Nhận diện cơ hội
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại nhưng không phải là thành viên TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, cao su, hạt điều, tiêu…
Hiện nay, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chiếm 39%, Nhật Bản chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 19%, Nhật Bản 16%.
Khi TPP có hiệu lực, tỷ lệ này sẽ cao hơn nếu Việt Nam tranh thủ được những thị trường này để có thể nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore.
Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại thiếu bền vững. Do đó, mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu, tránh việc xuất khẩu dồn vào một thị trường truyền thống, giảm dần tình trạng được mùa, mất giá.
Một số chuyên gia cho rằng, khi có lợi thế hơn về thương mại hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu thấp, cùng với những thuận lợi về địa lý tiếp giáp với đường hàng hải quan trọng đi qua biển Đông, xuất khẩu nông sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai.
“Nhiều nhà đầu tư tài chính, nhiều công ty nước ngoài đang xem Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải điều tiết, hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực có hiệu quả nhất cho sự phát triển, nâng tầm năng suất và chất lượng nông sản,” phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
“Tham gia TPP, cơ hội phát triển nhanh trong nông nghiệp là rất lớn và khá toàn diện. Đối với Việt Nam, TPP được coi là đòn bẩy kinh tế để tìm tòi, áp dụng những giải pháp phát triển đột phá. Nông nghiệp cần nắm bắt nhanh, thích ứng kịp thời để biến cơ hội TPP thành hiệu quả thiết thực. Với truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo và kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, nông nghiệp đã thực sự là ngành kinh tế mở, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích từ TPP,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin tưởng.
Những thách thức lớn
Bên cạnh những cơ hội “vàng,” Hiệp định TPP cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong nhiều năm qua, song trình độ sản xuất và kỹ năng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau so với 11 nước còn lại.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam lại đến từ cơ hội giảm thuế quan khi TPP có hiệu lực. Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố một số dòng thuế được miễn thuế ngay khi TPP có hiệu lực; trong đó, có nhiều sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng là đầu vào của ngành như động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, cao su và sản phẩm cao su, thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ…
Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam ngày càng lớn, do giá cả cạnh tranh hơn, chất lượng đạt chuẩn hơn và bao bì, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Khi đó, các quy trình công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các công ty cung cấp giống, vật tư, thức ăn, phân bón… từ nước ngoài, nếu các doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng đầu tư, thích ứng kịp thời với những yêu cầu, đòi hỏi của thị trường quốc tế.
Theo giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Australia), khi tham gia vào TPP, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ không bị áp thuế, song hầu hết các thành viên tham gia Hiệp định này cũng là những nước có nhiều thế mạnh về nông nghiệp. Thậm chí, chất lượng nông sản của Việt Nam còn khá thấp so với nhiều nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… và có thể bị lấn át ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất, vận chuyển, thông quan… của nông sản Việt Nam khá cao. Điều này khiến cho nông sản của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như thế giới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Mặt khác, khi TPP có hiệu lực, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong TPP cũng là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hàng nông sản của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới do vướng phải hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ.
“Ngay tại thị trường trong nước, khi thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng tăng lên, việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe sẽ được quan tâm hơn. Nếu không chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nông sản Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường nội địa khi Việt Nam đã cam kết bãi bỏ thuế suất đối với nông sản nhập từ các nước thành viên TPP hay từ các nước ASEAN,”Thứ trưởng Hà Công Tuấn cảnh báo.
Ngoài những thách thức trên, hầu hết các ngành hàng nông nghiệp đang phải đối mặt với những bất cập, tồn tại trong nội tại, có thể khiến nông nghiệp Việt Nam khó tiếp cận với cơ hội này, nếu không có các biện pháp thay đổi, thích ứng kịp thời./.
Công ty Thiên Khôn phú chúng tôi chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như:bã hèm bia,bột xương thịt,bã nành,bột cá,cám dừa,cám bắp,bã đậu phộng, bột đầu tôm, bột lông vũ,...
Quý khách nào có nhu cầu sử dụng hoặc cần biết thêm thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ 0946.888.249 gặp Thảo