Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, Chủ tịch UBND tỉnh Cầm Ngọc Minh (ảnh) vẫn cho rằng, còn nhiều khó khăn ở phía trước cần phải vượt qua. Và, thước đo thành công trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, chính quyền chính là thu nhập và sự hài lòng của người dân.
Kết quả cụ thể mới thuyết phục
Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng được biết đến với những khó khăn về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng và điều kiện SX. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi không nhỏ trong bức tranh KT-XH. Điều gì khiến ông thấy tâm đắc nhất?
Thực ra, nói đến Sơn La, người ta hình dung ngay đến một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi xác định phải tận dụng mọi lợi thế, thế mạnh của vùng để vươn lên, trở thành địa phương có mức phát triển khá trong khu vực. Vậy, thế mạnh của Sơn La là gì? Rõ ràng, núi rừng, nông lâm nghiệp là thế mạnh đầu tiên phải được nhắc đến.
Chúng tôi cho rằng, với Sơn La, nhiệm kỳ vừa qua, nông lâm nghiệp có bước phát triển rất tốt. Giá trị SX nông lâm nghiệp, chỉ tính riêng năm 2015, đã đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng đến 30% so với năm 2010. Bình quân tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 5,4%. Đây là thành quả bước đầu, là chỉ dấu cho rằng những biện pháp chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Sơn La được xem như Đà Lạt ở khu vực Tây Bắc khi ứng dụng rất thành công nông nghiệp công nghệ cao. Ông có thể nói rõ hơn về ý kiến này?
Mọi lời nói, biện pháp chỉ đạo suông cũng không thể thuyết phục bằng kết quả cụ thể. Và, chính thu nhập ngày một được nâng cao của người dân là thước đo cho thành công trong chỉ đạo, điều hành. Chúng tôi làm thật, hành động thật. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác của Sơn La đã đạt bình quân 34 triệu đồng và 115 triệu đồng đối với 1ha nuôi trồng thủy sản, một con số mơ ước đối với vùng đất khó canh tác như Sơn La.
Một trong những thế mạnh được Sơn La tận dụng rất tốt, đó là phát triển cây công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có hơn 60 nghìn ha cây công nghiệp là cao su, cà phê, chè, mía và hơn 18 nghìn ha cây ăn quả. Hàng năm, sản lượng đạt hơn 63 vạn tấn, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân.
Thu hoạch cà phê
Cái được lớn nhất của việc phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả là tạo ra các vùng SX tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nó mở ra hướng đi mới, tạo vùng nguyên liệu một cách chủ động cho chế biến và XK.
Để có được những kết quả trong nông nghiệp, không thể không nói đến việc ứng dụng KHCN vào lĩnh vực này. Chăn nuôi là một ví dụ. Ở Mộc Châu, hiện đàn bò sữa của huyện đã có tới 17,5 nghìn con với sản lượng sữa tươi đạt trên 65 nghìn tấn. Doanh thu từ bò sữa mang lại mỗi năm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng. Đây là một mô hình điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cao, từ phân định giới tính bò, SX thức ăn chăn nuôi, vùng nguyên liệu đến chế biến sữa.
Cũng tại Mộc Châu, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang SX các loại hoa cao cấp, mô hình SX mộc nhĩ, nấm XK từ lõi bắp ngô, nuôi cấy thành công Đông trùng hạ thảo... cho thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha đất canh tác. Ngoài ra, mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan bằng công nghệ Israel tại 3 xã của 2 huyện, TP gắn với xây dựng thương hiệu cà phê Arabica hữu cơ cũng cần phải được nhắc đến.
Hay tới đây, chúng tôi đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh của Cty TNHH MTV cá tầm Việt Nam. DN này đã thành lập tại Sơn La và xây dựng xong trung tâm giống, bắt đầu đưa vào SX đại trà từ đầu năm 2015. Hiện DN đang chuẩn bị đầu tư cơ sở chế biến để XK trứng cá tầm đen và thịt cá tầm.
Mô hình nuôi cá bè mang lại thu nhập cao
Một trong những rào cản cho nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư vào nông nghiệp là chính sách đất đai. Sơn La muốn lấy 2 lĩnh vực này làm thế mạnh, theo ông, cần phải làm thế nào?
Đúng là để DN đứng ra đàm phán và thuê lại đất của dân để tập trung phát triển, làm cánh đồng lớn, hay đầu tư công nghệ cao vào SX là rất khó. Việc này Nhà nước phải đứng ra, có thể làm trung gian hoặc thay mặt dân đàm phán với DN.
