Năm 2014, VRG xây dựng giá thành 40 triệu đồng/tấn mủ
Trong năm 2013, nhìn chung tình hình XK cao su thiên nhiên vẫn trong tình trạng “ảm đạm”, giá mủ sụt khoảng 15% so với năm 2012, chỉ còn 50 triệu đồng/tấn, dự đoán năm 2014, cũng sẽ tiếp tục gặp khó do cung đã vượt cầu...
Theo ước tính của của ngành cao su VN, năm 2013, cả nước vẫn XK cao su đạt 1 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng nhưng giảm khoảng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, giá cao su XK từ đầu năm đến nay tiếp tục giảm sâu và chỉ đạt xấp xỉ 2.400 USD/tấn (48 - 50 triệu đồng/tấn).
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường NK cao su thiên nhiên lớn nhất, đạt trên 400 ngàn tấn với trị giá khoảng 280 triệu USD chiếm khoảng 50% thị phần, giảm 21% về lượng và giảm 16% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Malaysia là thị trường lớn thứ hai với sản lượng đạt 33 ngàn tấn (17,8% thị phần) và 100 triệu USD, tăng 14 % so với cùng kỳ năm trước.
Giá cao su khó tăng do nguồn cung tăng trong khi cầu sụt giảm
Ngược lại, lượng cao su thiên nhiên xuất sang một số thị trường như Đức, Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển đều tăng. Cụ thể, XK sang Đức tăng 33% về lượng và 13,2% về giá trị; Mỹ tăng 50% về lượng và 26,7% về giá trị; Anh tăng 85 % về lượng và 55,5 % về giá trị; Thụy Điển tăng 75% về lượng và 51% về giá trị. Nhờ có hợp đồng dài hạn nên một số công ty cao su có sản lượng lớn ở miền Đông như Phú Riềng, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Lộc Ninh… tiêu thụ khá tốt và ổn định.
Trái lại, đối với các nhà vườn cao su tiểu điền thì lâm vào tình thế lao đao do năng suất đã thấp, giá mủ lại giảm sâu (giá bán hiện tại chỉ đạt 12 - 13 ngàn/kg mủ nước - PV), nhưng tiền nhân công không thể hạ.
Ở khu vực Đông Nam bộ, năng suất vườn cây đạt mức trung bình từ 1,5 đến 1,6 tấn/ha và hàm lượng mủ cao, nên người trồng cao su còn "đeo bám", còn tại khu vực Tây Nguyên, giá mủ cao su sơ chế hiện chỉ còn 41 - 42 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, ở khu vực này năng suất vườn cây thấp, hàm lượng mủ không cao nên đã có nhiều nhà vườn "đóng cửa"!
Nguyên nhân chính làm giá cao su giảm sâu trong năm 2013 là nguồn cung cao su thiên nhiên đã vượt cầu, bên cạnh đó khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài làm suy yếu nền kinh tế của khu vực này, dẫn tới thu hẹp mức tiêu thụ cao su của ngành SX lốp xe và một số ngành công nghiệp khác.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chậm tại ở những nước tiêu thụ nhiều cao su như Trung Quốc, Ấn Độ cũng làm nhu cầu “yếu” hơn. Đặc biệt, giá dầu thô bấp bênh trong năm qua cũng làm giá cao su thiên nhiên khó tăng trưởng vì sự cạnh tranh của cao su tổng hợp (là sản phẩm từ dầu thô và có thể thay thế cao su thiên nhiên - PV).
Trong năm 2014, theo nhận định của TGĐ Tập đoàn CNCS VN (VRG) Trần Ngọc Thuận, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn chưa thể tăng trưởng đột biến do khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong khi nguồn cung cao su ngày lại tăng cao, vì vậy giá cao su sẽ khó có khả năng tăng. Vì thế, theo chỉ đạo của VRG, các công ty cao su xây dựng kế hoạch năm 2014 dựa vào giá bán mủ cao su dự kiến là 50 triệu đồng/tấn, trên cơ sở giá bán đó mà tính toán giá thành SX hợp lý với mức bình quân 40 triệu đồng/tấn mủ khô.
Đặc biệt, VRG chú ý đến các vùng Tây Nguyên và miền Trung. Bởi khu vực này từ trước đến nay vẫn luôn bế tắc thị trường mới, vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường mậu biên của Trung Quốc, hoặc chủ yếu tiêu thụ nội địa và ủy thác XK cho VRG. Trong khi đó, giá cao su trên thị trường mậu biên Móng Cái, Lào Cai không ổn định và liên tục giảm, dẫn đến giá cao su SVR 3L tại Móng Cái và Lào Cai thường thấp hơn giá sàn tại kho khoảng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tấn, chưa kể chi phí vận chuyển ra Móng Cái, Lào Cai.