Thông tin thị trường

WTO công bố quan điểm của Việt Nam về Đạo luật giám sát cá da trơn

Thứ sáu, 08/04/2016 10:44 lượt xem: 638

Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), vừa qua, WTO đã chính thức công bố bản bình luận của Việt Nam đối với đạo luật mới của Hoa Kỳ về việc giám sát bắt buộc đối với cá da trơn, cá tra và các sản phẩm liên quan.

chế biến cá traĐạo luật mới về việc giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ thiếu căn cứ khoa học

Thiếu căn cứ khoa học

Sự việc khởi nguồn từ khi Hoa Kỳ ban hành đạo luật mới về việc giám sát bắt buộc đối với cá dòng Siluriformes và các sản phẩm từ loại cá này, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam (gọi tắt là Chương trình Thanh tra cá da trơn).

Theo đạo luật này, thẩm quyền giám sát quản lý đã được chuyển giao từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sang Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Chương trình này có hiệu lực từ tháng 3/2016. Ngay sau đó, ngày 14/3/2016, Chính phủ Việt Nam đã gửi bản bình luận đối với đạo luật trên tới WTO và đề nghị được công bố bản bình luận này tới các nước thành viên khác.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Việt Nam đã đưa ra các quan điểm về việc quy định mới đối với chương trình giám sát cá tra, cá da trơn không được xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, chưa tính đến yếu tố thương mại đồng thời có thể không phù hợp với các quy định của WTO.

Cụ thể, Chương trình Thanh tra cá da trơn của USDA được thiết lập trên nền tảng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, tuy nhiên điều này lại không dựa trên một căn cứ khoa học và không tính đến các dữ kiện sau.

Trước hết, cá da trơn là loại cá duy nhất mà trách nhiệm giám sát được chuyển giao cho USDA, trong khi các loại cá và hải sản khác vẫn thuộc trách nhiệm giám sát của FDA.

Mặt khác, USDA đã công bố một bản đánh giá nguy cơ vào tháng 7/2012, trong đó xác định nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm bởi cá da trơn là rất thấp.

Ngoài ra, bản báo cáo của Văn phòng giải trình Chính phủ nước này năm 2012 cũng đã xác nhận trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng, cá da trơn là một “thực phẩm có nguy cơ thấp”.

“Theo kết luận từ các bản báo cáo trên, có thể nhận thấy không có cơ sở khoa học để giải thích cho việc loại bỏ chương trình giám sát cá da trơn khỏi hệ thống quản lý của FDA đối với các sản phẩm thủy sản” – Chính phủ Việt Nam khẳng định.

Phân tích rõ hơn, bản bình luận của Việt Nam chỉ rõ: “Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào chứng minh rằng cá da trơn nhập khẩu và sản xuất nội địa mang lại nguy cơ về an toàn thực phẩm cao hơn các loài hải sản khác mà trách nhiệm giám sát phải được chuyển giao cho USDA – cơ quan chỉ quản lý về thịt, gia cầm và trứng”.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy định đạo luật về giám sát cá da trơn mới, Hoa Kỳ chưa thực hiện việc xem xét một cách hợp lệ các vấn đề về thương mại hiện có của cá da trơn và các sản phẩm cá da trơn Việt Nam với các quốc gia khác. Việt Nam đã xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ trong vòng 20 năm qua và chưa có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến an toàn đối với sản phẩm này.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện một biện pháp mới như quy định về giám sát cá da trơn, theo thông lệ các nước phát triển sẽ cấp cho các quốc gia đang phát triển một khoảng thời gian chuyển đổi lên tới 5 năm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chỉ cấp cho Việt Nam khoảng 18 tháng để tuân thủ.

Có khả năng vi phạm luật của WTO

Trong bản bình luận của Chính phủ, Việt Nam tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc rằng, đạo luật mới về việc giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ có khả năng vi phạm Hiệp định SPS của WTO.

Để dẫn chứng cho luận điểm này, bản bình luận cho biết, theo Điều 2.2 của hiệp định, bất kỳ biện pháp vệ sinh dịch tễ nào cũng chỉ được áp dụng trong phạm vi cần thiết để bảo vệ đời sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật; phải dựa trên các nguyên tắc khoa học và không được duy trì khi không có bằng chứng khoa học đầy đủ. Bởi vậy, chương trình của Hoa Kỳ có khả năng vi phạm điểm này.

Hơn nữa, đạo luật mới về giám sát cá da trơn cũng có thể vi phạm Điều 3.1 và 3.3 (Hài hoà hoá) của Hiệp định SPS. Hiệp định này yêu cầu các biện pháp vệ sinh dịch tễ phải dựa trên các chuẩn mực, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế. Để có thể áp dụng bất kỳ mức độ cao hơn nào trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ mà Hoa Kỳ cho là thích hợp với cá da trơn và các sản phẩm từ cá da trơn cần phải có sự chứng minh của khoa học.

Ngoài ra, Đạo luật mới về giám sát cá da trơn có thể vi phạm Điều 5.1 và 5.6 (Đánh giá nguy cơ và Xác định mức độ phù hợp của bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ), theo đó yêu cầu các biện pháp vệ sinh dịch tễ phải dựa trên đánh giá nguy cơ phù hợp với hoàn cảnh và không được hạn chế thương mại nhiều hơn mức cần thiết để đạt được sự bảo vệ phù hợp.

Thêm vào đó, Việt Nam hiện được coi là nước đang phát triển. Điều 10 (Đối xử đặc biệt và khác biệt) yêu cầu phải tính tới những nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển trong việc chuẩn bị và áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ, cho phép các nước đang phát triển có thời gian làm quen dần với biện pháp mới và có khung thời gian dài hơn để tuân thủ.

Bởi vậy, Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ có thể giải quyết các quan ngại  liên quan vì đạo luật này với hình thức hiện tại sẽ dẫn tới một sự hạn chế trong thương mại quốc tế, vi phạm nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo các hiệp định của WTO.

08/04/2016

Nguyễn Phượng

Báo Công Thương,

 

Chuyên cung cấp:

  + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,...

  + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua....

 ***LH để có giá tốt : Tell-zalo : 0946 705 238

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện