Vấn đề nóng

Một loạt siêu thị bán ‘rau an toàn’ không rõ nguồn gốc

Thứ bảy, 28/12/2013 09:47 lượt xem: 1274
Phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc được mua từ các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội sau đó mang về đóng gói, dán tem.

Phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc được mua từ các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội sau đó mang về đóng gói, dán tem.

 



Hơn 1 năm nay, các sản phẩm rau an toàn ở siêu thị Le’s Mart, Minh Hoa, Citimart,… đều nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc, được Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm mua từ các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội sau đó mang về đóng gói, dán tem giả làm rau củ quả được trồng tại xã Vân Nội.

Điều bất ngờ là công đoạn này diễn ra ngay trên chiếc xe ôtô 16 chỗ và chỉ mất khoảng 5 phút. Sau đó các sản phẩm này tuồn vào trong siêu thị dưới nhãn mác rau an toàn và bán với giá trên trời. Người tiêu dùng đã bị lừa trong thời gian dài mà không hề biết thực phẩm mình đang tin tưởng thực chất có nguy cơ gây hại rất cao.

Được quyền tự nhận rau an toàn

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm do người phụ nữ tên là Trần Thị Vui làm giám đốc nhưng thực chất người điều hành hoạt động lại là người thanh niên tên Nguyễn Hưng Bình. Ngoài Bình còn có hai người cùng trợ giúp việc nhập và xuất mặt hàng rau củ quả cho công ty này là bà Hiền – mẹ vợ Bình và Dương – vợ Bình.

Cơ sở này hàng ngày đều lấy rau không rõ nguồn gốc ở các chợ đầu mối, sau đó đem cung cấp cho các siêu thị lớn ở Hà Nội dưới dạng rau an toàn, được trồng ở xã Vân Nội. Trong đó đáng chú ý là siêu thị Minh Hoa (có 2 cơ sở ở 174 Thái Hà và 12 Đặng Tiến Đông), siêu thị Le’s Mart (có cơ sở ở KĐT Văn Quán, Mỹ Đình) và siêu thị Citimart (tòa nhà Indochina số 239 Cầu Giấy)…

Chúng  tôi tìm đến công ty của Bình để tìm hiểu về việc cung ứng rau cho các siêu thị lớn ngoài Hà Nội, tuy nhiên những người dân ở xã Vân Nội đều cho biết, trên địa bàn có rất nhiều công ty cung ứng rau củ quả an toàn đi khắp cả nước.

Ở đây không có một công ty nào treo bảng hiệu mà chỉ liên danh với Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Vân Nội để hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục kinh doanh. Trụ sở của các công ty này thực chất chỉ là những nhà dân và nhân viên công ty là các thành viên trong một gia đình (vừa là giám đốc, kiêm luôn nhân viên – PV).

Để chứng minh công ty của mình đều xuất đi những mặt hàng rau củ quả nguồn gốc rõ ràng, người thanh niên tên Bình – con bà Vui chỉ tay vào chiếc tem chứng nhận rau sạch của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội giọng khá tự hào: “Quan trọng là chiếc tem này này, không phải cơ sở nào cũng được cấp đâu, phải những cư sở uy tín như nhà tôi mới có”.

Tuy nhiên, chỉ một lúc sau Bình lại cười và nói: “Những cái này lần đầu là do HTX rau Vân Nội cấp cho nhưng sau này là do nhà mình tự đi in”.

Rau an toàn sản xuất…ở chợ!

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như đường đi của mặt hàng rau không rõ nguồn gốc được hóa thành rau an toàn vào các siêu thị, chúng tôi đã thâm nhập vào cơ sở của công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm dưới dạng nhân viên làm thuê.

Tại đây, bà Hiền – mẹ vợ của Bình, đồng thời cũng là nhân viên lâu năm của công ty bật mí: “Phần lớn lượng rau xuất cho siêu thị mỗi ngày là được mua ở chợ Vân Trì. Vì đây là chợ đầu mối rau lớn của Hà Nội, rau từ khắp các nơi được mang về đây do đó có nhiều chủng loại rau hơn ở chợ này”.

Hàng ngày, vào khoảng 13h, Bình, Dương và bà Hiền trực tiếp có mặt tại chợ đầu mối Vân Trì mua rau. Sau đó, đưa về nhà gắn nhãn mác rau an toàn xã Vân Nội rồi cung ứng cho các siêu thị Minh Hoa, Le’s Mart, Citimart…

Theo lời kể của những người trong gia đình Bình, để biết được lượng rau mỗi siêu thị cần một ngày là bao nhiêu kilogam và những loại rau củ gì, thì cứ khoảng từ 3h chiều cho đến 7h tối hàng ngày, các siêu thị đều gửi một bản fax đơn đặt hàng trong đó có ghi cụ thể  số lượng, chủng loại rau họ cần và có khi là ghi cả thời gian giao hàng cho họ.

Nhưng lượng rau và loại rau các siêu thị nhập mỗi ngày không thay đổi nhiều. Nếu như có thừa thì để lại hôm sau giao tiếp. Còn nếu vẫn còn kịp thời gian giao hàng thì một người sẽ xuống chợ mua rau rồi trực tiếp đưa lên xe để Bình ngồi trong đó “sản xuất rau an toàn” trực tiếp chỉ trong 5 phút bằng cách đóng gói và dán tem ngay trên xe.

Theo lời của Dương, để mua được đủ lượng rau cần thiết, Dương thường rong ruổi cả buổi chiều ở chợ. Xem hết hàng nọ hàng kia, nâng lên đặt xuống, ỉ ôi mặc cả sao cho mua được rau với giá rẻ nhất. Do công việc này diễn ra từ nhiều năm nay nên chỉ cần mua xong là tới cuối phiên chợ những người bán rau sẽ chở  rau về tận nhà cho Dương.

Vừa đóng gói rau mua ở chợ, Bình cho biết: “Từ nhiều năm nay, chỉ trừ 3 ngày tết là nghỉ, mỗi ngày gia đình thu mua, sơ chế đóng gói và mang đi giao khoảng một tấn rau củ quả các loại cho rất nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội”.

Rồi Bình bật mí tiếp, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, gia đình còn nhập những lô hàng Trung Quốc về đóng gói, gắn tem trồng từ xã Vân Nội rồi bán cho các siêu thị.

Nếu đơn hàng từ các siêu thị quá lớn, lượng rau thu mua được từ các chợ đầu mối chưa đủ thì tầm hơn 1h sáng, gia đình Bình lái một chiếc xe tải dạng 1 tấn tới các chợ đầu mối khác để tiếp tục thu mua một lượng lớn rau trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, lên đời cho rau tại chỗ.

Ngay sau đó, những loại rau này lập tức được giao cho các siêu thị ngay trong đêm dưới dạng hàng rau an toàn, sản xuất từ Vân Nội.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện