Đây là thông tin được ông Phạm Quang Diệu, Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), đưa ra tại một hội thảo liên quan đến nông nghiệp cuối tuần qua. Theo ông Diệu, Việt Nam đang nhập khẩu lượng bắp tăng vọt so với những năm trước.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam là 5,72 triệu tấn, giá trị nhập khẩu là 1,26 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 56% về khối lượng và gần33% về giá trị so với cùng kỳ. Brazil và Argentina là hai nhà cung cấp chính, lần lượt chiếm hơn 53% và gần 42%tổng giá trị nhập khẩu bắp của Việt Nam, trong đó nguồn cung từ Argentina tăng đột biến gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2014 về khối lượng và gần 9 lần về giá trị.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, những năm qua, để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các nhà máy đều phải nhập khẩu bắp với số lượng lớn để dự trữ. Trong 10 tháng qua, lượng bắp nhập khẩu tăng một phần do giá bắp đang giảm nên doanh nghiệp tăng nhập để dự trữ cho những tháng sản xuất tiếp theo.
Theo website về tin tức thị trường nông nghiệp agweek.com, trong những năm qua, Indonesia là một trong những quốc gia nhập khẩu bắp lớn nhất trong khu vực. Trang này trích dẫn lại số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong niên vụ 2013-2014, quốc gia này đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn bắp để đáp ứng nhu cầu nội địa và số lượng vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo tờ The Jakarta Post của Indonesia, để khuyến khích người dân tăng sản lượng, Indonesia có lệnh cấm nhập bắp vào tháng 8-2015.
Năm 2015, Indonesia sẽ sản xuất 16,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và cần 8,5 triệu tấn bắp nguyên liệu. Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Indonesia mới ký hợp đồng mua 500.000 tấn bắp từ Brazil.
Theo Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trong những năm qua, nhập khẩu bắp và các nguyên liệu liên quan đến sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đều tăng. Cục Chăn nuôi ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 27 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản các loại, trong đó có khoảng 17-18 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, con số 27 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ không dừng lại đó mà sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Hiệp hội dự báo, do nhu cầu ngày càng nhiều về thịt gia súc, gia cầm nên mỗi năm, thị trường có nhu cầu cần thêm 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại để đáp ứng nhu cầu.
Vì thế, sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này hoặc doanh nghiệp trong ngành tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Đi liền với đó là Việt Nam phải nhập khẩu các nguyên liệu như bắp, đậu nành để đáp ứng nhu cầu do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ.