Thông tin thị trường

Thu tiền tỉ trên vùng đất chết

Thứ hai, 07/12/2015 08:29 lượt xem: 515

Hàng chục hộ dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương làm giàu nhờ trồng cam sành. Trong đó phải nhắc đến ông Tư Có - người được mệnh danh là “vua cam” của vùng

 

Chiến khu Đ nằm trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương một thời được mệnh danh là vùng đất chết. Hòa bình lập lại, vùng đất này đã thay da đổi thịt, Tỉnh lộ được trải nhựa thẳng tắp, điện - đường - trường - trạm đầy đủ, nhà nhà có của ăn của để, có người sắm được ô tô nhờ canh tác hiệu quả loại cây có múi, đặc biệt là cam sành.

 

Chinh phục đất đồi

 

Đưa chúng tôi tận mắt nhìn những đồi cam bạt ngàn đang cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, hồ hởi: “Hiện toàn xã có gần 1.000 ha trồng cây ăn trái có múi (cam, quýt, chanh không hạt…), trong đó hơn 100 hộ tham gia canh tác cam sành. Một trong những người được xem là “vua cam” ở đất Bắc Tân Uyên là ông Tư Có (Trần Thanh Có), Chủ nhiệm hợp tác xã Nhân Đức”.

Bon bon trên con đường nhựa thẳng tắp đến địa bàn xã Hiếu Liêm, chúng tôi như lạc vào “rừng cam” bạt ngàn với những đồi cây trĩu quả nằm dọc 2 bên đường. Người dân địa phương coi ông Tư Có là “vua cam” vì ông giúp họ rất nhiều về kỹ thuật chọn giống, xử lý đất đồi thành vườn trồng cam, nhất là kỹ thuật buộc cam sành “đẻ” trái nghịch vụ để bán được giá cao.

 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam “kỹ thuật cao” của hợp tác xã Nhân Đức, ông Tư Có cho biết gia đình ông lên định cư ở đất Hiếu Liêm từ những năm 80 thế kỷ trước. Năm 2003, ông có khoảng 7 ha đất trồng cam sành, sau 3 năm vườn cây cho thu hoạch, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 3 tỉ đồng. Từ đó, mô hình trồng cây cam sành được mở rộng cho người dân trong vùng và hợp tác xã Nhân Đức ra đời.

 

“Cam sành không phải loại cây dễ trồng. Thời điểm đó, trong khi những “kiện tướng” trồng cam sành ở miền Tây điêu đứng vì bệnh vàng lá, giá cả bấp bênh thì tôi lại ngược về Bến Tre mua giống trồng cam. Nhiều người bảo tôi bị bệnh nặng, thần kinh có vấn đề nhưng tôi nghĩ rằng phải sống chung với cái khó mới có cơ hội làm giàu” - ông Tư Có chia sẻ.

 

Nghĩ là làm, ông Tư Có bắt tay vào cải tạo vườn tạp, tiến hành lên liếp trồng cam. Nhờ canh tác trên đất đồi mới nên cây cam phát triển nhanh nhưng lại mắc bệnh lạ là cây đang xanh tốt bỗng dưng vàng lá rồi chết đột ngột, không hiểu nguyên do. Ông mày mò thử nghiệm các loại thuốc trị bệnh và ghi chép kỹ càng. Thậm chí, ông đào cả gốc cây lên xem rễ thế nào. Cuối cùng, Tư Có đã cứu được vườn cam của mình. Nhờ tích lũy kinh nghiệm từ những lần thất bại mà ông ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có chi phí cũng thấp hơn người khác rất nhiều.

 

Ép cam “đẻ” trái nghịch vụ

 

Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng cam sành của ông Tư Có và hợp tác xã Nhân Đức lan xa. Cách đây vài năm, nhiều người ở các tỉnh miền Tây đến thuê đất trồng cam nhưng đều thất bại vì chưa nắm rõ thổ nhưỡng Tân Uyên và nguồn nước ở đây. “Canh tác cây cam sành mà sử dụng nước giếng là không hiệu quả. Tôi đã đầu tư hàng tỉ đồng làm hệ thống bơm dẫn nước sông về hồ chứa tự tràn và đặt 2 máy bơm có công suất 100 mã lực để bơm thẳng ra vườn theo công nghệ nước tưới nhỏ giọt thay vì tưới phun sương. Công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm100% chi phí nhân công lao động, khâu bón phân và đặc biệt là người lao động giảm tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu độc hại” - ông Tư Có phân tích.

Nghề trồng cam sành giúp người dân thu lãi vài trăm triệu đồng/ha là chuyện thường nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, với mỗi ha đất trồng cam nghịch vụ, người dân thu lời bạc tỉ.

 

“Hiếu Liêm được trời ban cho đất đồi dốc không cao lắm nhưng chất dinh dưỡng rất dồi dào, cây cam lại cần nước, vì thế tôi đưa hẳn nước tưới về từng cây nên muốn xử lý cho cây ra trái bất kỳ tháng nào trong năm theo ý mình đều được. Trong tay tôi lúc nào cũng có cuốn nhật ký đầu vụ nên nắm rõ từng đặc tính của cây để theo dõi, nhờ đó vườn cam cho năng suất rất cao, có thời điểm lên tới 70 tấn/ha” - ông Tư Có nói.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, người trồng cam nghịch vụ thu nhập 1 tỉ đồng/ha/năm, cả xã có tới hơn 20 hộ. Cam mùa thuận giá bán 4.000 - 5.000 đồng/kg, với năng suất bình quân 50-70 tấn, nhà vườn thu hơn 100 triệu đồng/ha, vẫn cao hơn trồng lúa hoặc nhiều cây trồng khác. Hiện tại, các nhà vườn ở Hiếu Liêm bán mỗi kg cam giá từ 17.000 - 25.000 đồng, ra giêng vào mùa nắng, giá cam tăng lên 25.000 - 35.000 đồng/kg, có khi còn cao hơn nên người dân thu về tiền tỉ không có gì lạ.

 

Hiện hợp tác xã Nhân Đức có 73 ha trồng cam sành kết hợp nuôi gà công nghệ cao. Năm 2015, đã có 17 ha cho thu hoạch rộ, dự kiến năm 2016, diện tích cam sành vào vụ thu hoạch sẽ lên đến 34 ha với giá bán nghịch vụ bình quân 30.000 đồng/kg, cuối năm hợp tác xã thu lãi không dưới 20 tỉ đồng. Hợp tác xã giải quyết lao động thường xuyên cho hơn 60 công nhân với mức lương từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 

Xây dựng thương hiệu cam sành Tân Uyên

Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đang xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái có múi theo tiêu chuẩn VietGAP trên vùng đất Bắc Tân Uyên với tổng diện tích 15 ha (cam, quýt, bưởi và chanh không hạt). Chi cục sẽ hỗ trợ đầu tư cây giống, phân bón và hướng dẫn bà con trồng theo quy trình chuẩn để có sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời đi đến xây dựng thương hiệu cây cam sành Tân Uyên trong những năm tới.

 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện