Lăng Kính Doanh Nhân

Vai trò hiệp hội giống thủy sản trong sản xuất tôm giống

Thứ hai, 11/06/2018 09:00 lượt xem: 2976

 

Vai trò hiệp hội giống thủy sản trong sản xuất tôm giống

Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Đầu tư S6 (Ninh Hải).​

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tự nguyện thành lập, Hiệp hội giống Thủy sản (TS) tỉnh nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tỉnh nhà.

Gần 5 tháng sau thành công của Đại hội nhiệm kỳ II (2018-2022), Hiệp hội đang cho thấy sự nỗ lực trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức hội.

Với mục tiêu đề ra là vận động 50% chủ cơ sở giống TS địa phương tham gia tổ chức, ngay bước khởi động nhiệm kỳ mới, Hiệp hội đã có khoảng gần 50 hội viên là doanh nghiệp (DN) và dự kiến đến cuối quý II sẽ chuẩn y kết nạp 25 DN. Nếu so với tổng số trên 450 cơ sở sản xuất giống TS cả tỉnh, số hội viên trên còn khá khiêm tốn, song nhìn lại những gì diễn ra trong quãng thời gian qua, mới hiểu được đây là con số nhiều ý nghĩa. Thật vậy nhiều hội viên còn nhớ rõ sau nhiệm kỳ đầu tiên (2005-2009), do những biến động của việc giải thể Sở Thủy sản, trong giai đoạn 2010-2016, Hiệp hội giống TS hầu như ngừng hoạt động và đứng bên bờ vực giải thể. Cho nên với số hội viên có được hiện nay, Hiệp hội đã có tiền đề cần thiết để mở rộng hoạt động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hội viên chủ yếu là DN sản xuất tôm giống ở các vùng Ninh Hải, An Hải (Ninh Phước) và Cà Ná (Thuận Nam), trong đó hội viên tập trung đông nhất là ở Ninh Hải. Trở thành hội viên, các DN được hưởng nhiều quyền lợi từ Hiệp hội giống TS tỉnh, nhưng đồng thời có trách nhiệm cung cấp cho thị trường con giống chất lượng cao.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống TS tỉnh, cũng là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư S6 (một DN sản xuất tôm giống sạch bệnh), cho biết: Để nâng cao chất lượng tôm giống, Hiệp hội phối hợp cơ quan chức năng kiểm dịch các cơ sở sản xuất, đặc biệt đã xây dựng trang điện tử Hiệp hội nhằm liên kết, phối hợp hoạt động giữa các DN thành viên, khách hàng muốn liên hệ chỉ cần vào trang Web là biết rõ các thông tin. Ngoài hưởng quyền đưa thông tin quảng bá sản phẩm lên trang điện tử, các DN hội viên còn có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong nghề nuôi tôm giống. Ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Công ty TNHH giống TS Thiên Phú Việt Nam có trụ sở tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải) nhận xét: Trang điện tử của Hiệp hội giống TS tỉnh đã giúp cho DN tiếp cận và giới thiệu sản phẩm cho khách hàng nhanh chóng, kịp thời, chúng tôi đánh giá cao tác dụng mang lại của trang Web. Thông qua trang Web này, Hiệp hội giống TS tỉnh khuyến khích hội viên nâng cấp cơ sở sản xuất giống TS theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, an ninh sinh học, an toàn dịch bệnh.

Là một trong những trung tâm sản xuất giống TS chất lượng cao của cả nước, hằng năm sản xuất trên 25 tỷ con giống cung cấp cho 28 tỉnh, thành phố ven biển có nghề nuôi tôm, có thể nói danh tiếng và uy tín về giống tôm Ninh Thuận được hầu hết người nuôi ở các địa phương trong nước xác nhận, mà điểm nhấn là trong tháng 5 vừa qua được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định công nhận “Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận”. Với vai trò của mình, không chỉ tổ chức hội nghị công bố quyết định trên, Hiệp hội giống TS tỉnh còn dự định họp toàn bộ hội viên để tổ chức ký cam kết “Nâng cao chất lượng giống TS sau khi sản xuất cung cấp ra thị trường”. Ông Lâm Quốc Quân, Giám đốc Công ty TNHH giống TS Trung Nam Mỹ, ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) chia sẻ: Tham gia thành viên Hiệp hội, DN hưởng lợi nhiều thứ, sắp tới với việc sử dụng nhãn hiệu tôm giống Ninh Thuận được bảo hộ, tôi nghĩ DN sẽ có thêm nhiều cơ hội trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng phạm vi tiêu thụ.

Như vậy, sau khi công bố “Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận”, Hiệp hội giống TS tỉnh sẽ phát huy vai trò là cầu nối, giới thiệu các hội viên sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ. Nhưng để sử dụng, các hội viên DN phải thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng tôm giống. Hiện tại, theo Chi cục TS tỉnh, không kể các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tính trong các DN cũng như cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh của tỉnh, chỉ có Công ty CP Đầu tư S6 là có quy mô sản xuất lớn nhất và trang thiết bị tốt nhất. Nhìn trong Hiệp hội, ngoài S6, chỉ mới khoảng 20% DN là đạt tiêu chuẩn sản xuất tôm giống chất lượng cao. Vì vậy Hiệp hội giống TS tỉnh đang vận động các DN hội viên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất tôm giống.

Theo ông Lê Văn Quê, bên cạnh đầu tư của các DN hội viên, để bảo vệ uy tín thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, Hiệp hội đề xuất tỉnh ta quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi. Đối với việc sử dụng nhãn mác, cần tăng cường quản lý theo hướng mỗi DN chỉ sử dụng 1 nhãn mác; có tiêu chí khắt khe về điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn sinh học khi cấp phép các trại giống…Đó được coi là biện pháp cần thiết nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất giống TS tại Ninh Thuận.

Bạch Thương Báo Ninh Thuận

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện