Bộ trưởng Cao Đức Phát: Năm 2015, mặc dù kim ngạch XK nông lâm thủy sản dự kiến sẽ thấp hơn năm 2014, tuy nhiên cơ bản vẫn sẽ đạt trên 30 tỉ USD. Đây là con số bất ngờ, phải rất nỗ lực mới đạt được
Ngày 24/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2015. Năm 2015, công tác vệ sinh ATTP được Bộ NN-PTNT đặt trọng tâm hành động, đi đôi với việc tiếp tục đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban..
Trồng trọt, thủy sản khó khăn
So với nhiều năm trước, năm 2015 tình hình các dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được khống chế, mưa bão không có nhiều phức tạp so với trung bình nhiều năm.
Mặc dù vậy, tình hình hạn hán ở miền Trung, nắng nóng lịch sử trên cả nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, một số đợt mưa bất thường tại phía Bắc… cũng đã gây không ít khó khăn, thiệt hại cho SX, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực trồng trọt, thủy sản. Trồng trọt và thủy sản cũng là hai lĩnh vực chịu nhiều áp lực do khó khăn về tình hình XK, khiến tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng.
Năm 2015, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo rà soát cơ cấu cây trồng chủ lực và xây dựng các phương án chuyển đổi phù hợp với lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường.
Tính đến tháng 10/2015, các địa phương đã chuyển đổi được trên 140 nghìn ha lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như ngô, hoa màu và cây thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (đạt 54% mục tiêu chuyển đổi 260 nghìn ha tới năm 2020)....
Đối với cây công nghiệp, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải tạo vườn cây, áp dụng các biện pháp tăng năng suất bằng một số mô hình thâm canh, tưới tiết kiệm đã bước đầu được nhân rộng.
Tới cuối năm 2015, đã có gần 47 nghìn ha cà phê được trồng tái canh (chiếm gần 40% so với mục tiêu tái canh 120 nghìn ha vào năm 2020), hơn 32 nghìn ha giống điều mới năng suất cao được trồng mới.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt lớn khi Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ ngành khác đã hoàn tất được thủ tục pháp lí, chính thức đưa ngô biến đổi gen vào SX.
Đối với SX lúa, mặc dù nắng hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới SX vựa lúa ĐBSCL, diện tích gieo trồng cả năm toàn quốc giảm 52 nghìn ha, tuy nhiên sản lượng dự kiến sẽ đạt trên 45 triệu tấn, tăng so với năm 2014.
Diện tích, sản lượng các loại cây lương thực khác như ngô, lúa, rau đậu các loại vẫn tăng hoặc ổn định, nhất là rau tăng 9 nghìn ha. Để kịp thời khơi thông cho tiềm năng mặt hàng rau - hoa quả XK, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ thị trường XK mặt hàng này. Nhờ đó, XK rau quả năm 2015 là lĩnh vực tạo điểm nhấn nổi bật khi sớm vượt kế hoạch đề ra, với nhiều thị trường mới được mở cửa.
Bên cạnh những nỗ lực nhất định, một số công tác trọng tâm của lĩnh vực trồng trọt vẫn còn hạn chế như tốc độ chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang ngô để dần thay thế NK còn chậm; diện tích rau đậu thực phẩm các loại dù tăng mạnh, đạt trên 890 nghìn ha nhưng mới chỉ có chưa đầy 7 nghìn ha rau đạt chứng nhận an toàn.
Trước tình hình này, một số giải pháp như nhanh chóng đưa ngô biến đổi gen vào SX đại trà, nâng nhanh diện tích rau VietGAP bằng tiêu chuẩn GAP cơ bản sẽ được tập trung đẩy mạnh trong năm 2016.
Cùng với trồng trọt, thủy sản cũng là lĩnh vực chưa đạt được được kết quả như mong đợi. Theo kết quả sơ bộ, giá trị SX thủy sản năm 2015 chỉ tăng khoảng 2,74% so với năm 2014, thấp hơn so với mức kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh XK thủy sản gặp nhiều khó khăn, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới, cải tạo tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với 775 tàu được đóng mới và 107 tàu nâng cấp, trong đó có trên 336 tàu vỏ thép. Các ngân hàng đã ký kết được 174 hợp đồng tín dụng, với số vốn cam kết trên 1.700 tỷ đồng, đồng thời thực hiện bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên….
Đây là chính sách đã đi vào thực tiễn cuộc sống, được nhân dân đón nhận đánh giá cao. Điều này tiếp tục tạo động lực cho hoạt động đánh bắt thủy sản năm 2015 đạt trên 2,66 triệu tấn (tăng 0,7% so với năm 2014).
