Thông tin thị trường

Heo giảm giá, người nuôi vẫn có lãi nên phớt lờ cảnh báo.

Thứ ba, 17/05/2016 13:48 lượt xem: 9989

Mặc dù thông tin Trung Quốc ngưng nhập heo đường tiểu ngạch khiến giá heo hơi trong nước giảm 3-4 giá, nhưng nhìn chung heo xuất chuồng ở các trang trại chăn nuôi các tỉnh phía Nam hiện vẫn ổn định....

Khó dự báo   Ngày 16/5, giá heo hơi trong nước vẫn đứng ở mức khá cao từ 51-52 ngàn đồng/kg, nếu so với thời điểm cuối năm 2015 khi Trung Quốc tung “chiến dịch” thu gom heo thì vẫn còn cao hơn 4.000-5.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, vùng chăn nuôi heo tập trung lớn nhất cả nước với khoảng 1,6 triệu con, sau khi Trung Quốc ngưng nhập heo thì có thông tin cho rằng nhiều hộ chăn nuôi tại đây đang “đứng ngồi không yên” do lo sợ giá heo tiếp tục giảm nữa mà dẫn tới thua lỗ (!?).

Ông Huỳnh Văn Thắng, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cho biết, giá heo tại chuồng hiện là 51 ngàn đồng/kg, giá vẫn cao tương đương hồi tháng 4/2014, dù so với thời điểm đầu tháng 5 thì giảm 3.000-4.000đ/kg.

“Nuôi heo có 2 rủi ro, thứ nhất là dịch bệnh; thứ hai là hạ giá. Trong lúc này, giá heo có hạ nhưng vẫn ổn định. Tui mới bán 32 con heo thịt với giá 51 ngàn đồng/kg, tính ra lãi 1 triệu đồng/con sau khi trừ chi phí.

Một số trại lớn nuôi 2.000-3.000 con xuất chuồng trong lúc này, có lãi 2-3 tỷ đồng chỉ trong một lứa nuôi thì có gì sướng hơn. Trước và hiện nay, tôi không bán cho thương lái đi Trung Quốc mà chủ yếu là các lò mổ ở TP.HCM” - ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Trại heo Phú Sơn (xã Bắc Sơn) với tổng đàn trên 35 ngàn con heo có vẻ lo lắng hơn, bởi trại heo này xuất qua thị trường Trung Quốc tương đối lớn. Theo ông Sơn, hiện heo xuống giá khoảng 4.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 4/2016. Ngày 16/5, trại của ông Sơn bán giá 51 ngàn đồng/kg để xuất qua Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều. Thị trường tiêu thụ heo của trại là các công ty giết mổ và thương lái bán cho Trung Quốc, trong đó Trung Quốc tiêu thụ cao hơn trong nước.

“Chẳng biết đâu mà dự báo, nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa thì giá sẽ tiếp tục xuống. Bấp bênh lắm. Do nuôi heo dễ nên gần đây có tình trạng là không ai kiểm soát được qui mô nuôi trong các trang trại và nông hộ. Bởi thế, khi có lãi đua nhau lập đàn, tăng đàn, đến khi thua lỗ thì đóng cửa. Trong câu chuyện này, bao giờ người chăn nuôi cũng chịu thiệt” - ông Sơn chia sẻ.

Vẫn lãi khá Anh Quách Văn Việt, một thương lái “cấp 2” ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2015, anh bắt đầu mua gom heo ở các hộ chăn nuôi trong xã và vùng lân cận, sau đó giao (bán) cho cô Thu, một thương lái "cấp 1" ở thị trấn Long Khánh để đưa sang Trung Quốc. Mỗi ngày anh gom chừng vài chục con, chủ yếu heo mỡ nặng 110-120 kg/con.

Theo anh Việt, khi bán lại cho “lái heo chính” (cấp 1) anh chỉ ăn chênh lệch 1 giá, và “cấp 1” trả tiền sau khi nhận hàng trong vòng 1 tuần lễ. Ngoài anh ra, còn có 3 thương lái khác cũng đang là “vệ tinh” của cô Thu. Thông thường trước 8 giờ sáng hằng ngày, “cấp 1” gọi điện thoại ra giá cho “cấp 2”, chẳng hạn ngày 15/5 là 52 ngàn đồng/kg thì “cấp 2” mua heo trong dân giá 51 ngàn hoặc có thể thấp hơn nhưng chỉ có “giá trị” trong ngày.

Nếu hôm sau vẫn còn mua giá đó mà giá heo Trung Quốc tụt thì “cấp 2” ôm hàng ráng chịu. “Nghề bán heo cho Trung Quốc ngộ lắm, bên họ ăn hàng như chạy lũ, vào tầm 8 giờ sáng mà cô Thu không gọi điện thoại tức là hàng còn găm (tồn) ngoài cửa biên giới, nhưng khi hàng giải phóng nhanh thì có lúc nửa đêm, cô Thu đã gọi ra giá, lúc này mua heo mà chạy như vắt giò lên cổ, không kịp thở” - anh Việt tâm sự.

Chúng tôi liên lạc với cô Thu theo số điện thoại 09849376XX trong vai là hộ chăn nuôi ở xã Lộ 25, hỏi thăm về tình hình nhập khẩu heo vào Trung Quốc trong thời gian tới. Cô Thu vui vẻ nói: “Ối dào, thông tin Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới thị trường đầu nguồn đâu em. Tuy nhiên, nếu mấy “ổng” vẫn còn khó dễ tiếp tục đóng biên (giới) sắp tới thì heo mỡ trên một tạ trong nước có khả năng ùn ứ, từ đó có thể dẫn tới giảm giá”.

Theo cô Thu, cứ 2 ngày là cô xuất 10 xe (150 con/xe), tuy nhiên trong 3 ngày 8, 9, 10/5 do lình xình “ngưng nhập” ở cửa khẩu nên cô tạm dừng, cho đến ngày 14 là bắt đầu bán qua Trung Quốc trở lại. “Hôm 14/5, tui cho giá ông Việt, tuy có giảm 3 giá nhưng còn cao, trong khi giá vốn nuôi chừng 39-40 ngàn đồng/kg (chi phí thức ăn, thuốc thú y - PV) nhưng lái đã mua 51 ngàn đồng/kg thì các ông chăn nuôi còn lãi nhiều chứ!”.

- Ở tỉnh Đồng Nai xuất heo qua Trung Quốc nhiều không chị?

- tôi hỏi tiếp.

- Từ đầu năm 2016, mỗi ngày có khoảng 3.000-4.000 con heo tụi tui mua xuất qua Trung Quốc, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay số lượng có giảm ước tính khoảng 1/3 số lượng.

Ông Nguyễn Kim Đoán (PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai) cho biết thêm, giá heo trên địa bàn tỉnh trong tháng 2/2016 chỉ có 42-43 ngàn đồng/kg. Sau ngày đó giá tăng cao, đến nay là 51-52 ngàn đồng/kg, với giá này người chăn nuôi có lãi từ 8.000-11.000đ/kg (tức 800 ngàn - 1,1 triệu đồng/con nặng 1 tạ). “Có thể nói 3 năm qua, hễ heo tăng giá thì tình trạng lập đàn, tái đàn lại xảy ra.

Theo tôi biết, toàn tỉnh Đồng Nai đã tăng đàn từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2015. Đây thực sự là điều đáng lo ngại, nhưng suy cho cùng thì đây là quy luật của thị trường mà Hiệp hội không thể can thiệp được. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời cảnh báo và khuyến cáo với bà con chăn nuôi thôi” - ông Đoán nói...

 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện