Tin Tức Nông Sản

Việt Nam thừa gạo, thiếu đậu, ngô…

Thứ sáu, 05/08/2016 08:01 lượt xem: 4117

 Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng lại thiếu trầm trọng đậu, ngô… Đó là bất cập lớn trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế từ thổ nhưỡng, khí hậu… Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng Việt Nam hàng năm phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn thịt, bơ, sữa… Đồng thời, mỗi năm nhập khối lượng khổng lồ lớn đậu, ngô… để phục vụ cho ngành Chăn nuôi.

Việt Nam thừa gạo, thiếu đậu, ngô…

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô phục vụ cho chăn nuôi. Ảnh: internet

Việt Nam phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm như: Ngô, đậu tương, lúa mì, bột cá với giá trị kim ngạch gần 3 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 3,3 triệu tấn ngô, chi trả 650 triệu USD (tương đương với 4.650 tỷ đồng). Trước đó, năm 2015 đã có 7,7 triệu tấn ngô được nhập về, chi trả 1,6 tỷ USD (tương đương 37.140 tỷ đồng). Về đậu tương, Việt Nam sẽ là một trong những nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới. Năm 2012, Việt Nam nhập 2,28 triệu tấn. Dự báo đến năm 2017 sẽ nhập 5,2 triệu tấn. Hiện tại, ngô sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn ngũ cốc đã khiến khối doanh nghiệp FDI tăng cường nhập khẩu, đồng thời vin vào đó để tăng giá thức ăn chăn nuôi. Đó là những nghịch lý đã xảy ra rất nhiều năm ở một đất nước đất đai phì nhiêu, mưa thuận, gió hòa; con người chăm chỉ.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nêu trên, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần kiến nghị sớm quy hoạch vùng nguyên liệu. Đồng thời có những chính sách nóng, phù hợp, ưu tiên đầu tư công nghệ, hạt giống… để năng suất đậu, ngô đạt mức cao.

Không thể tin được, khi giá ngô nhập khẩu vào Việt Nam còn thấp hơn giá sản xuất trong nước. Giá ngô nhập ở mức 5.200 đồng/kg, trong khi giá thành của nông dân Việt Nam là 6.000 -  6.500 đồng/kg. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trồng trọt sẽ nghĩ gì khi trên thế giới năng suất ngô bình quân đạt 9 - 10 tấn/ha, còn ở nước ta chỉ dưới 5 tấn/ha. “Trông người mà ngẫm về ta” để có sự điều chỉnh quy hoạch vĩ mô và các giải pháp thích hợp, thu hẹp mức chênh lệch như hiện nay.

Câu hỏi lớn đặt ra là, có thể khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên trong nay mai? Yếu tố đầu tiên được nhiều nhà khoa học quản lý kinh tế nông nghiệp Việt Nam xác nhận là phải quy hoạch vùng nguyên liệu. Trong khi giá gạo xuất khẩu đang quá rẻ, người dân trong nước đã đủ ăn thì việc chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng đậu tương, ngô là việc cần làm ngay. Điều này vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng nguồn thu từ sản phẩm ngũ cốc. Theo đó, thay đổi cách thức sản xuất ứng dụng các thành tựu công nghệ, kinh nghiệm của các nước, đặc biệt chọn nguồn giống tốt, tạo năng suất cao… Như thế mới đủ khối lượng lương thực mà ngành chăn nuôi đang cần và có đủ yếu tố để giảm giá thành sản xuất.

Ngoài hai giải pháp nêu trên, việc tăng cường liên kết chuỗi sản xuất với các cơ sở chế biến thức ăn cũng là điều quan trọng, nhằm tiêu thụ kịp thời và ổn định nguồn nông sản cho nhà máy, chấm dứt tình trạng khủng hoảng thiếu nguyên liệu hoặc nông sản ứ thừa mà không có đầu ra.

Thời gian qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn phát triển ổn định (tăng 13 - 15%/năm). Điều đáng tiếc là lợi nhuận từ ngành sản xuất này lại cơ bản chảy vào túi các nhà đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI nắm giữ gần 70% thị phần thức ăn chăn nuôi). Như vậy, Việt Nam đã để vuột khỏi tay mình nguồn lợi nhuận lớn mà lẽ ra mình thụ hưởng khi đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên liệu từ ngũ cốc cho nhà máy. Không thể muộn hơn, cần sớm có quy hoạch vùng nguyên liệu khả thi.

Thế Lữ

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện