Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong cũng cho biết hàng năm ở địa phương lượng mưa chỉ khoảng 600 mm nên việc sản xuất cây nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2010, khi cây bụp giấm được đưa vào trồng thử nghiệm đã cho kết quả khả quan. Vì là loại cây chịu hạn tốt, ít công chăm sóc, phí đầu tư ít,… nên rất thích hợp để trở thành cây trồng chủ lực cho địa phương.
Tuy nhiên, hiện tại, đầu ra cho sản phẩm hoa bụp giấm ở nước ta vẫn chưa ổn định. Người dân trồng bụp giấm ở huyện Tuy Phong nói riêng và một số nơi ở nước ta nói chung vẫn chủ yếu bán sản phẩm cho các thương lái, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào phía họ nên có nhiều năm giá bị rớt thê thảm. Do vậy, đối với huyện Tuy Phong, trước mắt huyện khuyến cáo bà con không nên trồng tràn lan, mà nên chú tâm đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên nâng cao chất lượng cho sản phẩm cây dược liệu này. Đồng thời, hiện tại ở địa phương vẫn chưa có nhà máy chế biến loại dược liệu này nên chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, sẵn.
Bụp giấm là cây dược liệu thuộc họ bông, có nguồn gốc từ Tây Phi. Người ta trồng bụp giấm để thu lấy đài hoa. Đài hoa của loài hoa này dày và có màu tím, có vị chua rất độc đáo, hàm lượng vitamin C rất cao và thường được dùng để làm trà, làm thuốc, làm mứt, làm si-rô…
Theo đông y, bụp giấm có vị chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật. Đã có nhiều công bố kết quả nghiên cứu về tác dụng dược lý của đài hoa bụp giấm đối với tình trạng rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư. Bụp giấm còn có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống oxy hóa (sự già hóa của cơ thể), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hóa...
Còn theo một số nghiên cứu của nước ngoài, ngoài những công dụng tuyệt vời trên, hoa bụp giấm có chứa nhiều chất nhưng quan trọng nhất là diosgenin, gitogenin và clorogenin (những chất có tác dụng tăng cường sinh lý). Đây là những thành phần quan trọng đã được ngành y dược của nhiều quốc gia ứng dụng để bào chế thuốc tăng cường sinh lý cho cả nam và nữ.