Đầu năm 2015, chúng tôi có dịp lên thăm mô hình nuôi cá tầm của Trạm Khuyến nông Sơn Tây triển khai thí điểm tại Tập đoàn 10, xã Sơn Bua. Đón chúng tôi tại khu hồ nuôi trồng thử nghiệm, anh Ngô Hữu Phong, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nuôi cá tầm cho biết: Năm mới được nhà báo và lãnh đạo huyện tham quan, chắc mô hình này gặp nhiều thuận lợi... Nói rồi, anh Phong đưa chúng tôi ra tham quan khu hồ nuôi cá tầm. Khác với các mô hình nuôi thủy sản truyền thống, mô hình được xây dựng khá quy củ gồm 2 hồ cá được lót bạt chống thấm, trung bình mỗi hồ rộng 100 m2.
Trong khu hồ nuôi, thả 500 con cá tầm giống, trọng lượng từ 50 - 70 g/con, do Công ty liên doanh Việt-Nga có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 700 g/con. Cá biệt có con nặng tới 1 kg. “Với tốc độ tăng trưởng đều như hiện nay, dự tính sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trên dưới 3 kg sẽ xuất bán. Theo giá thị trường hiện nay từ 280.000 - 350.000 đồng/kg. Điều này mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của huyện”, anh Phong cho biết.
Thấy cá tầm sinh trưởng nhanh, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để phấn khởi, nói: Khí hậu, nguồn nước ở vùng núi Nước Tua này tương đồng với nguồn nước, khí hậu vùng núi huyện KonPlong (Kon Tum) nơi nuôi loại cá tầm này sinh trưởng rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tế này, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông khảo sát và thấy khu vực núi Nước Tua này là phù hợp nên huyện đồng ý cho trạm xây dựng thí điểm 2 hồ nuôi cá tầm theo đúng yêu cầu về kỹ thuật và thả nuôi cá. Đến nay, mô hình này đã thành công bước đầu...
Anh Phong cho biết thêm, cá tầm là giống cá xứ lạnh, nhiệt độ nước thích hợp nhất từ 18 - 23 độ C. Khu vực huyện chọn nuôi cá tầm nhiệt độ nước cao nhất vào mùa hè cũng không quá 28 độ C. Với điều kiện khí hậu như thế bảo đảm cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt. Việc nuôi thủy sản mới này cũng khá vất vả, đặc biệt là đối với loài cá tầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao, phải cho cá ăn đúng giờ, hằng ngày đo nhiệt độ nước, độ pH.
Hằng tháng phải cân tính tăng trọng và phân loại cá theo trọng lượng để chăm sóc riêng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng anh em ở trạm nỗ lực tìm tòi, học hỏi trong sách báo, tham quan các mô hình nuôi cá tầm ở nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi cá. Những hôm trời lạnh, anh em phải lội xuống hồ theo dõi xem cá có bị chấm đỏ không, nếu bị thì cách ly, chữa trị, tránh lây lan sang con khác... Qua hơn hai tháng nuôi thử nghiệm, cá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường vùng núi Sơn Bua. Điều này cho thấy việc nuôi cá tầm trên vùng núi Sơn Bua rất có triển vọng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, cá tầm được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với huyện Sơn Tây thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại xã Sơn Bua. Từ những tín hiệu bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng mới cho nuôi trồng thủy sản ở Sơn Tây. Sắp tới, huyện mở rộng thêm 2 hồ nữa để có hồ ươm cá, hồ vỗ béo,... Nếu mô hình này được nhân rộng và phát triển sẽ cung cấp một lượng lớn cá tầm sạch mang thương hiệu Sơn Bua cho thị trường trong và ngoài huyện. “Quan điểm của huyện là xây dựng mô hình nuôi cá tầm theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Mô hình thành công, huyện sẽ mở rộng quy mô bằng việc phối hợp với các công ty để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”, ông Tùng khẳng định.