Tin Tức Nông Sản

Tự cứu trên vùng đất hạn

Thứ ba, 24/05/2016 07:55 lượt xem: 6729

- Buộc phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt, nông dân Tây Nguyên với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương một số nơi đã chủ động tìm mọi cách tự cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ưu tiên những giống chịu hạn tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Khoai lang được mùa, được giá.Khoai lang được mùa, được giá.

Sống chung với hạn !

Gia đình ông Nguyễn Tiến Trung (54 tuổi) trú tại xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có 5 sào đất trồng lúa. Hạn hán kéo dài, lúa chỉ trồng được vài tháng rồi chết khô do không có nước tưới. Ông Trung cùng nhiều hộ khác bàn nhau chuyển sang trồng khoai lang.

“Đất đai xã Nâm N’đir thích hợp cho việc trồng khoai lang, chi phí đầu tư thấp. Giá khoai chỉ cần ổn định ở mức từ  4 - 5 nghìn đồng/kg là lời lắm rồi” – Ông Trung cho biết.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô, vụ mùa năm nay toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 250 ha lúa nước sang trồng khoai lang. “Chi phí đầu tư cho khoai lang thấp hơn lúa khoảng 15%. Nhiều hộ trồng khoai thu nhập đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/ha. Nông dân ở các xã đã chuyển sang trồng rau, hoa màu, thu nhập thực tế cũng cao hơn trồng lúa từ 15 đến 30 triệu/ha. Tuy vậy chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ào ạt phá lúa trồng khoai lang, trồng màu. Được giá mất mùa và ngược lại là bài học đắt giá, phải dè chừng”, ông nói .

Ông Hồ Viết Hùng (48 tuổi) xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) sau một thời gian đắng lòng nhìn gần 3 ha cây cà phê chết dần chết mòn vì “khát” nước tưới, quyết định trồng xen canh rau xanh, nhiều loại cây ăn quả khác như bơ sáp, sầu riêng… để kiếm nguồn thu bù lại. Vừa rồi, thu nhập từ rau củ quả đạt gần 200 triệu đồng. Còn cà phê xem như mất trắng. Ông Lê Văn Điệp, trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil cho biết việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân bước đầu cho hiệu quả, nhưng nỗi lo vẫn còn , vì kinh tế chủ đạo của người dân vẫn ở cây cà phê và cây tiêu,  hiện chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra ký cam kết bao tiêu nông sản.

Khác với 2 huyện nói trên, ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) nông dân tận dụng diện tích đất trống để chăn nuôi. Bà Trần Thị Lý (46 tuổi) trú tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, cho biết: Gia đình bà có 3 sào đất, do không trồng được lúa, nay nuôi 16 con dê bố mẹ, sau một năm kinh doanh, đàn dê sinh được 35 con bán được 15 con dê thịt, lợi gần 50 triệu đồng.

Ông Đỗ Ngọc Duyên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: Chủ trương của Sở là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đồng bộ, đa dạng và bền vững. Sở nông nghiệp cùng với các địa phương lên phương án chuyển đổi cụ thể. Khu vực nào có điều kiện về đất đai phù hợp, nguồn nước tưới bảo đảm thì phát triển các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu. Đối với cây lúa nước chuyển đổi đưa giống chịu hạn, giống ngắn ngày cho năng suất cao vào thay thế và dịch chuyển thời vụ phù hợp để tránh hạn. Các khu vực còn lại định hướng trồng cây ăn trái, trồng rừng và các loại cây trồng khác đảm bảo mục tiêu đa dạng cây trồng vật nuôi, ổn định đời sống nhân dân.

Còn tại tỉnh Gia Lai, chính quyền đã khuyến cáo các huyện thiếu nước tưới cần thực hiện gieo trồng sớm để tránh hạn, không để đất bỏ trống ngay cả khi hạn diễn ra gay gắt nhất. Tại huyện, huyện Cư Pưh nông dân chủ động trồng cỏ nuôi bò; trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Đức Cơ…

Phục hồi giống lúa truyền thống

Chị H’Si Wong Srúk (32 tuổi) người M’ Nông ở buôn Dơng Yang, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) cho hay: Ưu điểm lớn nhất của giống lúa truyền thống là khả năng chịu hạn. Dù trỉa ( gieo) trên đồi đất khô cứng, lúa vẫn nảy mầm mọc cao ngang tầm đầu người. Gặp thời tiết nắng gắt nương ngô héo rụi, nhưng lúa vẫn trổ bông, chắc hạt. Lúa rẫy hạt to, thơm dẻo, đặc biệt là “sạch, an toàn” vì không phân bón, không thuốc trừ sâu,…

Trước đây, dân trong buôn trồng lúa rẫy rất nhiều, nhưng vài năm trở lại họ chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, đậu, sắn,... vì thời gian thu hoạch lúa rẫy dài ngày từ 4- 4, 5 tháng, trong khi năng suất thấp, chỉ đạt 1-1,5 tấn/ha. Mỗi nhà chỉ trồng ít sào để ăn. Trước nguy cơ tuyệt chủng nhiều giống lúa bản địa chất lượng, trạm Khuyến nông huyện Lắk phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk triển khai mô hình trồng lúa cạn bản địa thuộc đề tài “Xây dựng một số mô hình cây trồng, vật nuôi bản địa có lợi thế hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk”.

Trạm nghiên cứu, chọn ra 2 loại giống bản địa thuần chủng là Ba NjRang và Ba MeiMô của người M’ Nông, trồng thí điểm 1 héc ta tại buôn Hang Ja xã Bông Krang vào đầu vụ hè thu năm 2015.

Kết quả đánh giá bước đầu của trạm khuyến nông huyện Lắk, 2 giống lúa bản địa được chọn trồng thí điểm có thời gian sinh trưởng từ 130 đến 140 ngày, cây cao khỏe, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất đạt 3,5 tấn/ha chất lượng gạo tốt, cơm mềm, vị đậm.  Nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống lúa bản địa cho năng suất chất lượng không thua các giống lai khác, đặc biệt bảo tồn các nguồn gen lúa quý hiếm đang dần bị mất của đồng bào bản địa.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến đầu tháng 5/2016, toàn khu vực có trên 100.000 ha chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, trong đó có hơn 7.100 ha phải dừng sản xuất. Các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng 20 đến 40%  lượng tích trữ. Đắk Lắk là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 50.000 ha bị hạn hán, hơn 35.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, ước tính thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng. Còn Đắk Nông có khoảng 23.000 ha bị ảnh hưởng hạn hán, năng suất chỉ đạt từ 30 đến 70%; gần 900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, ước tính thiệt hại khoảng trên 1.100 tỷ đồng.

 

Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện