Năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO - tổ chức kinh tế thương mại cực lớn với trị giá nhập khẩu nông sản lên đến1.380 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trước khi gia nhập WTO thì kim ngạch xuất khẩu gạo của ta đạt 8,3 tỷ USD/năm. Sau 8 năm gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản của ta lên gần 31 tỷ USD/năm 2014. Trong khi đó xuất khẩu gạo từ 3,7 tỷ USD/năm 2012 đã giảm xuống còn 3 tỷ USD năm 2014. Thời kỳ thịnh vượng nhất của xuất khẩu lúa gạo có lẽ đã qua, xuất khẩu cao su, cà phê… cũng giảm nhiều. Tất cả những sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta cho là rất tốt để xuất khẩu nay đều giảm. Chỉ còn riêng một thứ là rau quả lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD/năm. Đáng buồn hơn, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sau 8 năm gia nhập WTO vẫn là sản phẩm thô.
Theo dự báo của World Bank thì hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới và đến năm2020, gạo sẽ giảm 7%, cà phê Robusta và tôm giảm 13%, cao su chạm đáy năm 2015 có thể tăng trở lại nhưng khó quay lại mức giá trước năm 2013… 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,055 triệu tấn và1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và 10,5% về giá trị so 2014. Giá xuất khẩu đạt 435,18 USD/tấn. Ngày 18-9-2015 Việt Nam trúng thầu xuất khẩu 450.000 tấn gạo sang Philippines, giá 426,60 USD/tấn, thấp hơn 35 USD/tấn so với giá sàn mà Philippines đưa ra.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất nhưng thị phần đang giảm. Năm 2012-2013, Việt Nam chiếm trên 65%, đến năm 2014 còn 53% và 6 tháng đầu năm 2015 còn 47%. Thế chân Việt Nam là gạo của Thái Lan, Campuchia và Pakistan.
Tôi nghĩ nền nông nghiệp Việt Nam giờ có thể tập trung mạnh vào ngành rau quả. Chúng ta đã có một số công nghệ trồng rau quả đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Và hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là một tín hiệu rất đáng mừng.
Giải pháp thông minh cho nông nghiệp Việt Nam xin gói gọn trong mấy chữ: “Thị trường, thị trường và thị trường…”. Nền nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp biết đáp ứng theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Và không riêng gì nông nghiệp tôi nghĩ bất cứ ngành nào cũng phải giải bài toán thị trường trước. Hãy nhìn một thị trường ASEAN rộng lớn với 600 triệu dân là một thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cực lớn… vậy thì phải xác định cái gì ta cạnh tranh được, đó là chất lượng. Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao có thể cung cấp cho Trung Quốc, một thị trường cao cấp cho 180 triệu phú USD… cùng các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Theo Eurasia Group,Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất với TPP. Hiệp định thúc đẩy GDP của Việt Nam lên 11% trong năm 2025, xuất khẩu tăng 28% khi các công ty bắt đầu rời nhà máy sang đây để tận dụng giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, Việt Nam phải tuân thủ luật chơi về an toàn thực phẩm, GMO; luật chơi về chất lượng cao; luật chơi về số lượng và luật chơi về cạnh tranh, giá rẻ. Do đó, nếu chúng ta không biết tận dụng những thế mạnh của mình thì có thể thua ngay trên sân nhà. Vậy phải biết tận dụng những cái thuộc về thế mạnh của mình thì sẽ rất lợi, ngành rau quả đang là bức tranh sáng nhất của nông nghiệp Việt Nam.
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng (Nguyên chuyên viên Bộ Nông nghiệp Bang New South Wales - Australia/ Diễn đàn doanh nghiệp)