Lâm nghiệp ghi điểm
Về công tác chỉ đạo, điều hành năm 2015, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá: Dù gặp không ít khó khăn nhưng Bộ NN-PTNT đã kịp thời phát hiện sớm và đưa ra các giải pháp xử lí linh hoạt, có hiệu quả..
Tiêu biểu phải kể tới việc Bộ đã sớm nhận ra tín hiệu tốt của thị trường lúa gạo thế giới cuối năm để tăng cường SX thêm hơn 60 nghìn ha lúa Thu đông tại ĐBSCL, giúp nông dân có một vụ lúa bội thu, có giá cao; Chỉ đạo các giải pháp đối phó với vụ đông ấm tại phía Bắc giúp vụ ĐX 2015 cơ bản được mùa.
Trước tình hình XK tôm gặp khó khăn chung, Bộ đã nắm bắt nhu cầu thị trường XK để đẩy mạnh diện tích tôm sú, lách được “khe cửa hẹp” trong thị trường tốm thế giới… Nhờ các giải pháp kịp thời này, mặc dù một số sản phẩm nông, thủy sản có tốc độ tăng trưởng thấp hơn 2014, nhưng nhìn chung các sản phẩm khác đều tiếp tục tăng.
Bộ trưởng cho rằng, lĩnh vực chăn nuôi năm 2015 đã tạo được chuyển động mới, nhất là lĩnh vực lâm nghiệp năm qua đã có bước đột phá bất ngờ. Theo đó, lâm nghiệp là ngành có bước tăng trưởng đột phá trong năm 2015 với giá trị SX toàn ngành ước đạt 24.558 tỷ đồng, tăng 7,85% so với năm 2014.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành lâm nghiệp từ trước tới nay, và lâm nghiệp cũng là ngành duy nhất có mức tăng trưởng năm 2015 cao hơn so với năm 2014. Dù thời tiết khô hạn kéo dài, ngành lâm nghiệp cả nước đã nỗ lực trồng được 226 nghìn ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác bảo vệ rừng được đảm bảo hiệu quả, với số vụ vi phạm giảm 15%, diện tích rừng thiệt hại giảm 36% so với năm trước…...
Cùng với lâm nghiệp, chăn nuôi cũng là ngành giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt, mặc dù năm 2015 được đánh giá là năm bản lề đối mặt với khó khăn do tác động của các hiệp định tự do hóa thương mại. Ước cả năm, giá trị SX chăn nuôi tăng 3,76%, trong đó gia cầm tăng 3,5%, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 4,78 triệu tấn, tăng 3,9%. Ấn tượng nhất là đàn bò sữa tăng tới 20,8%, sản lượng sữa tăng 17,5% so với năm 2014..
Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tái cơ cấu ngành và VSATTP
Năm 2015, Bộ NN-PTNT cơ bản tập trung thực hiện nhóm nhiệm vụ chính vẫn là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM trong bối cảnh tình hình thị trường, nguồn lực, nhất là nguồn vốn cho tái cơ cấu cơ bản chưa nhận được sự bổ sung nào.
Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp vừa phải duy trì được tăng trưởng, vừa phải xây dựng nền tảng mới dài hơi cho phát triển của ngành.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ đã luôn bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, nhiều tình huống được kịp thời phát hiện và xử lí, điều chỉnh, nhất là tháo gỡ, mở cửa thị trường XK.
Năm 2015, mặc dù kim ngạch XK nông lâm thủy sản dự kiến sẽ thấp hơn năm 2014, tuy nhiên cơ bản vẫn sẽ đạt trên 30 tỉ USD. Đây là con số bất ngờ, phải rất nỗ lực mới đạt được, bởi ngay từ đầu năm 2015, tình hình XK nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực ở mức tăng trưởng âm về kim ngạch XK so với cùng kỳ năm trước. SX nông nghiệp công nghệ cao đang hình thành và đi vào cuộc sống
Trong năm, Bộ đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác xây dựng văn bản pháp luật với 1 Luật, 48 Thông tư, 5 Nghị định… với chất lượng nội dung cao, tạo thuận lợi cho SX, nhất là tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả; cải tổ bộ máy tổ chức, thông tin tuyên truyền, xây dựng NTM… đều có chuyển biến tích cực.
Năm 2016, nhiệm vụ số một của Bộ vẫn sẽ là thực hiện tái cơ cấu ngành và vấn đề VSATTP. Trong đó, thông qua việc thay đổi hệ thống pháp luật, thay đổi bổ sung nguồn lực cho ngành sẽ là giải pháp cơ bản để tập trung vào tổ chức lại SX, gắn với KH-CN.