Ngành thủy sản Việt Nam cần nhiều sự hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: I.T
Đầu tư tài chính cho thủy sản còn nhiều rủi ro
Trong báo cáo mới đây về thách thức và cơ hội đầu tư tài chính cho thủy sản, ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, việc chuyển đổi từ trồng trọt sang thủy sản do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL có thể mở ra nhiều cơ hội. Đồng thời, khả năng phục hồi của nông dân và doanh nghiệp thủy sản chuyển biến tốt nên nhu cầu vốn sẽ rất cao. Nhưng các nguồn đầu tư hiện tại đều hạn chế.
Mức đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư khoảng 480.000 tỷ đồng của ngành nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Các điều kiện tiếp cận vốn ODA cũng không còn nhiều. Các doanh nghiệp FDI thì ngần ngại vấn đề quy hoạch, các chính sách tích tụ đất đai.
Nguồn còn lại là tín dụng ngân hàng. Năm 2015, dư nợ cho vay đối với ngành thủy sản tăng lên 25,1%. Nhưng vốn từ các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 60.000 – 88.000 tỷ đồng trong tổng số gần 6 triệu tỷ đồng cho toàn ngành kinh tế.
Trong quá trình tiếp cận tài chính, ông Hòe cho biết, người nuôi trồng gặp nhiều bất lợi nhất vì sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Một chính sách ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp Agribank quy định: Doanh nghiệp/hộ nào làm 3 khâu trong chuỗi trở lên sẽ được giảm 100% lãi suất. Nhưng những doanh nghiệp hay trang trại làm được như thế vô cùng hiếm.
Từ những thách thức này, ông Hòe khuyến cáo các bên liên quan phải cùng nhau tổ chức mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, để người nông dân gắn kết lại với doanh nghiệp. Chỉ cho vay qua một đầu mối ứng vốn cho nông dân sẽ tốt hơn.
Nên giữ hay bỏ vai trò của thương lái?
Đồng tình các quan điểm nêu trên, TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho rằng, mô hình kinh tế hộ gia đình từ 30 năm trước đã lỗi thời. Phần lớn hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành đối tác với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nông hộ vẫn tự canh tác theo khả năng của mình. Liên kết trong chuỗi chưa đủ mạnh để lôi kéo các thành phần đi theo. Nhóm thu mua, chủ vựa thường chi phối giá cả, thậm chí làm suy giảm chất lượng sản phẩm. Nay nông dân “lật kèo”, mai doanh nghiệp ép giá; mỗi đối tượng theo đuổi mục đích riêng.
Từ đó, ICAFIS đề xuất một cơ cấu chuỗi mới và cơ chế phối hợp giữa các thành viên. Theo đó, các tổ chức khoa học, tư vấn; tổ chức tài chính tham gia như thành viên và có lợi ích trong chuỗi. Chính sách đầu tư cũng phải theo kịp thực tiễn. Theo ông Lựu, điểm mới của mô hình là nhóm sản xuất ra hàng hóa sẽ hoạt động theo tính chất doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân vay vốn. Các tổ chức tài chính sẽ tham gia trực tiếp vào các khâu với tư cách cung cấp tín dụng để hưởng lợi và giám sát để giảm thiểu rủi ro. “Các đầu nậu, chủ vựa trong chuỗi truyền thống sẽ mất đi vì giao dịch kinh tế giữa các đối tác là trực tiếp, giảm trung gian sẽ giảm giá thành” - ông Lựu phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - nông dân nuôi tôm ở Bến Tre lại khẳng định vai trò hỗ trợ của đầu nậu, chủ vựa đã kết thúc từ 5 – 7 năm về trước. Hiện nông dân chỉ muốn liên kết trực tiếp với công ty, không phải qua nhiều giai đoạn.
Thừa nhận việc thực hiện chuỗi sẽ còn nhiều khó khăn nhưng để nâng cao hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản, TS Lê Thanh Lựu đề nghị Bộ NNPTNT, ngân hàng ủng hộ với đề xuất xây dựng mô hình vay vốn theo chuỗi để cách tân sản xuất.
Phải công nhận vai trò của lực lượng chủ vựa, đầu nậu vì sống gần nông hộ, có điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, có tiềm lực mạnh để ứng vốn cho nông dân sản xuất. Vấn đề chất lượng là do nhà máy không quản lý được khâu thu mua”.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú
Nguyên Vỹ
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412