Là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo có 6 người con ở vùng ngoại thành TP.Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Hồ Duy Trúc (SN 1993) bỏ học từ năm lớp 10 rồi vào TP.HCM học nghề điện lạnh. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên được một thời gian Trúc nghỉ học rồi thuê một nhà trọ ở Q.Tân Phú làm nghề tự do. Trong thời gian này, Trúc quen biết với Trần Văn Luông (SN 1988, ngụ Bến Tre).
Đầu năm 2012, Trúc về quê sinh sống. Không có việc làm ổn định, nhưng muốn có tiền tiêu, Trúc thành lập băng cướp và gây ra 2 vụ chém người cướp tài sản ở Ninh Thuận. Bị công an tỉnh này truy bắt, Trúc cùng đàn em tên Phương (SN 1993) bỏ trốn vào TP.HCM.
Nơi đất khách quê người, không có công ăn việc làm ổn định lại nghiện ma túy, Trúc liên hệ với “chiến hữu” Trần Văn Luông để thành lập băng cướp mới. Luông đi mua dao chặt dừa, loại dao to bản rất sắc, có độ sát thương cao để làm hung khí gây án. Thời gian đầu, Luông là người gợi ý đi cướp, sau này khi đã quen địa bàn thì Trúc trực tiếp tham gia, bàn bạc và chỉ huy đồng bọn đi cướp.
Băng này gồm 5 thành viên: Trúc, Luông, Phương cùng Huỳnh Thanh Sơn (SN 1982, ngụ Tây Ninh) và Trần Thanh Tuyền (SN 1991, ngụ Ninh Thuận). Thủ đoạn của chúng là ban ngày tụ tập sử dụng ma túy, nhậu nhẹt, đêm xuống thì xách dao đi lòng vòng trên nhiều tuyến đường. Cả nhóm thấy “con mồi” thì ngay lập tức lao vào chém, cướp tài sản rồi bỏ chạy.
Từ tháng 6 đến tháng 11/2012, băng cướp này đã gây ra 18 vụ cướp tài sản trên địa bàn TP.HCM, chém bị thương 12 người, lấy đi số tài sản trị giá hơn 610 triệu đồng. Trong đó có vụ chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ gây xôn xao dư luận, nạn nhân may mắn thoát chết nhưng bị thương tật tới 47%.
Trong 2 ngày 24 - 25/12, hơn 1 năm sau ngày xảy ra vụ cướp, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Lặn lội từ Ninh Thuận vào TP.HCM, bà Trần Thị Út (63 tuổi, mẹ Trúc) cùng một số người thân trong gia đình hung thủ tham dự phiên xét xử.
Bà nép vào một góc phòng xử án, ánh mắt yêu thương nhìn đứa con trai duy nhất đang đứng trước vành móng ngựa đối mặt với sự trừng trị của luật pháp.
Nhà nghèo nhưng bà cùng chồng cố gắng cho Trúc ăn học, mong con nên người. Khi con trai bỏ trường lớp, ông bà đi vay mượn tiền cho Trúc học nghề điện lạnh. Nhưng đứa con lại tiếp tục bỏ học để rồi gây ra tội ác.
Đây là lần thứ 3 bà Út tham dự phiên tòa xét xử con trai trong năm 2013. Trước đó, vào tháng 7, TAND TP.Phan Rang - Tháp Chàm tuyên phạt Trúc 5 năm tù và vào tháng 11 lại bị TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên 7 năm tù cùng về tội Cướp tài sản.
Phiên tòa lần này, Trúc bị truy tố ở khoản 4 điều 133 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể bị tử hình.
"Tôi chỉ biết ở đây lúc này để động viên, an ủi con và cầu xin trời phật phù hộ cho đứa con trai duy nhất thoát án tử treo lơ lửng trên đầu", bà vừa khóc vừa nói.
Nhưng với tội ác nghiêm trọng, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trúc mức án cao nhất là tử hình. Bản án vừa tuyên, người mẹ già ngã vật xuống đất khóc nức nở và liên tục gọi tên con. Bà quỳ xuống lạy HĐXX mở lòng từ bi, cho con trai bà cơ hội làm lại cuộc đời. Cảnh tượng đó khiến những người dự khán thấy xót xa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, nạn nhân trong vụ chặt tay cướp xe trên cầu Phú Mỹ, cho biết: “Mặc dù Trúc và đồng bọn đã gây ra tội ác dã man không chỉ với tôi nhưng mức án mà tòa tuyên là quá nặng. Trúc còn quá trẻ, mới 20 tuổi, tương lai còn ở phía trước nhưng đã phải lãnh án tử hình. Là người bị hại nhưng tôi cũng rơi nước mắt trước cảnh tượng đó”.
Tại tòa, chị Thúy chỉ mong Trúc lãnh án tù có thời hạn để trong thời gian đó anh ta sẽ suy ngẫm về tội ác mà mình gây ra. Mặc dù bị gia đình các bị cáo chửi bới, xúc phạm ngay trong phiên tòa nhưng chị Thúy cho biết vẫn muốn làm đơn xin giảm án cho Trúc vì cũng là một người mẹ, chị biết nỗi đau của đấng sinh thành khi mất con như thế nào.