Thông thường, xâm nhập mặn diễn ra vào đầu tháng giêng nhưng năm nay một số nơi đã xảy ra từ giữa tháng11.
Trên sông Hậu tại Long Phú (Sóc Trăng) ngày 21.11 độ mặn cao nhất đo được lên đến 4‰, ở cách biển khoảng20 km. Đến ngày 10.12, tại đây độ mặn đo được cao nhất là 7,2‰ và thấp nhất là 3‰; ranh mặn tiếp tục tiến sâu vào nội đồng thêm 10 km.
Tại Trà Vinh, ngày 8.12 mặn cũng đã vào sâu khoảng 30 km; trên sông Cổ Chiên độ mặn đo được là 3,3‰, trên sông Hậu lên đến 5‰. Tại các tỉnh khác nhận nước sông Mê Kông đổ trực tiếp ra biển như Bến Tre, Tiền Giang xâm nhập mặn cũng diễn ra tương tự.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, giải thích: “Triều cường đẩy nước mặn vào theo các cửa sông. Những năm trước nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về nhiều nên khi triều cường rút nó bị nước sông Mê Kông đẩy ra. Năm nay nước sông Mê Kông về ít không đủ sức đẩy mặn ra nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Với thực tế như hiện nay thì mặn sẽ ngày càng tăng và vào sâu nội đồng. Bà con nông dân nên chú ý, cây trồng không thể chịu được nước mặn trên 4‰. Năm nay nền nhiệt trung bình cao hơn cùng kỳ nhiều năm 0,5 - 1,50C, nên ở những vùng độ mặn gần 4‰ nếu người dân lấy nước vào đồng ruộng thì có thể vài ngày sau nước sẽ bốc hơi và độ mặn sẽ tăng, ảnh hưởng đến cây trồng”.
Chí Nhân (Báo Thanh Niên)