Cuối năm, có vài cái tin đáng phấn khởi liên quan đến nông nghiệp. Trước hết là, theo công bố mới nhất từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến cuối tháng 11 đạt 6,24 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường hàng đầu hút gạo Việt là Trung Quốc, Philippines, Indonesia.
Tin thứ 2, mới nghe dễ bỏ qua nhưng thực ra rất đáng quan tâm: Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu rơm, mỗi năm hàng trăm ngàn tấn. Như vậy, không chỉ gạo - phần kết quả tinh túy nhất của nông nghiệp, mà ngay cả phụ phẩm, thứ phẩm của nhà nông đất Việt ta, xưa nay ta coi là rơm rác, cũng lên đường đem ngoại tệ về cho đất nước. Thế chẳng đáng mừng sao.
Ở một nước sản xuất nông nghiệp vẫn là phổ biến nhất, đứng hàng quan trong nhất thì mỗi thông tin liên quan đến nó đều khiến từ nhà hoạch định chính sách đến người dân thường đều phải suy nghĩ. Bởi sao, bởi nó là miếng ăn hằng ngày, là cuộc sống của gần trăm triệu con người, là lực đẩy đất nước đi lên hoặc kéo thụt lùi. Vậy thì có những thứ vừa xảy ra cũng làm chúng ta không khỏi giật mình, thậm chí không mấy khi tin rằng nó là sự thực.
Tôi muốn nói đến điều liên quan đến hạt gạo. Chả là khá nhiều tờ báo vừa phản ánh thực tế người dân trong nước, nhất là người ở ngay vựa lúa - đồng bằng sông Cửu Long, ăn gạo, thích gạo nhập từ Campuchia. Trong thời buổi kinh tế thị trường, giao thương hàng hóa trong nước và với nước ngoài có nhiều cởi mở, thì gạo Campuchia được nhập vào Việt Nam chẳng có gì lạ. Người tiêu dùng có quyền chọn lựa, cứ ngon bổ rẻ là OK, ai cấm được họ. Chỉ có điều, sống ngay trên đống gạo, chính mình làm ra hạt gạo, lấy nghề trồng lúa nuôi sống mình, nhưng mình lại ăn hạt gạo của người khác, nhập từ nơi khác. Có gì uẩn khúc ở đây chăng?
Hãy nghe chính người trong cuộc nói. Bà con miền Tây Nam Bộ bảo rằng thực ra gạo Miên (cách gọi gạo Campuchia) cũng không ngon hơn gạo Việt đâu bởi giống lúa của ta và họ na ná nhau. Vấn đề là chất lượng và giá cả. Gạo Miên, tính cả những chi phí nó phải cõng trên đường nhập vào đất Việt và những tầng nấc phân phối, vẫn cứ rẻ hơn gạo ta. Với người dân còn trong hoàn cảnh thu nhập thấp, tài chính hạn hẹp, phải chi li từng đồng, hay như người xưa gọi là “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì bớt được vài giá là quá tốt. Mỗi ký gạo Miên thường rẻ hơn gạo Việt vài ba ngàn đồng, đó là sức hấp đối với dẫn người dân Việt còn nghèo, thậm chí cả giới trung lưu. Nhưng điều đáng lưu ý nhất lại không phải chuyện giá mà là chất lượng gạo. Nhiều đại lý gạo ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ, và ngay tại TP.HCM, cũng như không ít người tiêu dùng, tức người ăn bát cơm gạo Miên, quả quyết rằng gạo Campuchia lành hơn. Nghĩa là, ít yếu tố độc hại trong cái viên ngọc nhỏ màu trắng ngà ấy, sức khỏe con người không phải lo lắng về nó. Bà con thật thà bảo rằng bên Campuchia đất đai tốt, phì nhiêu, canh tác không bị sức ép sản lượng nên họ không dùng thuốc trừ sâu, không dùng hóa chất và ít sử dụng phân bón hữu cơ cho cây lúa. Hạt gạo sinh thành từ môi trường tự nhiên ấy đạt được độ lành. Ăn gạo ấy có lợi cho sức khỏe.
Dẫu bà con chỉ nói gạo Miên lành, không đề cập đến gạo ta như thế nào, có lẽ do tế nhị, chẳng muốn vạch áo cho người xem lưng, nhưng cái cách mà họ thờ ơ với chính sản phẩm của xứ mình cũng đủ nói lên được lý do.
Thật tội nghiệp cho hạt gạo Việt. Người dân đất Việt bao đời nay gọi hạt cơm là ngọc thực (thứ đồ ăn quý như ngọc), hạt gạo sinh ra từ đồng đất này đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ. Nay nó bị hắt hủi, “bụt chùa nhà không thiêng”, lỗi đâu phải tại nó, mà bởi con người. Chúng ta từng hãnh diện, tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng cái cách một bộ phận người tiêu dùng trong nước quay lưng lại với chính sản phẩm truyền thống của mình đã buộc chúng ta phải nhìn nhận: quá trình canh tác có vấn đề không ổn, chất lượng hạt gạo, giá thành sản phẩm cũng có vấn đề. Lấy được lòng tin của người tiêu dùng là cả quá trình vất vả, khó khăn, nhưng để đánh mất lòng tin ấy thì nhanh, thì dễ lắm. Mới ngày nào, từng có một thời gạo Thái tràn sang tung hoành, nông nghiệp nông dân ta đã khốn đốn, nay lại đến cả gạo Miên lấn sân, thì chả ai dám hình dung sẽ còn những gì nữa.
Vừa rồi, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, nhiều đại biểu đã lên tiếng lo ngại, cảnh báo về tình trạng thực phẩm không an toàn. Chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 6.12 vừa qua trong cuộc gặp gỡ cử tri cũng phải đặc biệt lưu ý tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm rất đáng báo động, nếu cứ thả lỏng sẽ rất nguy hiểm, không chỉ với trước mắt mà cho cả tương lai giống nòi. Vận vào lời Chủ tịch nước, tôi nghĩ ngay đến hạt gạo Miên và hạt gạo Việt.
Vấn đề đã khá rõ, chúng ta hãy đặt nó lên bàn của các nhà quản lý. Và đợi chờ. Chỉ mong sao đừng xảy ra thêm những điều đáng tiếc.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại TP.HCM
Nguyễn Thông (Báo Thanh Niên)