Ngư dân đang rất cần sự giúp đỡ của cơ quan chức năng để vượt qua thảm họa NGUYỄN PHÚC
Cuộc họp được tổ chức tại TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) vào ngày 12.7. Ngoài lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, các huyện còn có sự tham gia của Bí thư, Chủ tịch UBND 16 xã, thị trấn ven biển tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị đã mở đầu: “Thảm họa môi trường do Formosa xả thải đã để lại hậu quả khủng khiếp cho nhân dân. Tôi muốn đừng kêu ca nhiều về thiệt hại nữa mà phải gượng dậy, tìm giải pháp. Câu hỏi phải giải đáp là “Chúng ta phải làm gì ngay lúc này, khi người dân cần ra biển, cần nghề nghiệp chứ không cần gạo cứu trợ mãi”.
Không vì thảm họa mà...bỏ biển
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã nêu ra hàng loạt ý tưởng trong các hoạt động mở rộng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế lâu dài cho người dân vùng biển. Về tầm vĩ mô, ông Hưng đề xuất các giải pháp như chuyển đổi cây con, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển nuôi trồng thủy hải sản nhưng cũng động viên ngư dân ra khơi bám biển, đặc biệt là vùng trung và xa bờ.
Chủ tịch UBND các huyện: Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều có những đề xuất về các giải pháp “cứu” dân ven biển vào lúc này, phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Trong đó, ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh cho rằng: “Huyện Vĩnh Linh sẽ không nặng về việc xuất khẩu lao động ra ngoại tỉnh hoặc nước ngoài. Chúng tôi sẽ quyết tâm đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, thôi thúc bà con bám biển bám làng chứ không để bà con...ly hương. Bà con đi cả, vùng biển này lấy ai dựng xây?”. Ông Hùng còn cho rằng, muốn làm được điều này rất cần vốn hỗ trợ. “Phải đòi ở chỗ Công ty Formosa số tiền này chứ tỉnh, huyện làm gì có nhiều để hỗ trợ”, ông Hùng nói.
Chủ tich UBND xã Vĩnh Thái (H Vĩnh Linh) Ngô Thế Thanh trình bày ý kiến
Chủ tịch UBND các xã: Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh), Trung Giang (H.Gio Linh), Triệu Lăng (H.Triệu Phong) và Hải An (H.Triệu Phong) đều có đề xuất tỉnh đầu tư thêm đường sá, thủy lợi và điện cho các vùng sản xuất của các xã. Lãnh đạo các xã này cũng “kêu” địa phương là biển bãi ngang nên không thể đóng được tàu xa bờ vì không có nơi neo đậu. Riêng ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND X.Triệu Lăng cho rằng người dân đã quen với biển nên làm nghề khác rất khó nếu không được đào tạo. “Chuyển nghề chỉ là tạm thời, chứ người dân sẽ chờ biển yên thì quay về với biển”, ông Son nói.
3,2 tỉ đồng và 16 kỹ sư nông nghiệp cho 16 xã
Tại hội nghị, sau vài phút bàn bạc nhanh với lãnh đạo các sở ngành, ông Nguyễn Đức Chính đã ra ngay quyết sách hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn ven biển 200 triệu đồng và 1 kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Đối với Quảng Tri bám biển vẫn là nhiệm vụ hàng đầu
Ngoài việc “kích cầu” xây dựng các mô hình nông nghiệp vùng biển, ông Chính còn cho rằng việc bám biển cũng là yêu cầu không thể tách rời trong thời điểm này. Ông Chính nói: “Chúng ta hãy coi thảm họa này là một cơ hội để chính quyền và bản thân người dân ...thay đổi. Lâu nay, mọi người cứ hài lòng với thuyền nhỏ, cá nhỏ thì nay là cơ hội để mạnh dạn vay vốn đóng tàu vươn xa. Vì bây giờ Chính phủ và tỉnh đều có chính sách hỗ trợ...”.
Song song với 2 biện pháp “sát sườn” trên, ông Chính còn chỉ đạo các sở ngành của tỉnh Quảng Trị thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: rà soát các quy hoạch ven biển; nâng cấp, xây dựng cầu cảng, bến neo đậu; hỗ trợ ngư dân đánh bắt trung bờ...
“Biết là sẽ rất khó nhưng phải làm vì đây là trách nhiệm của chúng ta trước đời sống của hàng chục ngàn người dân”, ông Chính nhắn gửi.
13/07/2016
Nguyễn Phúc
Báo Thanh Niên,
Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.