Nguy cơ lớn
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) xác định tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL và thời gian qua tệ nạn này mỗi năm một trầm kha hơn. Các chủ cơ sở bơm tạp chất vào tôm đều sử dụng các loại tạp chất xuất xứ từ Trung Quốc, có tên CMC. CMC được hòa tan với nước, cho ra một chất đặc sệt, bơm vào tôm bằng xi lanh hoặc máy nén.
Nạn bơm tạp chất vào tôm ngày càng phức tạp
Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn (Tổng cục An ninh II, Bộ Công an), cho biết sau khi bị bơm chích tạp chất, tôm nguyên liệu tăng 10 - 20% trọng lượng, kích cỡ. Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn khẳng định qua điều tra, “Nhiều nhà máy cơ sở tiến hành bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc”.
Thế nhưng, chuyện không đơn giản là vậy, khhi mấy năm gần đây, tôm bơm tạp chất bắt đầu được tiêu thụ mạnh trong thị trường nội địa.
Ngày 26/7 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt quả tang 2 cơ sở kinh doanh thủy sản đang bơm tạp chất vào tôm sú chết nhằm tạo màu sắc tươi sống và tăng trọng, bán cho các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, thu giữ 150 kg tôm sú chết cùng 202 kg tạp chất.
Một nguyên nhân khác là tình hình tiêu thụ tôm cho Trung Quốc rất bấp bênh, tháng ít tháng nhiều, do không có hợp đồng dài hạn. Khi khách hàng Trung Quốc không mua thì các thương lái đem ra tiêu thụ trên thị trường trong nước với giá rẻ.
Mỗi ký CMC giá chỉ 100.000 đồng, đổ nước vào quậy đặc bơm vào tôm, khiến 100 kg tôm sú lên tới 120kg, không chỉ bán được giá cao hơn mà còn tiêu thụ được tôm sú đã chết, do sau khi bơm tạp chất thì tôm vẫn giữ được màu sắc và độ căng mướt.
Các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã phát hiện nhiều nhà hàng tiệc cưới có tôm bơm tạp chất. Ngay tại ĐBSCL, cũng nhiều lần bắt giữ các cơ sở thuê người tiêm tạp chất vào tôm rồi đem đi tiêu thụ giá rẻ. Việc ăn phải tôm tiêm tạp chất, đặc biệt là tôm đã chết (có thể do bị bệnh) có thể gây ra ngộ độc và mắc một số chứng bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, thương hàn, tả…
Không còn là chuyện nhỏ
Mới đây, ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Việc bơm chích tôm không dừng lại ở dạng dùng kim chích mà dùng đến công nghệ máy để có thể chích trong thời gian ngắn đạt số lượng nhiều nhất. Người thực hiện bơm chích coi đó là chuyện bình thường”. Điều đó có nghĩa là số lượng tôm bơm tạp chất sẽ tăng rất nhanh do các cơ sở từ bỏ thủ đoạn thủ công để chuyển sang dùng máy bơm chích.
Đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Cà Mau cũng kiểm tra phát hiện 5 vụ bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, thẩm tra loại bỏ tạp chất và xử lý phạt tiền gần 150 triệu đồng. Tuy vậy chính Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cũng cho biết “Số vụ việc bị phát hiện rất ít so với thực tế vụ việc vi phạm. Hầu hết các vụ tôm có chứa tạp chất bị phát hiện, xử lý chủ yếu là đang trên đường vận chuyển”.
Sở dĩ việc phát hiện bắt tại trận hành vi bơm tạp chất không dễ dàng là do các đối tượng thường tiêm tạp chất vào ban đêm, trong những cơ sở đã được bảo vệ nhiều lớp và dư luận lo ngại một số doanh nghiệp cũng tham gia vào việc này, theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc.
Trong năm 2015, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện hơn 2,3 tấn tôm bơm chích tạp chất. Trong 7 tháng đầu năm 2016, phát hiện 8 trường hợp vi phạm, xử phạt 500 triệu đồng... Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm hiện nay “diễn ra ngày càng phức tạp, có tổ chức”.
Mạnh tay hơn nữa
Nhiều người dân nuôi tôm nói rằng: “Tuyệt đại cơ sở bơm tạp chất vào tôm là các vựa của thương lái, người nông dân chỉ đánh bắt và bán ngay cho thương lái tôm còn tươi sống chứ không ai bơm tạp chất vào tôm”. Với ngành tôm, việc bơm tạp chất đã trở thành mối họa lớn. Ngành tôm Cà Mau, một trong địa phương nuôi tôm chủ lực cho biết đã có những lô hàng xuất khẩu bị phát hiện có tôm bơm tạp chất.
Ngành thủy sản nói chung và ngành tôm Việt Nam nói riêng đang tích cực hội nhập quốc tế, khôi phục các thị trường bị mất trong mấy năm qua, tăng giá thành và hiệu quả kinh tế, nhưng hiện tượng tôm bị bơm tạp chất có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu của ngành nếu không ngăn chặn kịp thời. Tiêu thụ tôm trong nước cũng có dấu hiệu tăng trưởng trong mấy năm gần đây, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, nhưng việc các nhà hàng tiêu thụ tôm bơm tạp chất chắc chắc cũng sẽ làm người dân phía Bắc ngại ngần với loại thực phẩm này.
Dư luận hy vọng từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe cao với các mức phạt tù, thì tệ nạn bơm và tiêu thụ tôm bơm tạp chất sẽ bị ngăn chặn mạnh mẽ hơn, khi đó ngành tôm mới có thể lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
>> Việc bơm tạp chất vào tôm không chỉ khiến việc xuất khẩu mặt hàng này trở nên khó khăn mà còn làm cho các quy trình nuôi tôm sạch, nuôi tôm bền vững của người nông dân trở thành vô ích. Nguy hại hơn, nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và quyền lợi của người nuôi tôm Việt Nam. |
Nguyễn Anh
Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238 cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.