Thông tin thị trường

Không thương hiệu gạo Việt khó cạnh tranh

Thứ hai, 09/11/2015 14:17 lượt xem: 878

Chuyển động sau khi TPP được công bố, Việt Nam phải thay đổi từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo...

Dù khẳng định hạt gạo Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các đối thủ khi xuất sang các quốc gia thành viên TPP, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nếu muốn tận dụng được cơ hội, Việt Nam phải thay đổi từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

 

Trong các thành viên tham gia TPP, trừ Nhật không cam kết trong khi Mexico và Chile sẽ xóa thuế theo lộ trình8-10 năm, tám quốc gia còn lại đều sẽ xóa thuế ngay cho gạo Việt Nam sau khi hiệp định này có hiệu lực. Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần bắt tay xây dựng thương hiệu gạo một cách bài bản và khoa học để có thể tận dụng được cơ hội này.

 

Thiếu thương hiệu, mất cơ hội

 

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, tại các hội chợ lương thực quốc tế ở Thái Lan những năm qua, gạo Việt Nam không dám xuất đầu lộ diện mà chỉ có gạo Thái Lan, gạo Campuchia và các nước khác. “Nhắc tới gạo Thái Lan, ai cũng biết Khao Dawk Mali và Hom Mali, Campuchia có gạo Romduol, Myanmar có Paw San và Ấn Độ là gạo Basmati, nhưng chẳng ai biết gạo thơm Việt Nam là gì” - ông Xuân nói.

 

Theo ông Xuân, do không có thương hiệu, gạo Việt đã gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu thời gian qua, chứ chưa nói đến việc tận dụng từ cơ hội do TPP mang lại.

 

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết tại ngân hàng giống lúa thuộc Trường ĐH Cần Thơ hiện đang lưu giữ tới 1.468 giống lúa vùng Tây Nam bộ, vốn nổi tiếng thơm ngon như: Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Châu Hạng Võ..., chưa kể một số giống lúa cao sản cũng thơm ngon không kém như: Jasmine 85, ST, Nàng Hoa 9...

 

“Việt Nam có rất nhiều giống lúa tốt, cho gạo thơm ngon nhưng tại sao bị Campuchia qua mặt dễ như vậy dù trình độ sản xuất của họ lạc hậu hơn?” - ông Xuân đặt câu hỏi.

 

Theo ông Xuân, nguyên nhân là do nông dân chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon, trong khi nông dân các nước trong khu vực chỉ thích trồng giống lúa thơm ngon.

 

Đặc biệt, theo ông Xuân, chuyện làm ăn chụp giật, trộn gạo thường với gạo thơm để bán ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam. “Kiểu làm ăn đó góp phần làm cho gạo Việt Nam bị mang tiếng xấu khắp thế giới. Nói đến gạo Việt Nam, người ta nói thẳng đó là gạo trộn. Quá xấu hổ!” - ông Xuân nói.

 

Ông Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bức xúc cho biết gạo thơm Jasmine 85 hiện được xuất khẩu với tỉ trọng rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại đem gạo này trộn với một số loại gạo khác thơm nhẹ hơn, giá rẻ hơn để xuất. Có doanh nghiệp trộn theo yêu cầu của khách hàng, có doanh nghiệp tự ý trộn để phá giá.

 

“Chỉ riêng giống Jasmine 85, Việt Nam đã có tới 13 dòng với chất lượng khác nhau mà doanh nghiệp còn đem trộn với gạo khác nữa thì làm sao đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng nước ngoài ăn và đánh giá không tốt về gạo thơm Việt Nam. Hậu quả là cả ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam bị vạ lây. Tôi rất buồn về điều này” - ông Dư tâm tư.

 

Làm thương hiệu từ khâu... chọn giống

 

Theo ông Dư, để nâng cao giá trị xuất khẩu của gạo Việt, tận dụng được các cơ hội do TPP mang lại, không còn cách nào khác là phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt và phải bắt đầu từ gốc, đó là chọn giống phù hợp. Dù ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng vừa có vùng đất phù sa, vừa có vùng bị nhiễm mặn nên không thể trồng cùng một giống được.

 

Căn cứ nhu cầu của thị trường thế giới và điều kiện canh tác, ông Dư cho rằng chỉ nên canh tác 4 nhóm giống gồm: lúa thơm đặc sản vùng bị nhiễm mặn; lúa thơm ở vùng đất phù sa; lúa hữu cơ, lúa dược liệu; cuối cùng là lúa hạt dài chất lượng cao.

 

Đối với vùng đất nhiễm mặn, theo ông Dư, giống lúa thơm ST rất thích hợp, năng suất cao, gạo được một số thị trường chấp nhận... Với vùng đất phù sa nước ngọt quanh năm, giống Jasmine 85 là một lựa chọn.

