Thông tin thị trường

Nông nghiệp Việt đón sóng TPP Bài 4: Thủy sản lo ngay từ 'gốc'

Thứ sáu, 20/11/2015 13:49 lượt xem: 553

Cùng với hàng nông sản, thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp được đánh giá sẽ được hưởng lợi khi TPP có hiệu lực. 

Tuy nhiên, quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành này.

 

Mừng ít, lo nhiều

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cả 11 nước nước thành viên tham gia TPP, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, New Zealand, Chile, Peru và Brunei hiện đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam.

 

Trong 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 5,45 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu thủy sản vào nội khối TPP đã gần 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 45% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu. 

 

Theo đúng lộ trình của TPP, mới đây Nhật Bản đã bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ và cá hồi và mở cửa cho các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này.

 

Ở khía cạnh nhập khẩu nguyên liệu, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang dần cạn kiệt, thuế nhập khẩu giảm cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam khi nhập khẩu từ các nước lớn như Malaysia, Mexico, Peru…

 

Điều này cho thấy, thủy sản là một trong những ngành hàng sẽ có nhiều thuận lợi khi TPP có hiệu lực.

 

Theo đánh giá của VASEP, so với các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản như Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Phillippines, Indonesia, Argentina thì Việt Nam đều có lợi thế cạnh tranh hơn khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, ngành thủy sản có tận dụng được lợi thế này hay không lại là một vấn đề khác.

 

Trên thực tế, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế suất thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ giảm khá thấp, thậm chí đang bằng 0%. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này vẫn gặp nhiều khó khăn. 

 

Mặc dù Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số những nhà cung cấp tôm và là nhà cung cấp tôm thịt đông lạnh lớn nhất, nhưng Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt với Indonesia và Ấn Độ, do Indonesia không phải chịu thuế chống bán phá giá tôm.

 

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), nhiều năm nay, Hoa Kỳ liên tiếp áp thuế chống phá giá đối với tôm và cá tra của Việt Nam. 

 

Do đó, ngay cả khi TPP có hiệu lực, nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp thuế chống phá giá, tình hình cũng không thay đổi là bao. 

 

Trong trường hợp không áp thuế chống phá giá, thị trường này lại đòi hỏi chặt chẽ về xuất xứ của mặt hàng. Đây chính là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt đang rất lo ngại.

 

Giám sát vùng nuôi bằng… Google

 

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã phải nhập khẩu một lượng lớn tôm nguyên liệu từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… để phục vụ chế biến, xuất khẩu. 

 

Trong khi đó, những nước này hiện nay chưa phải là thành viên TPP, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc của nguyên liệu.

 

Lấy ví dụ từ con tôm, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sạch Việt Nam cho biết, việc nhập khẩu nguyên liệu chỉ nên thực hiện vào một thời điểm nhất định, khi thị trường giá nguyên liệu xuống quá thấp, các nhà cung cấp tôm Ấn Độ bán giá quá rẻ. 

 

Về lâu dài, nhập khẩu nguyên liệu không đem lại lợi ích cho thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp. Vì khi nhập khẩu, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng gấp 2 lần, không kiểm soát được độ an toàn thực phẩm, vi phạm các cam kết với khách hàng về chất lượng. 

 

Quan trọng hơn, khi gia nhập TPP, nếu giấy chứng nhận hàng hóa làm sai, doanh nghiệp sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế quan.

 

Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, hiện nay, một số mặt hàng thủy sản Việt Nam đã thâm nhập vào các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ với sản lượng đứng vị trí cao trong các nguồn nhập vào các nước đó.

 

Khuynh hướng của thị trường này là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và các yếu tố liên quan. 

 

Do đó, điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam phải có hệ thống kiểm soát tốt từ khâu nuôi trồng, khai thác cho đến chế biến, phân phối.

 

Điển hình như mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Australia tại Bạc Liêu, với mỗi năm nuôi được 3 vụ, tổng năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha/năm.

 

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt-Úc cho rằng, mặc dù xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển ngành này.

 

Việc tạo thương hiệu sản xuất tôm sạch, truy xuất được nguồn gốc và sản xuất với sản lượng lớn và ổn định; đồng thời, không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, có thể tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản... sẽ đảm bảo đầu ra cho tôm Việt Nam.

 

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú cũng đã xây dựng mô hình liên kết với các hộ nuôi, đồng thời áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho con tôm. 

 

Theo đó, các thông tin về nguồn và lượng đầu vào của lô hàng; ngày tháng năm bắt đầu và kết thúc sản xuất lô hàng, địa điểm sản xuất, hệ thống quản lý áp dụng trong quá trình sản xuất, chứng chỉ, chứng nhận của bên thứ ba liên quan đến lô hàng... sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

 

Mới đây, Tổng cục Thủy sản đang thực hiện Dự án “Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" (MESMARD-2) xây dựng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc cá tra xuất khẩu. 

 

Dữ liệu này sẽ được đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, sẵn sàng cho việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan, phục vụ kịp thời việc hoạch định chính sách, điều tiết cung cầu trong sản xuất cá tra.

 

Đáng chú ý, MESMARD-2 sẽ hợp tác với Google đưa bản đồ từng ao nuôi với đầy đủ thông tin lên Internet giúp doanh nghiệp quan tâm có thể quan sát, từ đó, góp phần quản lý nghiêm ngặt chất lượng, thương hiệu cá tra Việt Nam./.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện