Hình minh họa. Nguồn Internet
Đó là nhấn mạnh của Ông Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, tại hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững” do UBND tỉnh Phú Yên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp tổ chức.
Vùng nuôi không an toàn
Chỉ riêng hai tháng 5 và 6 vừa qua, vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, đã trải qua 2 đợt dịch bệnh khiến cho hơn 2, 3 triệu con tôm hùm bị chết, thiệt hại gần 700 tỉ đồng, hàng trăm hộ nuôi tôm bỗng chốc trắng tay. Trước những biến cố đối với nghề tôm hùm, tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Bộ NN&PTNT huy động các nhà khoa học vào cuộc, cùng tham gia tháo gỡ.
Tại tỉnh Phú Yên, vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước, từ năm 1990 đến nay, bình quân số lồng nuôi tôm hùm tăng 11%/năm, sản lượng nuôi tăng 14%/năm. Nguồn thu từ tôm hùm đạt khoảng 1.020 tỉ đồng/năm, chiếm 1/3 ngân sách tỉnh. Những năm được mùa, được giá, người nuôi có lãi gấp 2-4 lần so với số vốn bỏ ra. Không ít người đã trở thành tỉ phú nhờ nuôi tôm hùm, trong đó tập trung nhiều nhất ở thị xã Sông Cầu.
Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn từ nghề này, những năm gần đây, người dân tự phát đua nhau đầu tư thêm lồng bè, ào ạt thả nuôi với mật độ lồng cao, có nơi là 75 lồng/ha (theo quy định chỉ 30 đến 60 lồng/ha), mật độ thả nuôi đến 100 con/lồng, tăng gấp 2 lần so với quy định (50 con/lồng).
Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, tình hình tôm hùm nuôi bị dịch bệnh, thiệt hại có chiều hướng tăng mạnh từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt, số tôm hùm ở thị xã Sông Cầu bị thiệt hại trong tháng 6-2017 đã gấp hơn 95 lần so với năm 2016 và hơn 14 lần so với năm 2014.
Tôm hùm bị dịch bệnh chết được người dân vớt “bán đổ, bán tháo”. Ảnh: Phương Oanh
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Phú Hòa (Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm hùm liên tục bị dịch bệnh chết hàng loạt là do ý thức cộng đồng người nuôi trong việc bảo vệ môi trường chưa cao, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
PGS-TS Nguyễn Phú Hòa nói: “Tôi kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng chất thải tại vịnh Xuân Đài (Sông Cầu). Mỗi ngày, có từ 15 đến 20 xe Container với khoảng 400 tấn thức ăn tươi sống nuôi tôm hùm đổ xuống các vùng nuôi ở tỉnh Phú Yên. Cùng với đó có hàng trăm chất thải đủ loại từ các nhà bè, các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, chất thải sinh hoạt từ khu dân cư xả thẳng ra biển. Chất thải này tích tụ từ hàng chục năm qua, tạo điều kiện tảo độc phát triển. Lớp bùn độc ấy khi bị bục vỡ, đảo trộn trong nước thì không con gì sống nổi!”.
TS Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cũng cho rằng, cùng với tình trạng vùng nuôi bị ô nhiễm nặng thì thời tiết bất thường, mưa giông lớn kéo dài giữa mùa hè nắng nóng, khiến tầng đáy bị xáo trộn là nguyên nhân làm tôm bị sốc, bị suy yếu, các loại mầm bệnh phát triển mạnh.
Ngư dân Trần Minh Phương, Tổ trưởng cộng đồng nuôi tôm xã Xuân Cảnh (Sông Cầu) bày tỏ: “Tâm lý ngư dân thấy có lợi thì đổ xô, trước mắt cứ cố đua nhau làm để kiếm ăn, dù biết khó tránh mối nguy hại liền sau đó. Lớp lớp lồng bè đặt ken cứng nằm dưới, chỉ nhìn trên mặt nước, khó có thể biết dưới đó có bao nhiêu lồng, bao nhiêu con tôm hùm. Tôi tha thiết đề nghị chính quyền và các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra quy hoạch, có biện pháp quản lý chặt môi trường nuôi thủy sản”.
Trên vùng nuôi tôm hùm ở đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu, người dân đưa lồng tôm lên bờ vệ sinh chuẩn bị vụ nuôi mới. Ảnh: Phương Oanh
Hướng phát triển bền vững
Ông Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, nghề nuôi tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao, con tôm hùm đã giúp cho người nông dân nhiều vùng quê ven biển của Phú Yên vượt nghèo, cuộc sống phát triển nhanh với cơ ngơi, nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, thực tế đã lộ nhiều bất cập từ công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi này.
Tại hội thảo, cùng với việc hướng dẫn cho người nuôi về biện pháp “cấp cứu” cho tôm trong tình huống khẩn, PGS, TS Nguyễn Phú Hòa cũng lưu ý, về lâu dài, Phú Yên phải có khảo sát, điều tra, nghiên cứu để tiến tới quy hoạch chi tiết vùng nuôi. “Trên cơ sở tính toán tốc độ đẩy lượng tồn dư thức ăn và nguồn xả thải để phân bổ vùng nuôi, đưa ra mật độ nuôi phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm” - TS Hòa giải thích.
TS Hòa cũng đề xuất, người nuôi cần đầu tư thiết bị quan trắc để cảnh báo oxy, nhiệt độ, độ mặn để có giải pháp ứng phó kịp thời. Mặt khác, chính quyền tỉnh cần kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu mua gom sử dụng vỏ ốc, sò, tôm hùm... để góp phần giảm thiểu ô nhiễm chất thải, tăng thêm thu nhập cho ngư dân.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, hiện, tỉnh Phú Yên đặt ra yêu cầu không phát sinh thêm hộ nuôi, lồng bè mới, tạm thời phân vùng mặt nước, sắp xếp lại lồng bè nuôi hợp lý dựa trên quy hoạch tổng thể theo quyết định của Bộ NN&PTNT. “Tỉnh đang đặt hàng các nhà khoa học vào cuộc mạnh mẽ để nghiên cứu, sớm xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, có biện pháp kiểm soát nguồn tôm giống. Giao cho địa phương quản lý chặt chẽ lồng bè và có biện pháp xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, nghiêm cấm việc tự ý cắm cọc tre, treo lốp xe... để nuôi hàu” - Ông Thế quả quyết.
Theo TS Võ Văn Nha, trong tương lai, khi tôm hùm “vào cửa” xuất khẩu chính ngạch, vấn đề an toàn vệ sinh sản phẩm tôm hùm sẽ là “rào cản” thương mại. Do vậy, giám sát tôm hùm không bị dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi là yêu cầu hàng đầu. “Để đáp ứng được yêu cầu trên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu cho ra một số mô hình nuôi tôm hùm khép kín như: Nuôi tôm hùm trong bể, nuôi tôm hùm công nghệ cao. Hiện, các phương pháp này vẫn đang được thử nghiệm trước khi chuyển giao cho bà con nông dân” - TS Nha giới thiệu.
Phương Oanh
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.
Hotline: 091 567 2347
Email: bahembianhapkhau@gmail.com
Web: bahembia.com
----------------------------------------
Đơn vị phân phối:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 028.6260 0412 -Fax: 028.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh