Cá cảnh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: expocheck
Ngành cá cảnh TPHCM vừa tham gia Hội chợ - Triển lãm Interzoo năm 2018 tại thành phố Nuremberg (Đức). Có hơn 1.000 lượt khách tham quan gian hàng Việt Nam, trong số đó có khoảng 150 trường hợp đã trao đổi sâu việc thiết lập các mối quan hệ kinh doanh và khoảng 10 khách hàng từ Đức, Ý, Pháp, Cộng hòa Czech… có khả năng xúc tiến đơn hàng với các đơn vị sản xuất cá cảnh ở TPHCM.
Interzoo lên ngôi và sự thoái trào của Aquarama
Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TPHCM), Interzoo là một trong những hội chợ triển lãm hàng đầu thế giới về thú cưng, trong đó có cá cảnh, được tổ chức 2 năm/lần. Hội chợ năm nay có sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp (DN) đến từ 66 nước, thu hút khoảng 39.000 lượt khách (đến từ 125 quốc gia) tham quan, tăng 9% so với năm 2016. Khoảng 95% du khách hài lòng về các sản phẩm trưng bày tại Interzoo 2018. Trong khi đó, 94% các DN tham gia triển lãm đạt được mục tiêu kết nối thương mại với các đối tác mới, 91% đơn vị dự kiến ký kết hợp đồng sau Interzoo.
Tại hội chợ, đại diện TPHCM - Việt Nam có lượng cá cảnh nước ngọt triển lãm nhiều nhất, gồm các chủng loại như cá đĩa, neon, hòa lan (cá mún, cá hột lựu), chuột trắng mắt đỏ, chuột sao… Gian hàng cá cảnh TPHCM còn giới thiệu thiết bị phục vụ cá cảnh (gỗ nổi dạng bonsai), tờ bướm, video clip… Khách hàng tham quan hội chợ đã thể hiện thích thú với sự hiện diện lần đầu của Việt Nam tại hội chợ Interzoo.
Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, TPHCM tham gia với mục đích hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cá cảnh TP giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mô hình sản xuất cá cảnh tiêu biểu, có khả năng xuất khẩu; tạo cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối giao thương thị trường nước ngoài.
Một thông tin khác được giới cá cảnh TPHCM quan tâm nhiều là việc trung tâm thương mại cá cảnh vang danh một thời ở Đông Nam Á - Singapore - bị sụt giảm mạnh về doanh số những năm qua, nhiều DN ngành nghề cá cảnh phải chuyển đổi. Đến mức hội chợ - triển lãm cá cảnh lâu đời của Singapore là Aquarama cũng đã bán thương hiệu cho Trung Quốc.
Theo ông Tống Hữu Châu, chủ Trại Cá cảnh Châu Tống (quận 12), lý do là những nhà nhập khẩu cá cảnh các nước ngày càng biết nhiều đến cá cảnh của Indonesia, Việt Nam… Một con cá cảnh Singapore bán 1 - 2USD, nhưng Indonesia hay Việt Nam giá chỉ vài chục cent. Họ có thể giao dịch việc kinh doanh trực tiếp, thay vì qua khâu trung gian là các doanh nhân Singapore. Tại Interzoo, một nhà nhập khẩu cá cảnh người Anh đã lên lịch sang Việt Nam vào tháng 10 để tìm hiểu trại cá cảnh của ông Tống Hữu Châu. Trước sự tụt dốc của Aquarama, nhiều DN cho rằng không cần phải tham gia hội chợ cá cảnh này nữa, khi mà vai trò của Aquarama không còn thu hút nhiều nhà nhập khẩu cá cảnh các nơi trên thế giới, trừ những nhà nhập khẩu thiết bị.
Theo Tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc (FAO), giá trị xuất nhập khẩu cá cảnh tăng trưởng bình quân 14%/năm, với giá trị thương mại khoảng 15 tỷ USD. Nếu DN cá cảnh Việt Nam biết cách tiếp cận để có thể xâm nhập mạnh hơn các thị trường, thì doanh số xuất khẩu ngành hàng này của nước ta có thể tăng 30% - 40%/năm, thay vì trên dưới 20%/năm như hiện nay.
Giàu tiềm năng, nghèo chủng loại giống
Theo ông chủ Cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên, danh mục cá cảnh Việt Nam chưa đa dạng và đi sau Indonesia hơn thập niên. Chủng loại chỉ mới khoảng 200 loài, so với trên 2.100 loài cá cảnh các loại. Để phát triển cá cảnh, bên cạnh việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, thì con giống có vai trò quan trọng. Cần nhập khẩu con giống và cả quy trình nuôi những loài cá mà Việt Nam chưa có, hoặc cá chưa thể sinh sản. Ở lãnh thổ Đài Loan có Viện Nghiên cứu cá cảnh và cũng có bán quy trình chăm sóc cá. Điều đáng nói, thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam gây khó khăn cho người nuôi. Khoảng thời gian 7 - 8 năm trước, việc nhập khẩu thực hiện dễ dàng hơn khi còn do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phụ trách; từ khi Bộ NN-PTNT chuyển giao nhiệm vụ này sang Cục Thú y thì thủ tục gặp khó, phải làm thông qua… dịch vụ.
“Con giống là một trong những yếu tố khiến ngành nuôi cá cảnh chưa thể phát triển như mong muốn. Do trải qua thời gian dài gần như cách ly, nên khi trở lại Việt Nam bị đi sau, lạc hậu với thị trường. Có những giống cá các nước đã nuôi cả chục năm mà DN trong nước giờ mới nhập về. Khi nhập theo đường chính ngạch, do trong danh mục cá cảnh giống không có, nên bị áp thuế cao như cá cảnh thương mại” - đó là phát biểu của anh Lê Hữu Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (Củ Chi), tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh Việt Nam” tổ chức năm 2015. Rất tiếc, điều này đến nay gần như chưa chuyển biến.
Theo Công ty cổ phần Saigon Aquarium (Củ Chi), nuôi và kinh doanh cá cảnh mà không đa dạng giống cá là cầm chắc sẽ thua trong cuộc đua cạnh tranh với các nước. Danh mục nhập khẩu cá cảnh xây dựng từ năm 2008 và cũng rất ít, đến thời điểm hiện nay hầu như không còn phù hợp thị hiếu mà lại không cập nhật, nên cá giống ngoài danh mục phải chịu thuế 15% thay vì 0%. Trong khi đó, thời gian tạo dòng mới trong nước làm phải cần khoảng 5 năm; nếu thành công thì đến khi ấy cũng đã lạc hậu với thị trường. Vì vậy, nhiều loại cá cảnh được ưa chuộng trên thị trường nhưng do nằm ngoài danh mục nhập khẩu nên người nuôi phải nhập “chui” bằng nhiều cách. Cá cảnh là ngành phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn, tiêu khiển, nên cần phải cập nhật cái mới. Ông Tống Hữu Châu cho biết, khách hàng luôn đặt câu hỏi “có gì mới không” khi trao đổi. Nhưng đây lại là khâu yếu của ngành cá cảnh Việt!
Hiện nay, có thể nói kỹ thuật nuôi cá dĩa của Việt Nam là hàng đầu khu vực, chỉ cần có giống mới là có thể nhập về nuôi thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng mà không cần phải mua quy trình nuôi. Ngay cả cá neon cũng vậy. Tuy nhiên, cá cảnh Việt Nam bị nhà nhập khẩu than phiền vì sự nghèo nàn về chủng loại. Chỉ khi được phát huy hết các lợi thế thì ngành cá cảnh mới có thể phát triển, nhất là khi cơ hội đang đến như hiện nay.
Khách tham quan trao đổi với ông Tống Hữu Châu tại Hội chợ - Triển lãm Interzoo. Ảnh: NGUYỄN HIẾU THẢO
TPHCM xuất khẩu cá cảnh trị giá 12,7 triệu USD
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trên địa bàn TP, sản lượng cá cảnh xuất khẩu từ đầu năm đến nay khoảng 10,5 triệu con, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt 12,7 triệu USD, tăng 10,6%. Chủng loại cá cảnh nước ngọt xuất khẩu có hơn 60 loài, trong đó hơn 50 loài nuôi sinh sản nhân tạo và 10 loài khai thác từ sông suối. Nhóm cá cảnh biển xuất khẩu chiếm dưới 1%, là những loài có giá trị kinh kế cao, được ngư dân khai thác từ các vùng biển nhưng có xu hướng giảm dần do nguồn lợi biển ngày càng suy giảm.
Có 18 đơn vị xuất khẩu cá cảnh ở TPHCM, trong đó, Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (Saigon Aquarium) chiếm 84%. Thị trường châu Âu chiếm 52% sản lượng cá cảnh Việt Nam xuất khẩu, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.
Công Phiên SGGP