Nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng |
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nhà nông đưa vào sản xuất nông nghiệp như: sử dụng túi bao trái trên xoài, sử dụng mùng lưới trên cây mận, trồng rau trong nhà lưới... Những kỹ thuật mới này giúp nông dân kiểm soát tốt vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đảm bảo quy trình cách ly, giúp nông sản được sạch và an toàn hơn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nông sản an toàn hiện chưa được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn hồ nghi về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của những loại nông sản này. Từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, người tiêu dùng và người nông dân chưa tìm được “tiếng nói chung” và đang mất lòng tin vào nhau. Sản phẩm sạch vẫn chưa có vị trí xứng tầm, nhà sản xuất vẫn đang “chơi vơi” với sản phẩm của mình.
Do vậy, để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm cũng như những người sản xuất thực phẩm sạch “không chết” vì những thông tin thất thiệt, thì hơn bao giờ hết, cả người tiêu dùng và nông dân cần có sự giúp sức từ các ngành chuyên môn.
Nhằm tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành công thương và ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp tổ chức thí điểm chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tại các điểm chợ trung tâm của tỉnh được xem một trong những phương án khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay.
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện tại Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có kế hoạch phối hợp trong triển khai thí điểm các mô hình kinh doanh thực phẩm sạch ở 3 điểm chợ trung tâm của tỉnh là: chợ Sa Đéc, TP.Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự. Trước tiên, ngành công thương và ngành nông nghiệp sẽ phối hợp đến từng địa phương rà soát vấn đề sản xuất nông sản sạch, nhằm tuyển chọn những mặt hàng nông sản phù hợp. Ngành nông nghiệp sẽ đảm nhận trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân sản xuất nông sản theo quy trình an toàn; hướng dẫn nông dân đăng ký các thủ tục đăng ký nhãn mác; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc dư tồn hóa chất độc hại đối với những mặt hàng nông sản tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh.
Về phía ngành công thương, sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp để lựa chọn những mặt hàng nông sản phù hợp đạt tiêu chuẩn đưa vào phân phối tại các điểm kinh doanh nông sản sạch; đảm nhận trách nhiệm vận động các cá nhân, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã... phối hợp xây dựng mô hình; tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các hộ tham gia kinh doanh về kiến thức về kinh doanh thực phẩm sạch.
Đây là một trong những giải pháp bước đầu nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, cũng là tiền đề để nông sản của Đồng Tháp tiếp cận với những kênh phân phối chuyên nghiệp hơn. Khi người tiêu dùng không bị “mù” thông tin, các nhà sản xuất chứng minh được sản phẩm của mình đạt chất lượng, chắc chắn, chuyện thực phẩm bẩn không còn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng như hiện nay.
Tại chợ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình sẽ có 2 quầy bán nông sản an toàn. Đây là kế hoạch thí điểm đã được thống nhất giữa Sở Công Thương Đồng Tháp và UBND huyện Thanh Bình. Dự kiến, đầu tháng 6 sẽ có 2 quầy rau an toàn triển khai tại chợ thị trấn Thanh Bình. Trong đó, nguồn rau sạch được lấy từ Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thị trấn Thanh Bình. Trước đó, nông dân trong Tổ đã được tập huấn sản xuất rau an toàn, các ngành chức năng sẽ kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để sản phẩm không an toàn xuất hiện tại kệ bán rau an toàn. |
Theo Báo Đồng Tháp
Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17