Tin tức thủy sản

Giữ thương hiệu thủy sản Việt Nam

Thứ hai, 09/04/2018 09:00 lượt xem: 627

 

Giữ thương hiệu thủy sản

Đánh bắt cá ngừ đại dương.​

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ thị về việc giữ gìn thương hiệu thủy sản Việt Nam. Vấn đề được đặt ra trước khi hết hạn 6 tháng (tính từ ngày 23-10-2017) khi Ủy ban Châu Âu “rút thẻ vàng” cảnh báo với hàng hải sản Việt Nam xuất sang thị trường EU.

 Giữa tháng 11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi 7 Bộ, gồm: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; cùng UBND các tỉnh về việc khắc phục việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo bằng thẻ vàng đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Trước đó, ngày 23/10, EC đã áp dụng biện pháp cảnh cáo (mức độ thẻ vàng) đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, họ cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các khuyến nghị của EC về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định của khối này.

Theo đó, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình- theo đánh giá của EU- họ sẽ chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

Để giữ uy tín thuỷ sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ chủ động ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó đặc biệt lưu ý Bộ NNPTNT phải thanh tra, kiểm tra công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác tại các địa phương; kiểm tra, giám sát sản phẩm, nguyên liệu thuỷ sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang EU hoặc Mỹ và các nước có quy định nghiêm ngặt về khai thác thủy/hải sản.

Bộ Công an được giao điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự với hành vi này.

Bộ Quốc phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, không cho xuất bến khi không thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, tàu cá có dấu hiệu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải thống kê, lên danh sách các chủ tàu, tàu cá khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển bị bắt giữ, xử lý; bắt buộc các chủ tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, mở máy 24/24h để giám sát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển; kiểm tra khai thác tại các cảng, xác nhận nguồn gốc hải sản…

Cũng cần nhắc lại, ngày 13/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chỉ thị 45CT-TTg), trong đó quy định ngày 20 hàng tháng gửi Bộ NNPTNT (qua Tổng cục Thủy sản) số liệu về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm pháp luật về thủy sản; ngày 25 hàng tháng công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác IUU (xác định nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của EU).

Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh- nhất là các tỉnh trọng điểm về tàu cá vi phạm vùng biển các nước- chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài trước ngày 30/6/2018.

2. Như vậy, những quy định của Chính phủ về việc đánh bắt, khai thác thủy/hải sản là rất nghiêm khắc, minh bạch. Tất cả vì thương hiệu thủy sản Việt Nam, không chỉ vào EU mà còn trên phạm vi thị trường toàn thế giới.

Tới thời điểm này, việc khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ được kiểm soát rất chặt chẽ. Việc các chủ tàu cá Việt Nam đánh bắt trong vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh.

Việt Nam có thế mạnh về đánh bắt hải sản, với những đội ngư dân can trường và giàu kinh nghiệm. Họ cưỡi sóng đạp gió trên đại dương mênh mông. Trong những ngày dài lênh đênh trên biển đánh bắt hải sản, đôi khi họ không biết rằng mình đã sang vùng biển của nước khác, đáng tiếc nhiều trường hợp ngư dân ta đã bị bắt giữ. Nhiều vụ các nước bắt giữ, xử phạt, đánh đắm tàu cá Việt Nam rất đau lòng.

Còn nhớ, ngày 11/6 năm trước, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận 695 ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ. Phần lớn trong số họ đến từ Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên... Trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có số ngư dân được đưa về nhiều nhất, với hơn 300 người.

Một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm lãnh hải đánh bắt cá của ngư dân ta chính là do nhận thức về chủ quyền và quy định khi hành nghề trên biển của ngư dân còn chưa đầy đủ. Cũng không loại trừ việc còn có nhận thức khác nhau về vùng biển giáp ranh giữa hai nước.

Nhưng dù sao đi nữa thì việc tuân thủ vùng lãnh hải được phép đánh bắt trong phạm vi vùng biển chủ quyền cũng cần phải được đề cao. Ở đây, bên cạnh lỗi của ngư dân thì việc tuyên truyền, giải thích, trang bị phương tiện liên lạc cho các chủ tàu cá là rất quan trọng. Mà việc đó là thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương.

Chỉ còn ít ngày nữa là qua hạn 6 tháng EC áp dụng biện pháp cảnh cáo mức độ thẻ vàng (tính từ ngày 23/10/2017) đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU; trước khi họ rút cảnh báo đó; hoặc trong tình hình xấu là họ chuyển sang thẻ đỏ nếu vi phạm vẫn xác định là tiếp diễn. Tuy nhiên, với những biện pháp và hành động kiên quyết, tin rằng hải sản Việt Nam sẽ lấy lại niềm tin của thị trường châu Âu; bởi lẽ những hành động trong suốt thời gian qua của chúng ta là rất tích cực.

Nam Việt Báo Đại Đoàn Kết

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện