Tin Tức Nông Sản

Xây dựng chuỗi giá trị NN bền vững: Cần “bệ phóng” từ cơ chế, chính sách

Thứ hai, 22/08/2016 07:56 lượt xem: 1038

Một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản chính là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tới đây, ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ tăng cường triển khai các cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy “mắt xích” này phát triển, thay vì “bỏ rơi” như thời gian qua.

Vai trò kết nối từ HTX nông nghiệp!

Có thể nói, sự rời rạc trong chuỗi liên kết sản xuất là lực cản lâu nay của ngành nông nghiệp. Tệ trạng bơm tạp chất vào tôm gần 10 năm qua ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… vẫn chưa được loại bỏ mặc dù ngành chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp. Việc làm này đã làm xấu đi hình ảnh con tôm ở ĐBSCL nói riêng và  Việt Nam nói chung. Theo ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do chưa có sự kết nối, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm…

 xay dung chuoi gia tri nn ben vung: can “be phong” tu co che, chinh sach hinh anh 1

HTX Chanh không hạt Thạnh Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thường gặp khó khăn về nguồn vốn.  Ảnh: Huỳnh Xây

Thực tế, Liên hiệp HTX Mua bán TP.HCM (Saigon Co.op) là đơn vị tiên phong trong hợp tác với nhiều địa phương vùng ĐBSCL về tiêu thụ các loại nông sản như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa, dưa hấu, gạo, bưởi, thanh long, cam xoàn... Qua những định hướng phát triển trên, Saigon Co.op cam kết đồng hành với các mắt xích khác trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Quy mô các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp đa số còn nhỏ lẻ nên việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp còn hạn chế dẫn đến số lượng sản phẩm chưa đa dạng, sản lượng ít, không tập trung, không đồng đều, công đoạn bảo quản, chế biến chưa được đầu tư đúng mức nên hao hụt cao…

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, ĐBSCL hiện có 1.242 HTX, trong đó có 38% số HTX hoạt động khá, 30% hoạt động trung bình, 32% hoạt động yếu kém. Trong đó , phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít, phạm vi hoạt động hẹp, chưa chú trọng liên kết hợp tác với nhau cũng như chưa đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường… 

 

 

Đề cập về thực trạng của các HTX hiện nay, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang nói: “Hiện nay đang tồn tại một vấn đề là không ít HTX nông nghiệp có nhiều cái “không” nhất: Không trụ sở, không vốn, không có phương án kinh doanh, không hạch toán… nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu”.

Trong khi đó, thực tế, vai trò của HTX là rất lớn, nếu không có đơn vị này thì chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều lực cản.

“Doanh nghiệp tôi đã thực hiện được khoảng 10.000ha cánh đồng lớn ở các địa phương. Số diện tích này thực hiện thông qua các HTX sản xuất lúa chứ doanh nghiệp không thể đi đến ký hợp đồng với từng nông hộ” - ông Trần Công Bình -  Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Bình (TP.Cần Thơ) cho biết.

Hy vọng từ cơ chế, chính sách mới

Nhận định rằng “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản chính là các HTX nông nghiệp, về vấn đề này ông Đồng đưa ra giải pháp: “Cần nghiên cứu tạo quỹ đất để các HTX có trụ sở hoạt động chứ không phải vay mượn nhà giám đốc HTX, trụ sở ấp để đặt làm trụ sở như một số nơi. Để kiện toàn và đưa HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đích thực cần hỗ trợ củng cố, đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý. Ngoài ra, cần mở rộng các hình thức cho vay hoặc bảo lãnh tín dụng cho các HTX”.

Trước thực trạng trên và ý kiến đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 445/QĐ – TTg cho triển khai đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, sẽ tập trung phát triển, mở rộng khoảng 300 HTX hoạt động có hiệu quả trong ba lĩnh vực: Lúa gạo, trái cây, thủy sản thành HTX kiểu mới quy mô lớn cấp tỉnh, cấp vùng. Đồng thời, phát triển các HTX theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bền vững cùng với doanh nghiệp.

Theo nhiều nhà khoa học đây là quyết định đúng đắn trong thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường. “HTX kiểu mới là phải đào tạo nông dân kiểu mới, không đào tạo tràn lan, tràn lan kiến thức như cách làm kém hiệu quả trước đây. Theo đó, nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý hoặc kinh nghiệm bản thân mình mà phải triệt để tuân theo quy trình tiến bộ để tạo ra sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên một vùng nguyên liệu được quy hoạch, cần thành lập HTX sản xuất tập trung cùng một sản phẩm và theo một quy trình” - GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói.

Về đề án trên, ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu quan điểm: “Chúng ta phải tổ chức khảo sát, đánh giá trên cơ sở tự nguyện làm; thứ hai là xét tới điều kiện cơ sở sản xuất của địa phương có đáp ứng với yêu cầu của ngành hàng đó không và thứ ba là sự quyết tâm của địa phương và sự sẵn sàng của các ngành”.

Theo lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, thêm động lực nữa cho vùng là mới đây, cùng với việc triển khai Quyết định số 445 trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 593/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL. Quyết định rất kịp thời này quy định rõ nguyên tắc, lĩnh vực, trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương… trong việc thực hiện liên kết và nhằm tăng tính cạnh tranh vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập

“Cần lấy lợi ích toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết. Thực hiện tốt quy chế này, ĐBSCL sẽ tạo được sự liên kết vững chắc, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Đây là điểm then chốt để giúp hàng triệu nông dân ĐBSCL trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, vươn lên bằng chính nghề nông. Liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong vùng mà còn phát huy lợi thế quốc gia” – ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh.

Ông Chánh cho biết thêm: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, ngoài tập trung gia tăng sản lượng nông – thủy sản phải tính đến gia tăng giá trị sản phẩm; cần lấy tiêu chí hiện đại và bền vững làm nền tảng. Để làm được điều này, trước tiên phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của vùng gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, khâu phát triển HTX là cực kỳ quan trọng”./.

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện