Tin tức thủy sản

“Vua tôm” Lê Văn Quang: Khát vọng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tôm Việt

Thứ sáu, 13/01/2017 08:00 lượt xem: 517

Năm 2016, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 7 tỷ USD, trong đó tôm giữ hơn 3 tỷ, chiếm gần một nửa kim ngạch. Doanh thu và lợi nhuận cao khiến quá trình nuôi tôm đôi lúc trở nên ồ ạt, không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú đã tập trung cho hướng đi mới hiệu quả và bền vững.

 

doanh nghiệp xã hội

Sản phẩm tôm của Minh Phú hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ     Ảnh: Nguyệt Nga

Nuôi tôm sinh thái, tái sinh lá phổi xanh

Dự án “Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải” (MAM) giai đoạn 1 đã được triển khai tại Cà Mau, địa phương chiếm nửa diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam. Đây là một sáng kiến khu vực giúp khôi phục rừng ngập mặn và xúc tiến chứng chỉ tôm sinh thái tại tỉnh ven biển Cà Mau. Dự án được hỗ trợ bởi Sáng kiến Khí hậu Quốc tế do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) tài trợ, do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN); cùng với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - đơn vị xuất khẩu tôm số 1 thế giới phối hợp thực hiện. Dự án hoạt động trên diện tích 12.500 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, là khu vực sinh sống và canh tác của khoảng 2.600 hộ nuôi tôm. Hiện Minh Phú có trên 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng tôm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy của mình.

Đến nay, 80 ha rừng ngập mặn từng bị phá hủy để nuôi tôm trong các thập kỷ trước đã được trồng lại. Thực tế này cho thấy rằng, các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp có thể biến hoạt động nuôi tôm từ động cơ phá rừng và gây suy thoái rừng thành động lực khôi phục và bảo vệ rừng.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, địa phương này dự kiến nâng diện tích tôm sinh thái có chứng chỉ lên 20.000 ha vào năm 2020 nhằm nâng cao diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ tại khu vực.

Sáng kiến Doanh nghiệp xã hội

Là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, Minh Phú xác định tập trung cho mặt hàng tôm sinh thái sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Tập đoàn nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung. Thị trường thực phẩm sinh thái trên thế giới đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 20%. Những sản phẩm có nguồn gốc từ sinh thái đạt tiêu chuẩn cao về mặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên thường được mua với giá cao hơn 10 - 30% so với những sản phẩm thông thường khác.
Hiện tại, Minh Phú có quy mô các hộ tham gia chuỗi cung ứng tôm sinh thái lớn nhất (741 hộ ở Nhưng Miên và 405 hộ ở Kiến Vàng - theo danh sách năm 2014), sản lượng năm 2015 đạt 140 tấn. Tuy nhiên, đây vẫn là một sản lượng rất nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng phát triển mà Minh Phú mong muốn. Một số lý do chính khiến mặt hàng tôm sinh thái vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong sản lượng xuất khẩu của Minh Phú như: Vùng nuôi hiện tại chỉ có được chứng chỉ Naturland, Selva Shrimp, vì thế chỉ có thể bán được cho Thụy Sỹ và Đức, trong khi thị trường tiềm năng lớn là Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản lại không thể tiếp cận. Bên cạnh đó, số tiền thực hiện các chứng nhận cho từng hộ gia đình khá cao làm chi phí nguyên liệu tôm sinh thái cao, doanh nghiệp bán lỗ, kinh doanh không hiệu quả. Một vấn đề nữa là năng suất nuôi vẫn còn khá thấp, việc liên kết với rất ít hộ dân không thể cung cấp đủ sản lượng mà Minh Phú cần khi nhu cầu khách hàng tăng cao. Trên thực tế, tôm sinh thái được nuôi theo hộ gia đình nhỏ lẻ chỉ 3 - 10 ha và số lượng tôm thu hoạch được mỗi ngày chỉ vài kg, do đó rất khó cho việc truy xuất nguồn gốc.

