Thông tin thị trường

Phát triển vùng nuôi nghêu, sò gắn với dân sinh, môi trường

Thứ hai, 09/04/2018 08:59 lượt xem: 806

 

Phát triển vùng nuôi nghêu, sò gắn với dân sinh, môi trường

Nếu được quy hoạch chi tiết và đầu tư phù hợp, người dân tham gia khai thác bãi nghêu sẽ đảm bảo sinh kế lâu dài.​

Thực trạng nuôi nghêu, sò ở Cà Mau lỏng lẻo về công tác quản lý và bất cập về một số vùng nuôi tự phát. Ngay sau khi thực hiện loạt bài viết, phóng viên Báo Cà Mau nhận được thông tin đóng góp nhằm làm kênh phản hồi đối với các vấn đề an sinh xã hội và đảm bảo môi trường nuôi trong các đề án, quy hoạch sản xuất.

Cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm trên nhuyễn thể

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II.

Theo ông Tuấn, bãi nghêu khi hình thành cần phải hội tụ đủ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Ở nước ta, nghêu phân bố rộng khắp ở các vùng biển, bãi bồi, đặc biệt ở ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau vì nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào.

Đã qua, việc nuôi và ươm nghêu, cho nghêu sinh sản thành công đã đẩy mạnh diện tích nuôi, quy mô và vùng nuôi.

Nếu được quy hoạch chi tiết và đầu tư phù hợp, người dân tham gia khai thác bãi nghêu sẽ đảm bảo sinh kế lâu dài.

Cũng như các vùng khác, bãi nghêu ở Cà Mau hình thành trên cơ sở các yếu tố thuận lợi của điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết và dòng thuỷ lưu. Từ việc thành công của nuôi nghêu, sò, bà con đã mạnh dạn mở rộng mô hình ươm, nuôi không theo quy hoạch.

Nói về vấn đề này, trước hết cần quan tâm đến mục đích của người dân. Đó là họ làm để phục vụ nhu cầu đời sống của họ. Họ có công việc làm và thu nhập, vì thế buộc họ phải làm. Cần phải công nhận rằng, người dân rất hay trong việc đã tìm ra phương pháp đảm bảo ươm nghêu giống và nuôi nghêu thịt sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, quá trình vận hành các mô hình nuôi này, người dân tiến hành đăng, ví lưới mành quanh khu vực ven sông, ven biển đã làm ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy, thuỷ triều, hạn chế việc đi lại của giao thông đường thuỷ, tạo sự bồi lắng làm sông mau cạn.

Ngoài ra, việc nuôi tôm quanh các vùng nuôi nhuyễn thể tự phát cũng bị ảnh hưởng từ các nguồn nước kém lưu thông, thời gian lấy nước và xả nước kéo dài.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, con nghêu và các loài nhuyễn thể nói chung là vật chủ của một số loại bệnh gây lây nhiễm cho tôm như ký sinh trùng và vi khuẩn đường ruột trên tôm nuôi.

Khi bãi nghêu, bãi nhuyễn thể đủ lớn sẽ có tình trạng giảm bớt phù sa trong nước do tập tính lọc của nhuyễn thể. Như thế sẽ làm ảnh hưởng lớn đến phù sa, phù du theo nước để nuôi loài khác. Do đó, rất cần thiết nghiên cứu về chính sách hài hoà giữa quy hoạch nuôi và đảm bảo đời sống, việc làm, nhu cầu của Nhân dân khu vực.

Đưa dân nghèo vào khai thác HTX nghêu và vùng thực nghiệm nuôi sò huyết

Đó là trăn trở của Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện và Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực thực nghiệm nuôi sò huyết 400 ha sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng.

Theo phương án mới này, vườn sẽ giao cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp chừa lại khoảng 30% diện tích cho người dân. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, mành… cho hộ dân, các hộ dân này sẽ cùng quản lý khai thác với doanh nghiệp theo hình thức ăn chia 30, 70% lợi nhuận. Phần diện tích đất còn lại, vườn sẽ có phương án giao cho UBND 3 xã: Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân; Lâm Hải, huyện Năm Căn và Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển lựa chọn người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia khai thác.

Ông Võ Công Trường cho hay, năm nay HTX nuôi nghêu Đất Mũi sẽ có phương án dành 74 ha trong phần điện tích của HTX để những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vào khai thác, nuôi nghêu. Hiện Đất Mũi có 7% hộ nghèo và cận  nghèo. Nếu phương án này thực hiện thì người dân cũng như chính quyền các cấp sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để giảm khó khăn trong bài toán giảm nghèo bền vững và an cư cho vùng di dân tự do.

Ông Trần Minh Huyện đề xuất, sau rà soát lại tình hình nuôi nghêu, sò của người dân do tự phát, tỉnh cần có phương án quy hoạch chi tiết, cụ thể từng vùng nuôi, loài nuôi hoặc có kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ví như cho phép nuôi sò huyết vùng nào, ở địa bàn nào của huyện và ngược lại để công tác quản lý được đảm bảo.

Tuy nhiên, điều ông Huyện quan tâm nhất vẫn là liệu cách sinh kế đảm bảo cho cư dân ở đầm Thị Tường? Ông trăn trở: “Quy hoạch đầm Thị Tường có nhiều giải pháp, nhưng căn cơ nhất là chưa thể di dời dân ra khỏi đầm mà cần sắp xếp lại dân cư. Đối với những hộ sống trên đầm, phải có hướng chuyển lên bờ gắn với khai thác và bảo tồn nguồn lợi của đầm như đề án. Đồng thời, làm như thế sẽ gắn trách nhiệm và quyền lợi của họ, công tác quản lý và vận động người dân thực hiện các chủ trương, đề án sẽ thuận lợi hơn”.

Phong Phú 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện