Cán bộ ngành nông nghiệp luôn bám sát vùng nuôi để có hướng dẫn, khuyến cáo kịp thời.
* Vượt chỉ tiêu, tăng lợi nhuận
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 4-11, nông dân trong tỉnh thả nuôi 53.548,6ha tôm nước lợ; trong đó, tôm thẻ trên 35.000ha và tôm sú gần 18.400ha, nhưng diện tích thiệt hại chưa đến 8.000ha, tức chỉ chiếm 14,4% diện tích thả nuôi và giảm 7,6% so với cùng kỳ. Với diện tích tôm thẻ chiếm khoảng 65%, nên dù chỉ mới thu hoạch 36.000ha, nhưng sản lượng đã đạt gần 107.000 tấn, vượt 17.000 tấn so với kế hoạch. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Vụ tôm năm nay được đánh giá là rất thành công và từ nay đến cuối năm, nếu người nuôi bảo vệ tốt diện tích tôm còn lại theo khuyến cáo, chủ yếu là tôm thẻ trên 1 tháng tuổi, sẽ cho sản lượng khoảng 30.000 tấn. Khi đó, sản lượng tôm nước lợ năm 2016 của tỉnh sẽ vượt khoảng 40.000 tấn so kế hoạch".
Thành công! Đó điều đã được khẳng định cho đến thời điểm hiện nay đối với vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 khi cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng đều vượt so với kế hoạch. Ngay từ những tháng đầu năm, khi tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, thông tin trúng mùa tôm đã kịp lan rộng khắp vùng nuôi trong trong tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Hứa Thành Hưng, thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, những tháng đầu năm, ông thả nuôi 24 ao, thu hoạch được 162 tấn, lãi gần 11,2 tỉ đồng. Ông Hưng cho biết: "Yếu tố thành công ở vụ nuôi năm nay chính là nhờ tăng số lượng ao lắng, ao chứa kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó mới lấy nước này xử lý để nuôi tôm". Còn ông Hai Hoàng sử dụng cá rô phi làm đối tượng nuôi ghép, kết hợp thả mật độ thưa (30 – 50 con/m2), nên trong 30 ao chỉ có 1 ao thất bại và lợi nhuận theo đó cũng tăng lên hàng chục tỉ đồng.
* Áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình cho rằng, thành công lớn nhất ở vụ tôm năm nay bắt nguồn từ việc có sự chia sẻ và tiếp nhận thông tin 2 chiều giữa người nuôi với ngành chức năng. Ths. Quách Thị Thanh Bình cho biết: "Năm nay, toàn ngành tập trung thực hiện phương châm hành động do Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đề ra là: "Gần dân, sát cơ sở, lắng nghe hơi thở của đất, cây trồng, vật nuôi". Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng lịch thời vụ, chúng tôi đã lấy ý kiến của các địa phương và người nuôi, để đảm bảo sát với thực tế của các địa phương. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng có sự đổi mới từ hình thức, đến nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu của người nuôi".
Có thế thấy, sau những thành công, thất bại từ những vụ tôm trước, người nuôi ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào nghề nuôi. Vì vậy, các khuyến cáo của ngành chức năng, như: nuôi ghép với cá rô phi, thả mật độ thưa, thả nuôi theo hình thức cuốn chiếu liên hoàn, nuôi 2 giai đoạn… đều được người nuôi áp dụng một cách triệt để, góp phần giảm áp lực về môi trường, giúp tôm phát triển tốt hơn. Cùng với khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của người nuôi cũng được phát huy góp phần làm nên thành công cho vụ tôm năm nay. Nếu như tỷ lệ ao nuôi/ao lắng mọi năm là 7/3, thì năm nay đã tăng lên 6/4, thậm chí là 5/5, tạo nên sự khác biệt lớn trong quy trình kỹ thuật nuôi. Đặc biệt, trong vụ tôm năm nay, số hộ nuôi nói không với kháng sinh là rất cao và chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, nâng cao giá trị và uy tín tôm Sóc Trăng trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào 2 chiều, như: tổ chức các đội kiểm tra liên ngành, vận động người nuôi liên kết chọn nhà cung ứng vật tư có uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là tiền đề để Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam ký kết hợp đồng liên kết thu mua tôm sạch với 10 hợp tác xã và tổ hợp tác, với mức giá cao hơn tôm thông thường 5.000 – 7.000 đồng/kg. Góp sức cho thành công vụ tôm năm nay còn phải kể đến yếu tố thị trường, khi xuyên suốt mùa vụ, giá tôm khá ổn định và ở mức cao so với vụ tôm năm ngoái. Hiện tại, giá tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 106.000 đồng/kg, còn loại 40 – 60 con/kg có giá 131.000 – 152.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 4.000 – 7.000 đồng/kg.
Thành công ở vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 là rất ý nghĩa, khi không chỉ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến xuất khẩu, mà còn đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh. Hơn thế nữa, trong một năm mà tình hình thời tiết, khí hậu luôn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại trên nhiều cây trồng vật nuôi, nhưng nghề nuôi tôm vẫn vượt qua, đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành nông nghiệp, của các ngành, các cấp và người nuôi tôm trong tỉnh.
Xuân Trường
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412