Thời gian tới, Sơn La sẽ thí điểm việc thuê lại đất của nông dân tại Mộc Châu. Trước mắt, tỉnh sẽ đứng ra thuê những diện tích đất canh tác kém hiệu quả của nông dân, thỏa thuận đền bù một cách thỏa đáng, sau đó giao cho DN với thời hạn khoảng 20 năm để đầu tư. Nông dân có thể trở thành những công nhân của các DN này. Như vậy, chúng ta được nhiều cái lợi: Nông dân được đền bù, vẫn có việc làm và thu nhập ổn định; DN thì có đất tập trung để đầu tư ổn định.
Nhân rộng các mô hình tỷ đồng/năm
Như ông đã nói, Sơn La đã xuất hiện những mô hình nông dân thu nhập cả tỷ đồng/năm nhờ phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong định hướng giai đoạn tới, tỉnh sẽ nhân rộng những mô hình này thế nào?
Phát triển các cây, con lợi thế của địa phương là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Ví dụ, đối với khu vực Sông Mã, hơn 6 nghìn ha nhãn truyền thống sẽ được tiến hành ghép mắt với nhãn cao sản. Năm nay, số diện tích nhãn được ghép đã cho hiệu quả rõ rệt. Có hộ gia đình thu cả tỷ đồng nhờ nhãn ghép.
Đối với những vùng đất dốc, chúng tôi thay thế diện tích ngô bằng cây ăn quả. Mỗi ha ngô cho thu nhập bình quân một năm chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng. Nhưng ở vùng Yên Châu, Mai Sơn, cũng ở diện tích như vậy, khi trồng xoài, táo..., nông dân thu nhập đến 400 - 500 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, như tôi nói ở trên, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp ngày càng phải được chú trọng, nhất là chăn nuôi và trồng trọt. Với Sơn La, trồng rừng cũng là lợi thế. Và, tỉnh chỉ đạo trồng rừng một cách thực chất, làm thế nào để thu nhập của người trồng rừng ngày một được nâng cao.
Thưa ông, Sơn La được coi là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc. Dù đã có những kết quả nhất định song còn nhiều khó khăn. Ông có trăn trở gì cho Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng?
Nhiệm kỳ qua chứng kiến những phát triển vượt bậc của Sơn La và cả vùng Tây Bắc, song, như tôi đã nói, khó khăn còn muôn vàn.
Trăn trở lớn nhất của tôi là hệ thống giao thông. Sơn La còn đến 39 xã trong tổng số 160 xã trên cả nước chưa có đường giao thông cứng hóa từ huyện đến trung tâm xã. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần tăng cường đầu tư, phải đầu tư hạ tầng giao thông thì mới mong kinh tế - xã hội phát triển.
Thứ hai là hệ thống thủy lợi. Thủy lợi kém phát triển, bất cập sẽ khiến bà con đồng bào dân tộc tiếp tục di cư không theo quy hoạch. Mà đã di cư không theo quy hoạch thì bà con sẽ lại tiếp tục phá rừng làm nương rẫy. Hôm trước họp Hội nghị của Chính phủ tôi đã đề nghị vấn đề này rồi. Hạ tầng luôn phải được đầu tư cho nhân dân. Nếu không có hệ thống thủy lợi đảm bảo, nếu không có công trình giao thông đến tận xã, tận bản, thì rất khó phát triển.
Trải thảm đón DN tiêu thụ nông sản
Thưa ông, một trong những bất lợi của Sơn La là xa các trung tâm thương mại, các TP lớn. Như vậy, khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản lượng nông sản sẽ tăng lên, nếu không kịp thời tiêu thụ sẽ gây khó khăn cho nông dân. Sơn La sẽ làm gì để giải quyết bài toán này?
Chúng tôi đã tính toán, phải bằng cách này hay cách khác để chào mời và thu hút DN đến với tỉnh. Những biện pháp “trải thảm đỏ” đã và đang được tỉnh thực hiện một cách quyết liệt.
Sắp tới đây, chúng tôi sẽ có hàng loạt cuộc làm việc với những DN lớn để thúc đẩy công tác thu hút đầu tư, tiêu thụ nông sản. Trước mắt, tỉnh sẽ có những cơ chế ưu đãi đặc thù.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
theo Nông nghiệp
Phân phối sản phẩm bã hèm bia 50% đạm, liên hệ Tell : 0946.705.238 nhận giá tốt nhất. Hoa hồng cao cho người giới thiệu. Ngoài ra : + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,... + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua.... |