Thông tin thị trường

Muôn trùng nguồn gốc rau, củ, thực phẩm...

Thứ năm, 10/12/2015 10:42 lượt xem: 559

Thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm tràn lan nhưng truy xuất nguồn gốc lại là câu chuyện quá xa lạ và nan giải đối với hầu hết người tiêu dùng Việt Nam.

Tôm cá ướp hóa chất, trái cây phun thuốc tăng trưởng, rau muống bị tưới bằng dầu nhớt... thực trạng này nhiều người biết, thậm chí từng là nạn nhân, nhưng truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả, hải sản... để phòng tránh thì hiện còn khó hơn trúng số độc đắc.

 

Nguồn gốc “nghe nói”

 

Khác với thịt heo, người bán - người mua đều không quan tâm đến nguồn gốc; rau quả, hải sản khi hỏi “ở đâu” đều được người bán trả lời rất nhanh một địa danh nổi tiếng gắn liền với loại thực phẩm đó. Nhưng truy thêm thì hầu hết có mẫu số chung “nghe nói lấy ở...”.

 

"Vợ tôi vào siêu thị mua dưa leo có bao bọc nhãn hiệu đàng hoàng, về khoe với tôi là dưa an toàn. Tôi mang về phòng thí nghiệm kiểm tra thấy thừa dư lượng cả 100%." Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT Công ty rau quả thực phẩm An Giang

 

Ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) cách khu bán thịt một đoạn, nhiều người ngồi bán thủy hải sản vẫy khách xôn xao. Một người bán trải lên tay con mực béo tròn, dài cỡ bàn tay mời chào: “Mua đi em, mực ống sữa có 30.000 đồng/kg”. Một chị nội trợ tên Mai (ở Hóc Môn) thắc mắc: “Mực ở các chợ bán 200.000 - 250.000 đồng/kg, mực chị lấy ở đâu mà chỉ có 30.000 đồng/kg?”. Người bán trả lời gọn “lấy ở Nha Trang”. Nhìn xuống thấy mực được ngâm trong thùng nước đục, chị Mai lo ngại bỏ đi.

 

Cách đây 1 tháng, trên đường đi làm về, anh T.Bình (Q.7, TP.HCM) thấy bên đường Hoàng Diệu (Q.4) có điểm bán cá mới. Người bán cho biết cá lấy từ chợ Bình Điền, bán ngày nào hết ngày đó, cuối ngày bán không hết thì thanh lý chứ không để qua đêm. Nghe vậy, anh mua vài con cá về làm bữa tối. “Cá kho xong bốc lên như mùi u rê. Tôi gắp vài đũa đã không ăn nổi, mấy ngày sau người còn ngầy ngật khó chịu”, anh bực bội nói. Biết mua phải cá ngâm hóa chất, anh bỏ cả nồi cá kho và “cạch” luôn điểm bán cá này.

 

Cũng ở chợ đầu mối Bình Điền, hết giờ bán sỉ, nhiều tiểu thương đổ đống rau củ quả bán lẻ. Nhiều người tiêu dùng nhanh tay chọn mua rau với giá rẻ hơn ở các chợ lẻ. Khi người mua đã vãn, ông Ấm, một tiểu thương, chất hàng rau quả còn lại lên chiếc xe máy chở về nhà, chiều mang ra bán cho công nhân. Ông chỉ vào cà rốt, khoai tây, củ cải cho biết “lấy hàng từ các tỉnh như Đà Lạt, Long An”... Nhưng Đà Lạt, Long An mà ông nói là do các tầng nấc trung gian khác nói lại với ông, khi hỏi có biết người trồng không, ông lắc đầu.

 

Siêu thị cũng “tù mù”

 

Ở chợ không rõ xuất xứ, vào siêu thị cũng tràn ngập hàng không rõ nguồn gốc. Siêu thị C. dành riêng một dãy cho rau củ quả VietGAP. Còn dãy rau quả khác nằm cạnh không bao bì, không nhãn mác, không nguồn gốc, phía trên chỉ có tấm bảng ghi chung như dưa lê giá 18.900 đồng/kg, xoài tượng 40.300 đồng/kg, dưa gang 10.100 đồng/kg, xoài Đài Loan 27.700 đồng/kg, bí đỏ 6.900 đồng/kg. Chị Thu đang chọn rau, thắc mắc rau ở siêu thị thì có gì khác rau ở chợ? Chị cũng không biết rau quả này xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào so với VietGAP. Trong khi đó, ở hàng khoai lang, nhiều bà nội trợ rủ nhau mua vì giá đang giảm còn khoảng 19.000 đồng/kg. Một bà nội trợ cầm củ khoai đưa lên mũi ngửi và gật đầu nói khoai tươi, rồi hối bạn mau lựa. Siêu thị không ghi và người bán cũng chẳng màng tới nguồn gốc.

 

Tại quầy chế biến, siêu thị bày bán nhộng, hến, bao tử cá basa, cá thịt làm sạch nằm trong khay đặt trên kệ không bao bì nhãn mác, không xuất xứ nguồn gốc. Tôm cá cũng được bày bán như ngoài chợ. Còn ở dãy hàng đông lạnh, thấy một bà nội trợ cầm đọc rất lâu bao bì một gói hàng đậu hòa lan của một công ty trong nước, tôi hỏi có thấy thông tin xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm không, bà trả lời: “Công ty này rất có uy tín, chắc là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không phải sản phẩm biến đổi gien. Với lại, vào siêu thị thì chắc đã kiểm tra kỹ”. Nói xong, bà bỏ gói hàng vào giỏ.

 

Ở siêu thị X., một bà nội trợ chọn 2 hộp sushi cá hồi mang về, trên hộp chỉ có mã vạch và giá.

 

Cả thị trường... xịt thuốc

 

Mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gia cầm, gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại. Tại các siêu thị, mỗi ngày ít nhất cũng bán ra 1 tấn, nhiều thì cả trăm tấn rau củ quả, trong đó 70 - 80% do các địa phương khác cung cấp.

 

Ông Bốn C., một tiểu thương chuyên phân phối sỉ rau củ quả ở chợ Bình Điền, cho biết ông phân phối đầy đủ các mặt hàng từ khắp nơi, đặc biệt là từ Đà Lạt. Nhưng khi hỏi đến công ty nào sản xuất, trồng ở đâu, thu hoạch ngày nào thì ông cũng bó tay. Bởi theo ông, đây là những rau quả các hộ nhỏ lẻ trồng ở Đà Lạt rồi gửi xuống bán. “Chỉ biết là ở Đà Lạt chứ đâu biết ai trồng, trồng ở vùng nào”, ông C. nói.

 

Theo đại diện một hệ thống siêu thị, đối với rau bình thường, siêu thị không có thông tin hướng dẫn, trên nhãn chỉ có tên loại rau. Còn rau VietGAP thì đầy đủ thông tin hơn. Hàng nhập về, siêu thị thường kiểm bằng cảm quan, nhìn vào thấy nghi ngờ thì sẽ loại ra và lấy đi test (thử mẫu), còn lại sẽ test mẫu ngẫu nhiên. Lý do siêu thị vẫn để bán cả hai loại rau là nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

 

Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT Công ty rau quả thực phẩm An Giang, ồ lên khi nghe hỏi cách phân biệt rau quả an toàn và rau quả có dư lượng ở ngoài chợ. “Thua, không thể phân biệt được!”, ông lắc đầu. Theo ông, vùng nào có người quản lý rõ ràng thì còn có thể chắc chắn về nguồn gốc, thuốc sử dụng... còn ngoài chợ, hầu hết rau củ quả bị xịt thuốc tăng trưởng. Hiện nay, rau củ quả từ khắp nơi đổ về TP.HCM, vào các chợ đầu mối (chiếm khoảng 60 - 70% thị phần) rồi tỏa đi các chợ lẻ. Để vào chợ, thương lái phải có giấy tờ, chứng từ, nhưng theo kinh nghiệm của ông, cửa kiểm soát này chưa chắc hiệu quả. Ông đã từng đưa hàng có nguồn gốc vào một vài siêu thị, nhưng siêu thị lấy lý do này kia chê hàng giá cao mà chọn nguồn hàng không rõ xuất xứ đưa vào bán.“Vợ tôi vào siêu thị mua dưa leo có bao bọc nhãn hiệu đàng hoàng, về khoe với tôi là dưa an toàn. Tôi mang về phòng thí nghiệm kiểm tra thấy thừa dư lượng cả 100%”, ông kể và cho biết năm 2014, công ty ông phải bồi thường cả tỉ đồng với bên ký hợp đồng, bởi ông ký 5 công đậu nành với nông dân mà chỉ thu được 3 công, còn 2 công nông dân xịt thuốc tăng trưởng để mang ra ngoài bán.

 

Thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm tràn lan nhưng truy xuất nguồn gốc lại là câu chuyện quá xa lạ và nan giải đối với hầu hết người tiêu dùng Việt Nam.

 

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, đơn vị vừa công bố bán thịt heo VietGAP trên nhiều địa điểm, giải thích VietGAP là một đoạn tiêu chuẩn trong chăn nuôi của truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp nếu áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, thì khi giết mổ ra miếng thịt được bọc trong bao bì, có code (mã) để người tiêu dùng có thể truy ra được nguồn gốc của con heo ở đâu, bao nhiêu ký, chăn nuôi như thế nào, giết mổ ra sao.“Vissan đang tiến đến nhưng chưa thể truy xuất nguồn gốc hoàn toàn. Bởi việc này đòi hỏi phải đồng bộ. Thí dụ Vissan công bố khi mua sản phẩm của công ty khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, nhưng khách hàng lại không muốn trả tiền nhiều. Trong khi Vissan đang mua thịt heo VietGAP cao hơn 500 đồng/kg so với thị trường”, ông Mười nói.

 

Hồng Sương (Báo Thanh Niên)

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện