Kiện là giải pháp phải nghĩ tới, nếu không, thị trường nhập khẩu tôm sẽ ngày càng đưa ra những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn.
Quyền của người mua
Những cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh ở tôm xuất khẩu không là vấn đề mới nhưng cho đến nay vẫn cứ xảy ra đều đặn hàng năm.
Từ một hội nghị về phòng chống dịch bệnh tôm diễn ra ở Bến Tre hồi cuối năm 2012, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thủy sản Minh Phú, từng lên tiếng rằng, để giải quyết vấn đề hàng rào kỹ thuật cho mặt hàng tôm xuất khẩu, nhất thiết phải nghĩ tới giải pháp kiện, nếu không, thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng đưa ra những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn.
Mới đây, theo thông báo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 5-9 đến cuối tháng 12-2016, Hàn Quốc áp dụng kiểm tra 10% lô hàng đối với hoạt chất Nitrofurans thay vì chỉ với chất Ethoxyquin như trước đây.
Tương tự, danh mục các loại kháng sinh bị Nhật Bản áp dụng kiểm tra cũng từ chỗ chỉ có Ethoxyquin, Enrofloxacin trước đây, nay đã có thêm Chloramphenicol, Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone.
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng đây là quyền của nhà nhập khẩu. “Để bảo vệ người tiêu dùng và trong khuôn khổ luật pháp cho phép, họ có quyền đưa ra yêu cầu kiểm tra, miễn là những yêu cầu đó không quá đáng. Ở vị trí người xuất khẩu, ta phải chấp nhận và đừng nghĩ đó là rào cản”, ông nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), cho rằng mức sống của người dân ở những thị trường nhập khẩu càng cao thì chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm càng được nâng lên. Việc họ gia tăng kiểm tra hóa chất trong tôm là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, vấn đề này thực sự gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng, ngành tôm trong nước nói chung. “Để đáp ứng sự gia tăng kiểm tra của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tăng cường kiểm tra sản phẩm trước khi xuất đi, đồng nghĩa với gia tăng chi phí, trong khi vốn trong giá thành đã rất cao rồi”, ông Phẩm cho biết.
Cũng theo ông Phẩm, chẳng hạn với thị trường Nhật, nếu họ phát hiện sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định, họ sẽ áp dụng kiểm tra 10-15% lô hàng, nếu lại tiếp tục phát hiện, họ gia tăng kiểm tra tới 30%, và nếu vẫn còn phát hiện nữa, họ có thể kiểm tra 100% lô hàng, thậm chí cấm nhập khẩu.
Như vậy, khi lô tôm bị cảnh báo hoặc bị trả về, nó chẳng những khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng về kinh tế mà còn dẫn đến khả năng bị đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường cũng như gây ra tâm lý dè chừng của đối tác khi ký kết hợp đồng mới
Giải quyết từ gốc
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên nhân dai dẳng của “câu chuyện con tôm” chủ yếu do những vấn đề nội tại.“Hệ thống tổ chức sản xuất, chuỗi quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng con tôm từ khâu nuôi cho đến thu gom chế biến nhìn chung còn rất yếu. Ta phải tự sửa mình, trước khi đổ lỗi cho người khác”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, một “chân rết” chuyên thu mua tôm nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết: “Mỗi buổi sáng, doanh nghiệp nhắn tin cho giá qua điện thoại và tôi sẽ căn cứ theo giá đó để thu mua, rồi thông báo lại cho doanh nghiệp về việc giao tôm lúc nào, số lượng bao nhiêu... Còn chuyện kiểm tra chất lượng thì doanh nghiệp chỉ cử một đại diện của nhà máy xuống kiểm tra, chủ yếu bằng cảm quan chứ không có thiết bị kiểm tra nên vấn đề kháng sinh là không tránh khỏi...”.
Trong khi đó, theo ông Phẩm, vấn đề gốc rễ là do nền sản xuất của Việt Nam còn ở trình độ thấp, dẫn tới chất lượng sản phẩm có vấn đề. Ông cho rằng cần phải thay đổi mô hình nuôi sạch (như trồng rau sạch). “Muốn vậy, phải hình thành chuỗi liên kết, phải có sự đầu tư mang tính chất lâu dài”, ông nói.
Và để đổi mới thành công, ông Phẩm cho rằng cần phải giải quyết một số “điểm nghẽn”, như về vốn cho nông dân; vấn đề hạn điền; vấn đề sản xuất bằng công nghệ cao thì là công nghệ gì, Việt Nam có công nghệ đó chưa?...
Nhìn ra bên ngoài, theo ông Phẩm, các nước họ dễ dàng hình thành chuỗi liên kết là do doanh nghiệp của họ có vốn, dân có trình độ, luật pháp chặt chẽ, công bằng, sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật là rất tốt. “Còn Việt Nam thì tùy theo doanh nghiệp, có người làm được nhưng đa số là làm không nổi. Cũng là dễ hiểu vì đã có khoa học công nghệ đâu!”, ông nêu vấn đề.
Ông Phẩm cho rằng cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới thực ra không thiếu, nhưng ban hành chính sách là một vấn đề, còn tổ chức thực hiện lại là một vấn đề khác! Có thể nói, đổi mới sản xuất là gốc rễ để giải quyết vấn đề con tôm, nhưng chính sách lại không thể đi vào cuộc sống; tư duy thực hiện không đổi mới khiến thực tế không có sự chuyển biến tích cực, rất khó tạo ra đột phá. Diễn giải điều này theo cách dễ hình dung nhất, ông Phẩm ví von: “Giống như anh có một cái quán ăn, anh nói quán tôi ngon, đã làm đủ hết các thứ cần thiết.
Nhưng thực tế là quán vẫn không có khách vô ăn. Dù vậy, đứng ở góc độ nào đó, anh vẫn nói là anh đã làm tốt... Có thể bây giờ anh đã làm tốt hơn xưa nhiều, nhưng là anh so sánh với anh trước đây hay anh cần phải so với các quán khác?”, ông đặt câu hỏi.
Rõ ràng, việc cần giải quyết những “điểm nghẽn” chính là để nhắm tới mục tiêu đáp ứng cho được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với các đối thủ.
Trung Chánh
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412