Dựa vào dân
Thừa Thiên - Huế đã hướng quan niệm tài nguyên thủy sản từ sở hữu công cộng đến sở hữu của những người sử dụng (sở hữu quyền sử dụng). Nghĩa là ai sử dụng thì người đó chịu trách nhiệm quản lý trước tiên. Chính ngư dân sử dụng tài nguyên thủy sản chứ không phải Nhà nước, nên vai trò quản lý ngư trường, nguồn lợi, môi trường thủy sinh trước hết là của ngư dân. Ngư dân có trách nhiệm quản lý cùng Nhà nước; bởi, nếu tài nguyên không quản lý tốt, bị suy thoái thì cộng đồng ngư dân địa phương là người bị ảnh hưởng trực tiếp ngay đến đời sống vật chất và tinh thần.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phủ nhận vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, nhưng thay vì các hoạt động quản lý nhỏ lẻ, chi tiết... như thời bao cấp trước đây, Nhà nước hiện đại cần hướng dẫn, điều phối được ngư dân tham gia hệ thống quản lý của mình để thực hiện việc quản lý có hiệu lực và hiệu quả hơn. Điều này cũng phù hợp xu hướng cải cách hành chính Nhà nước, tinh giản bộ máy quản lý thủy sản, “quân cốt tinh chứ không cốt đa”, hướng đến nền quản lý tri thức.
Như vậy, vô hình trung đã chuyển mâu thuẫn Nhà nước - ngư dân, thành mâu thuẫn của đại đa số ngư dân sử dụng tài nguyên có trách nhiệm với một số thành phần bất hảo trong khai thác, sử dụng nguồn lợi và sử dụng khả năng chuyển tải môi trường của nuôi trồng. Lúc này, Nhà nước chỉ điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ các cộng đồng ngư dân tự quản lý nhau trong quan hệ sử dụng tài nguyên và ứng phó với một số phần tử xấu, gây hại cho cộng đồng. Nhà nước tập trung ở những vấn đề trọng tâm và cần thiết: đưa ra các chính sách, chiến lược, quy hoạch, thể chế... và tiến hành cưỡng chế những trường hợp hủy diệt tài nguyên, môi trường mà cộng đồng ngư dân không đủ khả năng trấn áp.
Tính hiệu quả
Triển vọng lớn của hệ thống quản lý nghề cá dựa vào dân nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý thủy sản đã là hiện thực. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, do cơ chế quản lý nhà nước về khía cạnh này còn mới mẻ, đòi hỏi nhiều tư duy và sáng tạo nhằm đạt tính hợp pháp, tính kế thừa truyền thống có chọn lọc và tính mới, tiếp cận các phương pháp quản lý thủy sản hiện đại, khoa học của các nước tiên tiến. Mặt khác, tuy có thể chế nhưng năng lực triển khai của cán bộ cơ sở thường còn nhiều hạn chế, đa phần tư duy mới chưa thật quán triệt. Đa số cán bộ quản lý thủy sản hiện nay vẫn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực con người và kinh phí của Nhà nước, thường xem nhẹ sức dân.
Vì vậy, cần phải quán triệt tư tưởng dựa vào dân đến từng cán bộ quản lý thủy sản, thông qua nghiên cứu áp dụng các phương pháp quản lý cụ thể, cho từng loại hình, từng vùng cụ thể... Áp dụng thành quả dựa vào dân đạt được ở đầm phá vào nghề cá nước ngọt, nghề cá nuôi trồng và nghề cá biển ven bờ đã được Chính phủ phân cấp cho Tỉnh quản lý, nhằm “Phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng ven bờ cho UBND cấp huyện, cấp xã; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ”. Thay đổi Luật Thủy sản theo hướng phân biệt nghề cá biển ven bờ, nuôi trồng quy mô nhỏ, làm sinh kế... với nghề cá xa bờ, nuôi công nghiệp, để áp dụng thuận lợi đồng quản lý thủy sản quy mô nhỏ. Pháp điển hóa thuật ngữ: quản lý thủy sản/nghề cá dựa vào dân, quản lý nghề cá dựa vào đồng, đồng quản lý nghề cá... để có thể có cách hiểu và sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc.