Nhiều hộ dân canh tác kiệu cho biết, thời điểm đầu vụ việc canh tác gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài kèm theo những trận mưa đêm khiến kiệu bị bệnh thán thư, sương mai. Nhờ nông dân ra sức chăm sóc nên hiện tại kiệu xanh tốt và có thể cho năng suất cao hơn vụ trước khoảng 20%. Bên cạnh đó, một số diện tích kiệu xuống giống sớm đã cho thu hoạch.
Là hộ canh tác kiệu lâu năm, gia đình ông Lê Văn Kịch ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp xuống giống hơn 3 công kiệu Tết. Hiện các luống kiệu của gia đình ông được 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Ông Kịch chia sẻ: “Trồng kiệu Tết tuy có phần cực hơn kiệu mùa nhưng thời gian thu hoạch ngắn hơn và có thể mang lại năng suất khá. Gia đình tôi chuẩn bị khoảng 1,2 tấn giống cho vụ kiệu Tết, với số vốn đầu tư khoảng 90 triệu đồng. Năm nay chi phí tăng khoảng 1 - 2 triệu đồng/công. Do kiệu Tết thường rất dễ bị sâu bệnh tấn công nên tôi đang xử lý đúng liều lượng nước, thuốc để kiệu thu hoạch đảm bảo năng suất. Ngoài ra, muốn kiệu phát triển tốt phải thường xuyên nhổ cỏ, nếu nắng quá phải tưới nước để tránh vàng lá, thán thư”.
Theo ông Lê Phát Triển ngụ ấp K11, xã Phú Hiệp: “Cây kiệu chỉ phát triển tốt với điều kiện nắng nhẹ kèm theo gió bấc. Trồng kiệu tuy cực công chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại cũng khá. Cái khó của việc trồng kiệu là phải canh thời tiết để ương giống và xuống giống sao cho đúng thời điểm và chăm sóc kiệu đảm bảo củ đẹp. Cây kiệu của gia đình tôi cũng có phần bị ảnh hưởng của những trận mưa đêm. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, đến ngày xuống giống, giá kiệu giống sẽ tăng nên gia đình tôi chuẩn bị từ trước. Thời tiết hiện tại cùng với nhu cầu sử dụng kiệu thị trường từ các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, miền Trung năm nay, dự kiến kiệu sẽ được giá hơn so với năm trước”.
Theo nhiều hộ dân trồng kiệu, để xuống giống kiệu Tết, người dân phải trải qua nhiều công đoạn như làm đất, cắt ngọn, phơi giàn rồi mới làm đất xuống giống. Tính bình quân 1kg kiệu giống có thể mang lại khoảng 15 - 16kg kiệu thương phẩm. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất kiệu mang lại trong vụ Tết năm nay khoảng 5 tấn/công.
Người dân phải bỏ nhiều công sức để mong kiếm được khoản tiền cho dịp Tết Nguyên đán, song vụ kiệu Tết người dân vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cả có phần bị “thiệt thòi”. Điều mà bà con trồng kiệu mong muốn là tìm được đầu ra ổn định để vụ kiệu Tết mang lại hiệu quả cao hơn.
Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp cho biết: “Toàn xã Phú Hiệp có khoảng 25ha diện tích trồng kiệu Tết. Từ lâu, kiệu là cây trồng có thể mang lại thu nhập khá, do đó để cây kiệu trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, địa phương sẽ tổ chức hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định”.
Nhật Khánh (Báo Đồng Tháp)