 

Ngoài ra, giống Nàng Hoa 9 cho chất lượng không thua kém gạo Khao Dawk Mali của Thái Lan, đang được nông dân các tỉnh ĐBSCL sản xuất với diện tích rất lớn. Nhóm gạo hữu cơ, gạo dược liệu dù giá rất cao nhưng không thể sản xuất đại trà nên các doanh nghiệp cần có chiến lược riêng.

 

Cùng quan điểm, ông Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cần tổ chức bình tuyển các giống lúa ở từng vùng để chọn ra loại ngon nhất. Chẳng hạn, trong hơn 20 dòng của giống ST đặc sản sẽ tìm ra dòng tốt nhất để sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận cung cấp cho nông dân. Khi đã chọn được giống,

 

Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với hợp tác xã, cung cấp giống cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (an toàn, chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc).

 

Theo ông Xuân, mỗi cánh đồng vài trăm hecta chỉ làm một giống. Doanh nghiệp phải cử kỹ sư nông nghiệp theo suốt quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đầu vào cho đến đầu ra là gạo đóng gói xuất khẩu đồng nhất về chủng loại và chất lượng, không có gạo khác lẫn vào. Có được sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp yên tâm đăng ký nhãn hiệu, quảng bá, tiếp thị ra nước ngoài. Với quy trình này, doanh nghiệp nào làm ăn gian dối sẽ tự bị đào thải.

 

“Có thể một giống lúa sẽ được đăng ký nhiều nhãn hiệu khác nhau, nhưng tất cả khi xuất ra nước ngoài chất lượng giống nhau và luôn ổn định như vậy thì thế giới sẽ biết gạo Việt Nam là gạo gì. Đó chính là thương hiệu gạo Việt”.

 

Ông Lâm Anh Tuấn - giám đốc Công ty lương thực Thịnh Phát, Bến Tre - cho rằng Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các nhà khoa học để chọn được giống lúa ngon nhất và chỉ ra vùng nào trồng giống gì.

 

Doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu thị trường của mình ký hợp đồng với hợp tác xã, nông dân sản xuất loại giống xác nhận do cơ quan thẩm quyền cung cấp.

 

“Nhà nước cũng cần có “hàng rào kỹ thuật”, kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt trước khi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nếu lô hàng đó không đạt thì không cho xuất để bảo vệ doanh nghiệp và lấy lại uy tín cho gạo Việt Nam - ông Tuấn đề xuất.

 

Ông Huỳnh Thế Năng (chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam): Phải từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu “gạo Việt” cần có sự phối hợp của tất cả những bên có liên quan gồm: Doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Nhà nước và nông dân.

Theo đó, doanh nghiệp chủ động chọn sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu cho mình trước khi quảng bá, tiếp thị đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nếu sản phẩm đó có chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới xây dựng thương hiệu.

Chính quyền địa phương cũng phải cùng doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ các dịch vụ hậu cần thiết yếu. Nhà nước đầu tư xây dựng các phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm gạo cho kết quả nhanh, chính xác. Nông dân cũng phải từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ mà tham gia hợp tác xã để doanh nghiệp có điều kiện liên kết sản xuất lớn.

Ông Lê Hùng Lân 
(giám đốc Công ty hạt giống Hoa Tiên, TP.HCM): Nên làm từ giống lúa thuần Việt

Muốn xây dựng thương hiệu “gạo Việt” phải lấy giống lúa thuần Việt, không nên lấy giống của nước khác rồi gán cho nó cái tên Việt.

Chẳng hạn, giống Jasmine 85 do một nhà khoa học người Mỹ (Hank Beachell) lai tạo từ giống Khao Dawk Mali của Thái Lan với IR262 tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), nên nếu chúng ta lấy giống này xây dựng thương hiệu “gạo Việt” có thể gặp rắc rối về bản quyền giống.

Vả lại, nói là gạo Việt mà thực chất là giống lúa của Mỹ thì không hay lắm. Việt Nam không thiếu giống lúa thơm ngon hơn cả Jasmine 85 và ngang ngửa với Khao Dawk Mali thì tại sao phải lấy Jasmine 85 đại diện cho mình chứ

Công ty Thiên Khôn phú chúng tôi chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như:bã hèm bia,bột xương thịt,bã nành,bột cá,cám dừa,cám bắp,bã đậu phộng, bột đầu tôm, bột lông vũ,...

Quý khách nào có nhu cầu sử dụng hoặc cần biết thêm thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ 0946.888.249 gặp Thảo

 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện