Ông Vưu Văn Út - Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau thuộc Công ty CP mía đường Tây Nam cho biết, do nông dân ở các vùng trọng điểm trồng mía như Thới Bình (Cà Mau) và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang tự ý chuyển đổi đất trồng mía trong vùng quy hoạch sang mô hình sản xuất khác, nên năm nay nhà máy không đủ nguồn nguyên liệu để hoạt động.
“Nhà máy có công suất 1.000 tấn mỗi ngày, nhưng lượng mía cung ứng chỉ khoảng 50%”, ông cho biết
Trên thực tế, giá mía nguyên liệu liên tục thấp trong các năm vừa qua đã khiến cho nhiều nông dân có hơn nửa đời người gắn với cây mía ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... phải bỏ nghề.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình cho biết, theo quy hoạch, địa phương này có trên 2.600 ha đất trồng mía, nhưng do giá mía thấp trong các năm qua nên người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, hiện chỉ còn khoảng 700 ha.
“Không ít bà con ở địa phương tiếc nuối khi giá mía tăng cao như hiện nay. Nhiều người dân chuyển đổi sang trồng gừng đang lao đao vì giá thấp, gừng trồng bị dịch bệnh”, ông Lâm nói.
Huyện Thới Bình trong 3 năm qua đã có gần 1.500 ha đất quy hoạch trồng mía bị “xóa sổ”. Người dân tự chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, trồng các loại hoa màu…, trong đó gừng là loại cây được chọn nhiều nhất, dù nằm ngoài quy hoạch cây trồng của huyện.
Nông dân Trần Trung Hiếu cho biết, giá gừng năm 2014 cao ngất, trên dưới 20.000 đồng một kg, nhưng năm nay lại rẻ bèo. “Thấy gừng giá cao, trong khi cây mía không có người mua, nông dân chúng tôi đốt bỏ mía trồng gừng. Nhưng được một năm cho thu hoạch, hiện tại gừng lại đang 'làm khổ' nông dân vì giá thấp, chưa tới 10.000 một kg, ông Hiếu buồn bã nói."