Thông tin thị trường

Từ nhãn hiệu đến thương hiệu gạo Từ nhãn hiệu đến thương hiệu gạo

Thứ năm, 17/12/2015 10:24 lượt xem: 912

Tiền Giang có nhiều vùng đất trồng lúa chất lượng cao, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh. Có được lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp đã cho ra đời nhiều nhãn hiệu gạo ngon, có chất lượng và được thị trường trong nước chấp nhận. Tuy nhiên, các nhãn hiệu gạo này còn quá thấp so với tiêu chuẩn thương hiệu gạo. Nhưng làm cách nào để xây dựng được thương hiệu gạo?

Nhiều nhãn hiệu gạo

 

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, công ty có 11 nhãn hiệu gạo, trong đó nhóm gạo thơm, gạo chất lượng cao có: Nàng thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Hồng Hạc, Chín con Rồng Vàng, Hương Việt, Hoa Mai Vàng, Bông sen Vàng, Ngọc Lan, Hương Sữa. Nhóm gạo thông dụng có: Thiên Nga, Bông Trang.

 

Tất cả các sản phẩm gạo có nhãn hiệu đã được đăng ký tiêu chuẩn cơ sở và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Tiền Giang) chứng nhận phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức tiêu thụ hàng năm khoảng 50 - 200 tấn. Các nhãn hiệu trên tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống cửa hàng tiện ích của công ty (4 cửa hàng), hệ thống các siêu thị (Metro, BigC, Giant, Lotte, Aeon, Vinmart), trường học, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…

 

Khu vực tiêu thụ nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh (chiếm 85% doanh số) và nhãn hiệu gạo tiêu thụ nhiều là Hồng Hạc, Chín con Rồng Vàng, Hương Việt, Nàng thơm Chợ Đào. Tuy nhiên, các nhãn hiệu gạo này khi ra thị trường cũng gặp không ít khó khăn như: Giá cả trên thị trường tăng, giảm liên tục nên việc chào giá không ổn định, chi phí bao bì, sản xuất, bán hàng… còn cao, sức cạnh tranh về giá còn kém, sản lượng tiêu thụ chưa nhiều.

 

Trong thời gian tới, nhãn hiệu gạo còn không ít khó khăn, nhất là mạng lưới cung ứng cho hệ thống các siêu thị sẽ tiếp tục giảm do chi phí giao dịch bán hàng ngày càng cao, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, buộc công ty phải ngưng hợp tác.

 

Theo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, 7 đơn vị của Tổng Công ty có đăng ký nhãn hiệu gạo. Cụ thể, Công ty cổ phần Mecofood với tên nhãn hiệu đăng ký là Thố Cơm, Công ty Lương thực Long An có nhãn hiệu “Cô gái mặc áo dài đội nón lá” cho các dòng sản phẩm, Công ty Lương thực Sông Hậu có 11 nhãn hiệu gạo đăng ký, Công ty TNHH MTV Lương thực TP. Hồ Chí Minh có 3 nhãn hiệu đăng ký, Công ty Lương thực Đồng Tháp có 3 nhãn hiệu… 

 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng:“Chúng ta xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ 2 thế giới bắt đầu từ năm 1989. Tuy nhiên, gạo Việt Nam khi xuất khẩu chỉ mang nhãn hiệu chung chung. Vì vậy, khi để chung chung như vậy và không có thương hiệu thì giá mua rất thấp, không bằng những loại gạo có thương hiệu thật sự”.

 

Tiến tới thương hiệu

 

Trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được các ngành chức năng bàn nhiều, nhưng chưa đưa ra những quyết định chính thức. Ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, do chưa có thương hiệu khiến gạo Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép.

 

Đơn cử như Thái Lan, họ tập trung phát triển một số giống lúa nhất định, trong khi Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào có tính ổn định lâu dài, thường giống của chúng ta chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa.

 

Khâu sản xuất giống đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta muốn xây dựng thương hiệu gạo, có thể chọn một số giống để bảo tồn gen. Ngoài ra, tập quán sản xuất pha trộn nhiều loại gạo với nhau là hạn chế lớn nhất trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

 

Để rút ngắn việc xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia, chúng ta nên sử dụng các giống sẵn có của các doanh nghiệp; đồng thời phải phát triển được thị trường. Ngoài xuất khẩu phải quan tâm hơn tới thị trường nội địa, bởi thị trường trong nước tiêu thụ 30 - 40% lượng gạo sản xuất. Theo ông Khiêm, trong việc xây dựng thương hiệu, Nhà nước phải đóng vai trò “nhạc trưởng”, đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tìm được thị trường bởi thương hiệu chỉ tồn tại khi có thị trường.

 

Để xây dựng thương hiệu gạo thành công, theo ông Khiêm, chúng ta cần phải tính đến phương án chọn loại giống, các nhà khoa học xây dựng bộ tiêu chuẩn thống nhất, xây dựng quy trình sản xuất chuẩn, tiêu chuẩn để doanh nghiệp đủ điều kiện vào thương hiệu gạo Quốc gia, xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá; công bố chế tài, xử phạt.

 

Theo Sở NN&PTNT, năm 2015 Tiền Giang có 33,9% lúa chất lượng cao, 23,8% lúa đặc sản, lúa thơm. Trong vụ đông xuân 2015 - 2016 Tiền Giang sẽ trồng trên 70% giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu.

 

Làm thế nào để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.

 

Các địa phương phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất theo hướng cánh đồng 1 giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này sẽ thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có thương hiệu.

 

Hiện nay, Công ty Lương thực Tiền Giang cũng đã chuẩn bị các bước để khi công bố thương hiệu thì công ty sẽ nhảy vào ngay. Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, công ty sẽ đầu tư xây dựng khoảng 1.000 ha trong mô hình Cánh đồng lớn, với việc đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đưa cán bộ xuống hướng dẫn nông dân từng quy trình canh tác và quản lý chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân; khi thu hoạch, công ty thu mua cao hơn thị trường khoảng 100 đồng/kg.

 

Sĩ Nguyên (Báo Ấp Bắc)

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện