẩu thế nào?
Cá tra fillet chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng giảm, từ 83,6% ở quý I, giảm còn 76,65% ở quý III. Sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm, từ 1,78% ở quý I, còn 0,53% ở quý III. Trong khi đó cá tra nguyên con và cắt khúc tăng, từ 7,01% ở quý I, tăng lên 8,63% ở quý III; phụ phẩm, bột cá và cá basa có biến động nhẹ.
Về kim ngạch, giảm mạnh ở thị trường chất lượng cao (Mỹ, EU…), tăng ở thị trường chất lượng thấp (Trung Quốc, Hồng Kông…); còn về khối lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu diễn biến thế nào?
Về khối lượng, đến 3/10/2015, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu 739.000 tấn. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc và Hồng Kông, 122.000 tấn (chiếm 16,5%); tiếp theo là EU, ASEAN; thứ tư là Mỹ, 88.000 tấn (11,9%).
Đến hết tháng 9/2015, cả nước có bao nhiêu địa phương có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra? Địa phương nào nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhất, sản lượng lớn nhất, nhiều thị trường nhất, nhiều sản phẩm nhất? Và ít nhất?
Theo đăng ký, cả nước có 20 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. TP Hồ Chí Minh nhiều doanh nghiệp nhất (77), nhiều thị trường nhất (104). Tỉnh có sản lượng xuất khẩu lớn nhất là Đồng Tháp, 247.722 tấn (chiếm 34,4% tổng sản lượng đăng ký). Có nhiều sản phẩm nhất (8) là An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh. Tỉnh xuất ít nhất là Kiên Giang (1 doanh nghiệp, xuất 21 tấn, 1 loại sản phẩm, đi 2 thị trường). Các địa phương xuất sản lượng lớn hơn nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp, 1 sản phẩm, xuất đi 1 thị trường là Lào Cai, Hà Nội, Long An, Sóc Trăng.
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu vừa phụ thuộc vừa phân tán quá. Chuỗi phân phối yếu kém từ trong nước ra nước ngoài. Chất lượng sản phẩm cũng có vấn đề, nhất là tình trạng hội nhập ngược.
Thế nào là hội nhập ngược?
Thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài thì ngành cá tra hội nhập ngược trong chuỗi. Các nhà máy chế biến mở rộng vùng nuôi, nhà máy thức ăn, gia tăng cạnh tranh trong nước. Theo tôi, đây là sự thất bại điển hình trong các mô hình đã được nghiên cứu. Hậu quả là thu hẹp thị trường nước ngoài, tăng cạnh tranh trong nước, làm giảm lợi nhuận, kiệt tài nguyên, gia tăng xung đột và đổ lỗi trong nước.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khi doanh nghiệp xây dựng hệ thống khép kín từ nuôi đến chế biến xuất khẩu sẽ quản lý tốt chất lượng?
Nghiên cứu của M.Fairbanks và Stace Lindsay cho biết, những mô thức sai lầm là quá ỷ lại các yếu tố sản xuất căn bản, thiếu phối hợp giữa các ngành, kém hiểu biết khách hàng, thất bại trong tiếp cận người tiêu dùng, chủ nghĩa gia trưởng và cả việc doanh nghiệp cùng chính phủ đổ lỗi cho nhau. Hệ lụy tích hợp ngược trong ngành cá tra đã rõ: hình thành tổ hợp khép kín trong chuỗi liên kết đã ngăn cản cạnh tranh, giảm hiệu quả; rủi ro trong quản trị do vượt quá tầm; giảm hiệu quả vốn xã hội do thiếu cạnh tranh; mơ hồ về dòng sản phẩm chính và các ngành hỗ trợ; suy yếu phát triển thị trường, chiến lược thị trường.
Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ làm gì, thưa ông?
Vừa rồi chúng tôi đã khởi động MekongFishMarket.com (một trang thương mại điện tử, trung tâm cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp bán cá tra đi khắp thế giới). Một nội dung quan trọng khác là cùng Phòng Thương và Công nghiệp Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thực hiện đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cá tra.
Có vẻ ngược thưa ông, thương hiệu phải do doanh nghiệp xây dựng trên cơ sở phát triển sản phẩm?
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam chưa thể làm khác. Chúng tôi xác định, thương hiệu Cá tra Việt Nam là hình ảnh đặc trưng của đất nước Việt Nam trên thị trường về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng. Đây là quá trình tạo dựng những giá trị chung của sản phẩm Cá tra Việt Nam, xây dựng và duy trì lòng tin của người tiêu dùng bằng uy tín và sự đảm bảo của Nhà nước. Hiển nhiên, thương hiệu Cá tra Việt Nam không tách rời thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng, phát triển thương hiệu Cá tra Việt Nam.
Dường như đây cũng là một công cụ để tái cấu trúc ngành cá tra?
Chính xác. Xây dựng thương hiệu quốc gia là tổng thể các giải pháp từ xác định sản phẩm, thương mại và bảo vệ thương hiệu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra. Chiến lược tập trung vào hai phân khúc thị trường: chất lượng cao ở thị trường Mỹ, EU và ổn định chất lượng trung bình ở các thị trường khác.
Ông có thể chia sẻ vài mục tiêu cụ thể ?
Đến năm 2020, Thương hiệu Cá tra Việt Nam được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận ở ít nhất 20 nước; đạt 20% sản lượng cá tra xuất khẩu mang thương hiệu Cá tra Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
>> Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm 2015 của các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn giữ vững, ước đạt 946.000 tấn, tăng 6% so cùng kỳ, trong đó Đồng Tháp hiện có khoảng 80% hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi liên kết, đạt 245.255 tấn (tăng 3,5%). |