Chế biến khô chiếm 80%
Lâm Đồng có diện tích cà phê đứng thứ 2 trong cả nước (hơn 150.000ha) với tổng sản lượng gần 400.000 tấn nhân/năm, trong đó, chiếm 88% diện tích các giống cà phê vối và cà phê mít, sản xuất tập trung ở các địa bàn huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; 12% diện tích còn lại trồng các giống cà phê arabica ở các địa bàn thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà... So sánh với sản lượng cà phê cả nước thì sản lượng cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng chiếm 28%, nhưng hiện chỉ có khoảng 16 doanh nghiệp và một số cơ sở quy mô hộ gia đình chế biến 280.000 tấn cà phê nhân mỗi năm. Trong đó có 9 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ chế biến ướt với tổng công suất khoảng 200.000 tấn cà phê tươi/năm (tương đương 40 - 50.000 tấn cà phê nhân/năm) và 7 doanh nghiệp chế biến khô với quy mô dây chuyền công nghiệp, đạt công suất 230.000 tấn cà phê nhân/năm.
Tính ra tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa nguyên liệu cà phê chế biến khô và cà phê ướt là 80 - 20. Do tỷ lệ chế biến khô nhiều gấp 4 lần chế biến ướt, nên sản phẩm cà phê nhân ở Lâm Đồng đạt chất lượng không cao, giá xuất khẩu thường thấp hơn mặt bằng giá của thế giới từ 120 - 140USD. Theo Sở Công thương Lâm Đồng, trong tỷ lệ 20% chế biến cà phê ướt thì chiếm khoảng 12% theo công nghệ ướt hoàn toàn, chủ yếu chế biến đối với nguyên liệu cà phê chè; 8% còn lại kết hợp chế biến ướt và khô. Đáng kể những doanh nghiệp chế biến cà phê đang hoạt động với quy mô lớn ở Lâm Đồng như: Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt, Công ty TNHH Hoàng Đạo, Công ty TNHH Olam Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng… Nhưng trên thực tế các công ty vẫn chưa phát huy hết công suất vì nguồn nguyên liệu còn bị động. Bên cạnh đó, Lâm Đồng có gần 30 doanh nghiệp và cơ sở chế biến cà phê bột, do gặp khó khăn về đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại, nên công suất đang còn hạn chế. Trong khi đó, hiện chưa có đơn vị nào chế biến cà phê đặc và cà phê hòa tan với quy mô lớn.
Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến cà phê
Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, các nhà máy sẽ đạt công suất chế biến 95% nguyên liệu cà phê trên địa bàn. Tỷ lệ cà phê chế biến khô giảm xuống còn 60%; cà phê chế biến ướt được tăng tỷ lệ lên 40%, trong đó bao gồm toàn bộ sản lượng cà phê chè và một phần cà phê vối sản xuất theo quy trình chất lượng cao. Sở Công thương Lâm Đồng đã định hướng chung là: “Việc phát triển công nghiệp chế biến cà phê phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ nghiên cứu giống cây trồng, thuốc trừ sâu, phân bón, dịch vụ thu mua, bảo quản, vận chuyển, cung cấp máy móc thiết bị phơi sấy cà phê, tư vấn xuất khẩu. Trước mắt tăng giá trị xuất khẩu bằng việc tạo ra thương hiệu và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành hàng cà phê trên thế giới; đa dạng hóa các sản phẩm cà phê chế biến sâu: cà phê rang xay, hòa tan, dạng lỏng, khử cafein, cà phê đặc biệt, cà phê hữu cơ, cà phê gourmet…”.
Đồng thời, Sở Công thương Lâm Đồng cũng đã thông qua ba giải pháp trọng tâm để phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao, tạo gắn kết lợi ích giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân sản xuất cà phê. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ, thiết bị xay xát, chế biến ướt, giảm dần tỷ lệ cà phê chế biến khô ở quy mô nông hộ như hiện tại chiếm khoảng 80%. Thứ ba, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy, nhằm cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%, phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia thường xuyên các kỳ hội chợ, triển lãm được tổ chức hàng năm tại các thị trường Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản…
Văn Việt (Báo Lâm Đồng)