Để giải quyết những tồn tại này thì phải liên kết các hộ nuôi tôm thành một doanh nghiệp và chuẩn hóa, thống nhất quy trình nuôi, quy trình quản lý, vận hành nuôi tôm. Các hộ nuôi tôm sẽ được đồng nhất là một, vì thế chỉ cần chứng nhận đến doanh nghiệp, không cần phải chứng nhận đến từng hộ nuôi. Việc chuẩn hóa và đồng nhất quy trình quản lý, chuẩn hóa quy trình nuôi ngoài thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc còn làm giảm chi phí chứng nhận rất nhiều lần vì nếu để như hiện tại thì với 741 hộ nuôi tôm ở Nhưng Miên, đơn vị đánh giá phải chọn từ 25 đến 35 hộ để đánh giá, còn nếu chuẩn hóa được quy trình nuôi và gom vào một doanh nghiệp thì đơn vị đánh giá chỉ chọn 3 đến 10 hộ để đánh giá nên chi phí sẽ giảm được 3 - 5 lần. Ngoài ra, khi liên kết các hộ nuôi tôm vào một doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể thực hiện thuê đất nuôi tôm của hộ nuôi để thực hiện mô hình tôm sinh thái với kỹ thuật công nghệ cao hơn, đạt sản lượng từ 2,0 - 2,5 tấn/ha như mô hình của Ecuador đang nuôi với tôm thẻ chân trắng.

Thêm vào đó, với vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận sẽ đạt được 1 sao cộng thêm những lợi thế của Minh Phú đã sở hữu sẵn các chuỗi liên kết đạt chứng nhận 1 sao ứng với mỗi chuỗi liên kết: trại giống, thức ăn, chế biến, có thể tạo ra được sản phẩm tôm sinh thái đạt được từ 3 - 4 sao với nhiều giá trị cộng hưởng. Điều này sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm tôm sinh thái, cải thiện giá mua cho bà con nông dân, ổn định kế sinh nhai khi cam kết với chuỗi. Đây là điểm mấu chốt giúp hình thành và phát triển lớn mạnh và mở rộng thêm nhiều mô hình này ở Việt Nam.

Việc Minh Phú hướng tới “Thành lập Doanh nghiệp xã hội” với mục tiêu xã hội và môi trường sẽ tạo cho sản phẩm tôm sinh thái Cà Mau một giá trị khác biệt, đồng thời giúp liên kết hộ nông dân với nhà máy sản xuất tạo thành một chuỗi giá trị bền vững, giúp Tập đoàn có thể xây dựng một mô hình nuôi tôm sinh thái với sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp ngành tôm sinh thái Việt Nam có được một chiến lược phát triển bền vững.

Hợp tác cùng Minh Phú, chỉ được không mất

Minh Phú đã ký hợp đồng với 1.146 hộ dân trên diện tích 4.700 ha, cam kết mua tôm với giá cao hơn khi hộ dân đạt được chứng nhận Naturland. Trong những năm qua, MAM đã tập huấn cho gần 2.000 hộ về hệ sinh thái, chứng chỉ tôm sinh thái quốc tế và các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái. Hơn 200 hộ dân đã được chi trả tổng cộng gần 300 triệu đồng cho dịch vụ hệ sinh thái rừng. Hơn 500 hộ nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ đã được Tập đoàn chi trả gần 600 triệu đồng. Gần 800 hộ nuôi tôm đã được cấp chứng chỉ Naturland và được thưởng cho công tác khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. 1.500 hộ hiện đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ.

Tham gia chuỗi cung ứng tôm Minh Phú, hộ nuôi tôm sẽ được Tập đoàn cung cấp con giống chất lượng cao, chế phẩm vi sinh xử lý đầm ao, thức ăn, với giá đặc biệt ưu đãi, cùng đó, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi và mua sản phẩm cuối cùng. Lo lắng lớn nhất của người nuôi tôm bấy lâu nay là dịch bệnh. Bởi vậy, Minh Phú AquaMekong tầm soát, xử lý mầm bệnh, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, khi tôm thu hoạch được, Minh Phú mua lại tôm nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 20%. Người nuôi tôm được hưởng lợi rất lớn khi tham gia chuỗi cung ứng tôm bền vững này.

Sự thành công trong phát triển của Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp lớn của khu vực tư nhân. Những doanh nghiệp hàng đầu như Minh Phú đang giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho cả ngành. Được biết, thời gian tới Tập đoàn cố gắng tìm đối tác để nâng giá cho con tôm có nguồn gốc từ mô hình tôm rừng, làm sao để người dân trong hay ngoài Dự án cũng có điều kiện thực hiện theo mô hình để an tâm về giá, từ đó an tâm giữ rừng.

Tốt nên cần mở rộng, phát huy

Việt Nam sở hữu 621.162 ha rừng ngập mặn rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi tôm sinh thái. Trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tôm rừng ngập mặn tại các vùng ven biển khác, không chỉ ở Cà Mau, nhằm tăng cường sản xuất tôm sinh thái có chứng chỉ và đẩy mạnh bảo vệ rừng trên toàn khu vực sông Mekong. Ngoài ra, Dự án cũng đang tìm khả năng tiếp cận tài chính các-bon, hỗ trợ xây dựng chính sách Chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng (Payments for forest environmental services - PFES) trong phạm vi ngành thủy sản Việt Nam.

Hiện, ngoài Cà Mau, tôm sinh thái đang được thực hiện tốt tại Bạc Liêu. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú đã đưa ra cam kết việc mở rộng vùng tôm sinh thái đến Bến Tre và Trà Vinh, một phần của sáng kiến liên tỉnh nhằm xây dựng vùng bờ biển sinh thái với tính đa dạng sinh học cao, đem lại lợi ích kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đưa ra mô hình: “Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm rừng có trách nhiệm” và “Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm lúa có trách nhiệm”, Minh Phú đang dần hiện thực hóa khát vọng mang lại một Hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành tôm Việt Nam. Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên kết các hộ nuôi tôm hướng đến các mục tiêu về xã hội và môi trường, xóa đói giảm nghèo và tiến tới mục tiêu làm giàu cho các hộ nuôi tôm. Một phương pháp nuôi tôm mà không chỉ mang lại hiệu quả mà còn gìn giữ môi trường, tái tạo lá phổi xanh; đó là sự hợp tác và liên kết tất cả các khâu sản xuất tôm như: Tôm bố mẹ - tôm giống - thức ăn - nuôi tôm - chuỗi cung ứng - chế biến và xuất khẩu - logistic - phân phối và bán lẻ - chứng nhận tôm giống, thức ăn, nuôi tôm, chế biến và bán lẻ. Sự liên kết hợp tác chặt chẽ này tạo ra giá trị thặng dư như chính sự khác biệt mà thương hiệu Minh Phú đang nắm giữ trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Chủ tịch Lê Văn Quang - Top 100 người ảnh hưởng nhất tới thủy sản toàn cầu

Đó là bình chọn của Intrafish Seafood - Tạp chí Thủy sản nổi tiếng nhất thế giới. Tiêu chí bình chọn dựa trên nhiều yếu tố như: tầm quan trọng của các nhân vật trong danh sách đối với ngành thủy sản ở mỗi nước; mong muốn, hoài bão của họ đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản nước họ phát triển như thế nào; những quyết định của họ đã tạo ra thay đổi gì trong ngành thủy sản, cả ở hiện tại và tương lai. Và nuôi tôm sinh thái, tái tạo lá phổi xanh, mang hiệu quả kinh tế cao là một trong những quyết định có tầm ảnh hưởng đó của Chủ tịch Lê Văn Quang. Ông còn được bình chọn là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp” Việt Nam năm 2014. Tập đoàn Minh Phú do ông làm Chủ tịch HĐQT liên tục có tên trong Top 50 công ty thủy sản lớn nhất thế giới, là 1 trong 5 doanh nghiệp Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh “Công ty tăng trưởng toàn cầu” năm 2014.

Nguyệt Nga

 

Việt tags xin giới thiệu đến các bạn đơn vị cung cấp bã hèm bia chất lượng và uy tín để sử dụng:

Công Ty Thức ăn Chăn Nuôi và Trang trại có nhu cầu mua sản phẩm bột bã hèm bia vui lòng liên hệ :

CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.

Hotline: 091 567 2347

Email: bahembianhapkhau@gmail.com

Web: bahembia.com

----------------------------------------

Đơn vị phân phối:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 08.6260 0412 -Fax: 08.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện